Những nữ vệ binh anh hùng của Đường mòn Hồ Chí Minh

Dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, tác giả Sherry Buchanan kể câu chuyện đầy xúc động về những người phụ nữ đã sống, chiến đấu và hy sinh để bảo vệ con đường này.

Đường Hồ Chí Minh, còn có tên đường Trường Sơn, là huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, thành tựu hậu cần vượt ngoài sức tưởng tượng của thế kỷ 20.

 Hình ảnh từ phim Bình minh đỏ, khắc họa hình tượng nữ chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn.

Hình ảnh từ phim Bình minh đỏ, khắc họa hình tượng nữ chiến sĩ lái xe trên đường Trường Sơn.

Con đường sống còn của hoạt động chi viện

Ban đầu, con đường chỉ là mạng lưới lối mòn khắp dãy Trường Sơn, địa giới tự nhiên giữa Việt Nam và Lào nhằm chi viện cho cách mạng miền Nam với mục tiêu thống nhất đất nước, sau khi những cuộc tổng tuyển cử theo cam kết trong Hiệp định Geneve năm 1954 không diễn ra.

Sau khi Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam năm 1965, đường Hồ Chí Minh được mở rộng để chi viện cho những cuộc tấn công của Quân đội nhân dân Việt Nam. "Đường Hồ Chí Minh là mục tiêu chiến lược chủ chốt đối với Mỹ. Tiêu diệt được con đường này chính là cắt đi mạch máu chi viện của quân đội miền Bắc", tác giả Sherry Buchanan viết trong cuốn Đường mòn Hồ Chí Minh. Không lực, Hải quân, Thủy quân lục chiến Mỹ đã dồn rất nhiều tài nguyên và binh lực hòng thực hiện điều đó.

Đường Hồ Chí Minh như một cơ thể sống: cấu tạo phức tạp, không ngừng thay đổi và vươn xa, nhiều địa điểm như "tàng hình" dưới tán lá rừng ken dày. Đây không phải đường độc đạo mà là rất nhiều con đường chắp nối, ẩn hiện, có lúc bị phá hủy nhưng lại được khai thông, bất chấp những đợt rải bom của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiến hành.

Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh trở thành mạng lưới 16.000 km bao gồm đường rừng, đường mòn, đường ôtô, cầu, cống, hồ và đường ống dẫn dầu, do Đoàn 559, đoàn Công binh và vận tải của Quân đội nhân dân Việt Nam, sau này trở thành Bộ Tư lệnh Trường Sơn, xây dựng.

Chân dung những người nữ anh hùng

Theo tác giả Sherry Buchanan, nhiều năm sau, phương Tây mới biết xây dựng và bảo vệ con đường mòn này có sự tham gia của lực lượng phụ nữ: "Họ lặn lội băng những cơn mưa rừng trắng xóa, vượt rừng thiêng nước độc và chống chọi với những cuộc không kích ác liệt để xây dựng và bảo vệ xương sống hậu cần, cho phép quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chiếm ưu thế trên chiến trường... Họ xây đường, đào hào, dựng trại, chăm sóc thương binh và góp phần bảo vệ miền Bắc Việt Nam trước những đợt dội bom của kẻ thù".

Trong 60.000 thanh niên xung phong, có rất nhiều cô gái ở độ tuổi 17 đến 24 bảo vệ đường Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn. Ở quê nhà, 1,7 triệu phụ nữ đã kết hôn và có con chủ động hoặc được động viên tham gia phong trào Ba đảm đang, bảo vệ tuyến đường mòn duyên hải và chiến đấu ở quê nhà trong khi nam giới hành quân vào Nam. Thông tin về con đường ít xuất hiện trước công chúng Mỹ, tác giả lý giải là vì "thương vong do bom Mỹ thả dọc đường Hồ Chí Minh chủ yếu là phụ nữ, trong đó phần nhiều là những cô gái trẻ"; điều có thể khiến những phong trào phản chiến tại nước này càng thêm sôi sục.

 Sách Đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhân dân books.

Sách Đường mòn Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhân dân books.

Bà kể từng biết về con đường qua bản tin truyền hình buổi tối trên đất Mỹ, quay từ trên không qua cánh cửa máy bay B-52, có tiếng nhạc rock ‘n’ roll phát ra từ buồng lái: "'Hàng triệu thanh niên nam nữ' đã hành quân dọc theo những con đường mòn này, 'một triệu tấn vũ khí đạn dược đã được vận chuyển'", Sherry Buchanan nhớ lại.

Từ năm 1991, Sherry Buchanan nhiều lần đến Việt Nam, có cơ hội xem các tác phẩm hội họa do những nghệ sĩ miền Bắc Việt Nam sáng tác trong suốt cuộc kháng chiến, từ giữa năm 1964 đến năm 1975. Ấn tượng với hình tượng người phụ nữ xuất hiện trong quá nhiều bức họa thời chiến này, "những cô gái bị sẹo, mang súng, cầm nhành hoa, hay nâng niu một con chim... những người mẹ, vốn là biểu tượng của sự sống, nhưng buộc phải cầm súng ra chiến trường và cả những người phụ nữ đang cầu nguyện dù họ theo đạo Phật hay Công giáo".

Bà cảm thấy thôi thúc "muốn gặp gỡ những người phụ nữ này bằng xương bằng thịt... muốn họ bước ra khỏi khung hình và chia sẻ với tôi về việc họ đã trở thành chiến sĩ thay vì cam chịu là nạn nhân như thế nào".

Mùa đông năm 2014, 40 năm sau khi cuộc chiến khép lại, Sherry Buchanan quyết định đi dọc đường Hồ Chí Minh để thu thập những câu chuyện từ cả hai phía, nhất là từ những nữ chiến sĩ đã xây dựng và bảo vệ con đường này nhằm góp phần lan tỏa những câu chuyện của họ, biết rõ những lời chứng này sẽ thay đổi hoàn toàn những quan điểm mơ hồ về chiến tranh của những người sống trong thời bình.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-nu-ve-binh-anh-hung-cua-duong-mon-ho-chi-minh-post1546842.html