Những 'nữ tướng' vùng cao

Bài 1: Người ta không dám làm, mình phải làm

LCĐT - Thôn Tống Thượng, xã Nậm Đét (Bắc Hà) nằm chót vót trên đỉnh núi, ở đây có một phụ nữ tuổi đã ngoài ngũ tuần được mọi người nể trọng và tin yêu. Dù có chuyện gì, người dân trong thôn đều tìm đến chị để chia sẻ. Đơn giản, vì chị là người đầu tiên trong thôn biết tiếng phổ thông. Nhờ có chị, Tống Thượng bây giờ đã thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, khoác lên mình tấm áo mới.

Chị Sùng Phà Sủi sinh năm 1964, quê ở xã Nậm Mòn (Bắc Hà), là người Phù Lá. Năm 1982, vừa tròn 18 tuổi, Sủi theo chồng về làm dâu ở thôn Tống Thượng, xã Nậm Đét. Khi đó, người dân trong thôn không ai biết tiếng phổ thông, vì thế mà nghèo đói cứ mãi đeo bám họ. Sự xuất hiện của cô dâu người Phù Lá biết nói tiếng phổ thông đã khiến không ít người trầm trồ, khen ngợi. Ngày qua ngày, tin tức lan xuống cả UBND xã, Bí thư Chi bộ xã Nậm Đét năm đó là bà Triệu Mùi Pham, đã cùng lãnh đạo xã lên tận thôn để “kiểm chứng”. Thấy chị Sủi là người thông minh, nhanh nhẹn, mọi người động viên chị phụ trách công tác của Chi hội phụ nữ thôn. Ban đầu, bố mẹ chị không đồng ý, vì nghĩ rằng chị còn trẻ, làm lãnh đạo mà nói chuyện với người lớn tuổi hơn thì không phù hợp. Nhưng chồng chị thì ngược lại, anh rất tự hào vì lấy được vợ biết nói tiếng phổ thông, lại còn được mọi người tin yêu, bầu làm cán bộ. Cuối cùng thì chị Sủi cũng thuyết phục được bố mẹ, với lời hứa sẽ làm việc chăm chỉ để giúp đỡ gia đình và bà con ở Tống Thượng thoát nghèo.

Chị Sùng Phà Sủi (bên phải) trong giờ làm việc tại UBND xã Nậm Đét.

Chị Sùng Phà Sủi (bên phải) trong giờ làm việc tại UBND xã Nậm Đét.

Sau khi tham gia Ban Chấp hành Chi hội Phụ nữ thôn, chị Sủi trở thành “cầu nối” giữa chính quyền xã và người dân trong thôn. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chị nắm rõ như lòng bàn tay, rồi truyền đạt đến cho bà con trong thôn. Chị tích cực tuyên truyền, vận động người dân tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. Chỉ sau 1 năm, chị được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Từ đó, công việc lớn nhỏ trong thôn đều đến tay chị, dù bận rộn nhưng chị vẫn luôn làm tròn bổn phận của người con, người vợ và người mẹ trong gia đình. Chị tâm sự: Lúc con còn nhỏ, mỗi lần đi họp, tôi thường địu con trên lưng, rồi băng qua gần 15 cây số đường rừng để đến UBND xã.

Cũng vì quá nhiều việc phải làm nên mãi đến năm 2002, Sùng Phà Sủi mới có thời gian học tiếp văn hóa và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 11/2003. Từ năm 2004 đến nay, chị đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Đét. 16 năm làm Trưởng thôn và 17 năm làm công an viên ở Tống Thượng là khoảng thời gian đem đến cho chị cả niềm vui và nước mắt, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc “hỉ, nộ, ái, ố”, nhưng vượt qua tất cả khó khăn, thử thách, chị vẫn kiên định và miệt mài để viết tiếp ước mơ ngày Tống Thượng đổi thay.

