Những nút thắt trên tiến trình 'xanh hóa' các khu công nghiệp

Tại Việt Nam, việc thực hiện cam kết xanh hóa và phát triển công nghiệp bền vững được thực hiện từ cấp độ doanh nghiệp sản xuất đến nhà đầu tư phát triển BĐS KCN. Nhưng còn rất nhiều nút thắt cần tháo gỡ để đưa mô hình khu công nghiệp sinh thái vào thực tế trên diện rộng.

Vướng mắc nảy sinh từ thực tế triển khai

Những năm qua, Việt Nam có 5 KCN thí điểm xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ. Trong đó Amata và Deep C là những cái tên nổi bật.

Thực tế triển khai tại Amata cho thấy, dự án đã tiếp xúc được 30 doanh nghiệp (DN) và thuyết phục được 18 DN đăng ký tham gia dự án khu công nghiệp sinh thái.

Trước khi bắt đầu vào năm 2020, Amata chỉ đạt 41% điểm chỉ số về KCN sinh thái. Sau 3 năm nỗ lực, đến tháng 1/2024, Amata đạt được 86% điểm. Một số thành tựu đạt được bao gồm: xây dựng hạ tầng dịch vụ dùng chung như: quảng trường, trung tâm thương mại...; đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm cho các DN trong KCN; chia sẻ dịch vụ cứu hỏa với TP.Biên Hòa và KCN lân cận…

Tuy nhiên, Amata vẫn chưa hoàn chỉnh mô hình khu công nghiệp sinh thái do vướng một số ràng buộc khi áp dụng thực tế dù đã có những quy định rõ về các tiêu chí để đạt KCN sinh thái (Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ). Quy định pháp lý về việc sử dụng nước tái chế, sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo chưa rõ ràng, gây khó khăn rất lớn trong thực hiện dự án. Các cơ chế cụ thể để hỗ trợ DN áp dụng công nghệ xanh, tuần hoàn đến nay vẫn còn thiếu…

Deep C thì tập trung cho các giải pháp năng lượng, cộng sinh công nghiệp, tái chế rác và nước thải. Các giải pháp tiết kiệm nước và cải thiện hiệu suất sử dụng tài nguyên đã giúp tiết kiệm khoảng 5,8 triệu kWh điện, 90 nghìn m³ nước và giảm lượng khí CO2 tới 10.588 tấn chỉ riêng trong năm 2022. 3 dự án năng lượng tái tạo đã tạo ra 5.851 MWh điện, tương đương 1,1% tổng lượng tiêu thụ (553.581 MWh) của Deep C và tất cả các khách thuê hiện tại trong KCN.

Song doanh nghiệp này cũng gặp khó vì chưa có giấy phép để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác tái sử dụng nước thải đã xử lý hoặc sử dụng nước thải đó cho mục đích thương mại. Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn và quy trình cụ thể để cấp giấy phép. Điều này khiến việc thu hút các doanh nghiệp tham gia gặp nhiều khó khăn.

Bài toán về vốn và nhận thức

Báo cáo của JLL tại Diễn đàn Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2024 chỉ ra có hai rào cản chính trong việc triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái trên diện rộng. Đó là thiếu lộ trình triển khai toàn diện và khung pháp lý hỗ trợ và thiếu ưu đãi tài chính tạo đủ động lực cho các nhà phát triển trong việc theo đuổi các sáng kiến có lợi cho môi trường.

Còn nhiều rào cản trong chuyển đổi KCN truyền thống thành KCN sinh thái.

Còn nhiều rào cản trong chuyển đổi KCN truyền thống thành KCN sinh thái.

Từ kinh nghiệm làm việc thực tế với nhiều doanh nghiệp phát triển BĐS KCN, ông Bùi Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TNTech, chia sẻ: "Một vấn đề lớn đặt ra là cần thay đổi tư duy của doanh nghiệp Việt. Các chủ thể này cần nhận thức rõ phát triển theo hướng xanh, bền vững chính là tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường quốc tế. Phát triển KCN sinh thái không chỉ giúp thu hút các nhà đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao giúp giảm thiểu phát thải carbon mà còn giúp tối ưu hoạt động với những dây chuyền sản xuất tân tiến cho hiệu suất tốt hơn".

Ngoài ra, ông Khánh cũng chỉ ra 2 vấn đề khi chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái. Đó là bài toán về vốn và hệ quy chiếu sinh thái chưa đầy đủ.

"Việc nâng cấp về hạ tầng, xây dựng hệ thống quản lý, cảm biến, đo lường ô nhiễm… sẽ tốn của doanh nghiệp một khoản chi phí vô cùng lớn. Có thể nói rằng việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái còn tốn kém nhiều chi phí hơn so với việc bắt tay xây dựng một KCN hoàn toàn mới đạt chuẩn sinh thái ngay từ ban đầu", ông Khánh nói.

Gỡ nút thắt cho DN phát triển khu công nghiệp sinh thái

Theo các chuyên gia, hướng đến sự phát triển bền vững không chỉ là tuân thủ quy định mà còn là một chiến lược, mang lại lợi thế canh tranh lớn và tăng trưởng bền vững. Để đạt được mục tiêu Net Zero vào 2050, Việt Nam cần đẩy nhanh lộ trình triển khai và khung pháp lý; thúc đẩy ưu đãi tài chính và tài chính xanh.

Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông để giúp doanh nghiệp nhận định việc chuyển đổi sang KCN sinh thái là tất yếu nếu muốn thu hút thêm các nhà đầu tư đến hoạt động trong KCN của mình.

Khi đã thay đổi nhận thức, các nhà phát triển và KCN sẽ tự khám phá và tích hợp các yếu tố bền vững vào các dự án để sẵn sàng cho những yêu cầu mới của thị trường.

Nhiều DN công nghệ Việt đã sẵn sàng các giải pháp KCN thông minh. Nguồn: TNTech.

Nhiều DN công nghệ Việt đã sẵn sàng các giải pháp KCN thông minh. Nguồn: TNTech.

Dù ở khâu nào cũng cần có sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bên từ Chính phủ tới các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp phát triển BĐS KCN, nhà sản xuất, công ty công nghệ, đơn vị quản lý KCN, các cơ quan truyền thông... Nếu làm được như vậy, Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển khu công nghiệp thông minh.

Thu Nga

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nhung-nut-that-tren-tien-trinh-xanh-hoa-cac-khu-cong-nghiep-20240930094316713.htm