Những nút thắt trong nền kinh tế toàn cầu
Kinh tế thế giới, vốn đã suy giảm do tác động của các cuộc xung đột thương mại, đang đối mặt với hàng loạt thách thức phía trước cũng như những nút thắt cần tháo gỡ nhanh chóng.
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kéo dài 1 tuần vừa kết thúc ngày 20/10 tại Washington (Mỹ).
Mới chỉ sau 1 năm, những đánh giá và dự báo về thực trạng, triển vọng kinh tế thế giới từ giới điều hành cũng như giới quan sát đã có sự đảo ngược gần như hoàn toàn. Tại cuộc gặp thường niên IMF-WB năm 2018, các đại biểu vẫn lạc quan thảo luận về “viễn cảnh tươi sáng hơn của tăng trưởng đồng bộ kinh tế thế giới”. Tuy nhiên, đến hội nghị năm nay, chiều hướng tích cực đó đã chuyển sang tiêu cực. Đã có sự đồng thuận gần như tuyệt đối về nguy cơ “suy giảm tăng trưởng đồng bộ kinh tế toàn cầu”, đi cùng đó là thực trạng thế giới dường như đang tụt lại phía sau các cam kết của chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.
Như nhận định của tân Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, tăng trưởng chậm lại đang diễn ra ở 90% các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; GDP toàn cầu dự báo sẽ chỉ tăng khoảng 3% trong năm 2019 - mức thấp nhất trong một thập niên trở lại đây. Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu được IMF công bố trong khuôn khổ hội nghị cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay từ 3,2% xuống còn 3% và đây cũng là lần thứ tư liên tiếp trong năm IMF điều chỉnh dự báo giảm.
Tăng trưởng GDP của các khu vực đầu tàu kinh tế thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đều được điều chỉnh giảm lần lượt xuống còn 2,4%, 6,1% và 1,2% so với mức 2,6%, 6,2% và 1,3% trong báo cáo tháng 7/2019. Kinh tế gia trưởng IMF Gita Gopinath cho rằng, kinh tế thế giới hiện ở thời điểm suy yếu nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và thế giới đang bước vào giai đoạn giảm tốc xen phục hồi không chắc chắn, với triển vọng khá bấp bênh.
Các thách thức của kinh tế toàn cầu là điểm thảo luận trung tâm của hội nghị năm nay: tăng trưởng đang chậm lại, đầu tư suy giảm, hoạt động sản xuất trùng xuống, thương mại suy yếu, các nước nghèo dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc. Không quá khó để chỉ ra những nguyên nhân đẩy kinh tế thế giới suy giảm tăng trưởng. Ngoài nguy cơ bất ổn địa chính trị toàn cầu như Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) hay những điểm nóng liên quan đến tình hình Trung Đông, xung đột thương mại là nguyên nhân trực tiếp, quan trọng nhất ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới.
Báo cáo cập nhật của IMF cho rằng, căng thẳng thương mại toàn cầu - đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ-Trung, hiện là rào cản đối với tăng trưởng. Bà Georgieva nhìn nhận bất đồng thương mại Mỹ-Trung là nút thắt lớn nhất làm suy yếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cảnh báo thực trạng này sẽ làm trầm trọng thêm xu hướng giảm tốc của kinh tế toàn cầu.
Nhìn rộng ra, tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 2 năm trở lại đây đã thấp hơn tăng trưởng kinh tế toàn cầu, với tổng mức trao đổi hàng hóa trong năm 2019 được dự báo chỉ tăng 1,9%. Đây là hiện tượng lần đầu tiên xảy ra sau nhiều thập niên bùng nổ toàn cầu hóa. Nó cho thấy thương mại không còn là động lực của tăng trưởng toàn cầu. Đây sẽ là thách thức rất lớn, bởi thương mại có liên quan chặt chẽ đến đầu tư và lòng tin doanh nghiệp. Giới đầu tư quốc tế có xu hướng trì hoãn, đóng băng các kế hoạch đầu tư do môi trường bất trắc.