Về Tống Thượng hôm nay, dù đường đi còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống nơi đây đã đổi thay rất nhiều. Ngồi trong căn nhà xây cấp 4 khang trang, ông Tráng Xoắn Mìn, thôn Tống Thượng, xã Nậm Đét tươi cười: Nhờ có chị Sủi, bà con chúng tôi học được nhiều cái mới, làm sao để trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả. Từ đó, kinh tế cũng đi lên, chúng tôi có tiền xây nhà, cho con đi học, rồi sắm được ti vi, xe máy. Mọi người trong thôn sống tình cảm, đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

So với hơn 30 năm về trước, khi mà đói nghèo, lạc hậu còn bao trùm trong những mái nhà lá lụp xụp, xiêu vẹo chỉ muốn đổ ụp bất cứ lúc nào, thì bây giờ, Tống Thượng đã có nhà xây kiên cố, nhiều gia đình trong thôn còn trở thành điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi của xã. Nhiều hộ thu nhập bình quân từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Để có bức tranh rực rỡ như vậy, chị Sùng Phà Sủi đã vận động người dân trong thôn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục. Nhưng để mọi người tin tưởng và làm theo thì không phải chuyện dễ dàng, chị tự nhủ, người ta không dám làm thì mình phải làm để làm gương. Chị Sủi chính là người đầu tiên trồng giống lúa lai thay thế cho giống lúa địa phương kém năng suất, rồi chuyển từ trồng ngô địa phương sang ngô hàng hóa năng suất cao. Năm 2007, khi cô con gái đầu lòng của chị đi lấy chồng, chị lại tiếp tục tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục thách cưới cao đối với nhà trai. Thay vào đó, đám cưới của con gái chị Sủi diễn ra trong không khí vui vẻ, đầm ấm, người dân trong thôn hiểu ra và bắt đầu thực hiện theo từ đó.

Được sự tín nhiệm của Đảng bộ xã Nậm Đét và bà con trong thôn, từ năm 2012 đến năm 2016, chị Sủi giữ chức Bí thư Chi bộ và Tổ trưởng Tổ Tuyên vận thôn Tống Thượng. Nhiều người trong thôn vẫn đùa rằng, việc gì mà không có Bí thư Sủi là không xong. Đơn cử như giải quyết tình trạng mất vệ sinh môi trường trong thôn. Theo tập quán sinh hoạt, người dân ở đây thường làm chuồng nuôi nhốt gia súc ngay cạnh nhà, vì thế, việc giữ vệ sinh môi trường lại càng khó thực hiện.

Chị Sủi cho biết: Thời gian đầu đi tuyên truyền, người dân không đồng ý di dời chuồng trại ra xa nhà, vì sợ gia súc bị trộm mất, nhưng chị vẫn kiên trì, đến từng nhà giải thích, nếu để chuồng nhốt gia súc gần nhà sẽ rất mất vệ sinh, tạo môi trường để ruồi, muỗi phát triển, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người trong gia đình, mà ốm thì lại không có tiền đi bệnh viện.

Được chị Sủi giải thích rõ ràng, cùng với sự phối hợp tuyên truyền của các tổ chức đoàn thể trong thôn, một số gia đình đã tự giác di dời chuồng trại, nhưng cũng có gia đình chị phải đi tuyên truyền đến 7 - 8 lần mới chịu thực hiện.

Năm 2016, trong thời gian đợi có tiền hỗ trợ làm nhà vệ sinh cho bà con trong thôn, chị Sủi đã ứng trước 33 triệu đồng của mình để mua nguyên vật liệu xây dựng, rồi thuê xe ô tô chở đến từng hộ, cũng chỉ vì muốn người dân trong thôn sớm có nhà vệ sinh khép kín phục vụ sinh hoạt gia đình. Nhờ những đóng góp thầm lặng đó, đến nay, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường ở Tống Thượng đã thay đổi, 100% chuồng trại nuôi nhốt gia súc được di dời ra xa nhà; 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 80% hộ có nhà vệ sinh, nhà tắm kiên cố… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Với những cống hiến đó, năm 2015, chị Sùng Phà Sủi được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường nông thôn; năm 2016 được nhận Bằng khen bí thư chi bộ xuất sắc 5 năm liền của Tỉnh ủy. Đặc biệt, năm 2017, chị vinh dự được dự Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc. Chính sự tin yêu của bà con Tống Thượng là nguồn động lực để Sùng Phà Sủi tiếp tục phát huy, trở thành tấm gương sáng cho bà con Nậm Đét noi theo.

Thi Khanh - Thanh Huệ - Hoàng Thu

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/chinh-tri/nhung-nu-tuong-vung-cao-z1n20190719095238862.htm