Trong khi đó, bất đồng thương mại lại đang diễn ra ở mức độ gay gắt nhất trong nhiều năm trở lại đây: Ngoài xung đột thương mại Mỹ-Trung, đó còn là câu chuyện tranh chấp Nhật Bản-Hàn Quốc, đối đầu Mỹ-EU trong đánh thuế kỹ thuật số, xe ô tô và phụ tùng ô tô… Bản thân Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không phát huy được tiếng nói, không có khả năng thúc đẩy nghị trình tự do hóa thương mại. Ngay cả Cơ quan phúc thẩm, đầu mối thường trực giải quyết tranh chấp của WTO, cũng đang đứng trước nguy cơ chính thức bị vô hiệu hóa vào ngày 11/12 tới, do chỉ còn lại 1 thành viên (hiện là 3, quy định là 7) do Mỹ kiên quyết bác bỏ việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thành viên.
IMF dự báo kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng 3,4%, nhờ vào triển vọng kinh tế tích cực ở một loạt các thị trường đang nổi tại Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Âu. Chủ tịch WB David Malpass cũng cho rằng tăng trưởng diện rộng là điều có thể đạt được trong năm 2020, với điểm sáng nằm ở tiêu dùng và tiền công lao động tăng, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển, mà những bước cải cách được xây dựng đúng đắn có thể mang lại kết quả ý nghĩa. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, giới chức IMF và WB đều cho rằng cần một loạt nỗ lực, chính sách quyết liệt để xuống thang xung đột thương mại, phục hồi hợp tác đa phương, hỗ trợ kịp thời hoạt động kinh tế, xử lý những điểm nghẽn tài chính đe dọa tăng trưởng trung hạn.
Triển vọng sẽ là tích cực nếu Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại và dỡ bỏ các mức thuế hàng hóa đã áp đặt. Đó phải là một thỏa thuận toàn diện, bởi như bà Georgieva nhấn mạnh, thỏa thuận một phần Mỹ-Trung là thông tin tốt lành, nhưng chưa đủ để xóa bỏ tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại này gây ra với kinh tế toàn cầu. Theo Tổng Giám đốc IMF: “Điều cần thiết là phải có hòa bình thương mại, chứ không phải là đình chiến thương mại để từ đó thương mại có thể quay trở lại vai trò của động lực kinh tế thế giới. Thỏa thuận giai đoạn một Mỹ-Trung Quốc vẫn sẽ khiến GDP toàn cầu giảm 0,6%, giảm chút ít so với mức 0,8% của trường hợp không có thỏa thuận.
Trong các tuyên bố tại hội nghị, IMF và WB nhấn mạnh vai trò của hợp tác đa phương trong xử lý những vấn đề ngắn hạn và trung hạn đe dọa ổn định tăng trưởng toàn cầu. Chủ tịch WB Malpass tuyên bố rằng các nước không thể để thách thức ngày nay cản trở những thành quả phát triển tốt đẹp, nhưng đó cũng là nhiệm vụ không dễ dàng, cần thiện chí, nỗ lực, điều phối của tất cả các nước thành viên, nhất là trong bối cảnh hợp tác toàn cầu, đa phương đang bị chính những "nút thắt" của xung đột thương mại cản trở.
Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận sơ bộ, nguy cơ bất ổn vẫn còn nguyên, khi nhiều rào cản, biện pháp bảo hộ khác có thể sẽ được dựng lên và thực thi trong cuối năm 2019 và đầu năm 2020, đặc biệt là ở một số ngành then chốt nhạy cảm với thương mại như ô tô, phụ tùng ô tô - gắn với căng thẳng Mỹ-EU, hay đòn trừng phạt “treo lửng” giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó phản ánh một thực tế: thương mại có nguy cơ trở thành "con tin" của những tính toán chính trị, bị chính trị hóa, bị chi phối bởi một số trào lưu đang nổi lên - như chủ nghĩa bảo hộ hay luồng tư tưởng dân túy.