Những 'nút thắt' về kinh tế bao trùm Hội nghị G20
Câu lạc bộ các nền kinh tế phát triển nhất thế giới sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn tại Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Bali, Indonesia trong hai ngày 15 và 16/11.
Theo trang www.aljazeera.com ngày 14/11, G20, diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới, có nhiệm vụ tìm ra giải pháp cho một số vấn đề hóc búa nhất mà kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Tuy nhiên, câu lạc bộ các nền kinh tế phát triển nhất thế giới sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được tổ chức ở Bali, Indonesia trong hai ngày 15 và 16/11.
Lạm phát ở nhiều quốc gia đang ở mức cao nhất trong 40 năm, phần lớn do giá năng lượng tăng vọt, là hậu quả của việc cuộc xung đột ở Ukraine và chính sách “Không COVID” của Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế giá cả tăng vọt, ngày càng có nhiều lo ngại rằng thế giới có thể rơi vào tình trạng suy thoái.
Trong khi đó, Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế hàng đầu khác đang đối mặt với những lời kêu gọi hành động quyết liệt để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khí hậu đang rình rập.
* Đi tìm giải pháp cho khủng hoảng ngắn và dài hạn
Nhiều chuyên gia cho rằng, bất chấp khẩu hiệu lạc quan của Hội nghị thượng đỉnh G20 là "Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn", kỳ vọng các bên đạt được một thỏa thuận hợp tác tích cực tại Hội nghị lần này là mong manh, khi Mỹ và các nước đồng minh ngày càng nhìn thấy nhiều điểm khác biệt với Trung Quốc và Nga.
Chuyên gia kinh tế cao cấp khu vực châu Á mới nổi tại ngân hàng Natixis ở Hong Kong (Trung Quốc) Trinh Nguyen đã trao đổi với kênh tin tức Al Jazeera rằng: “Vấn đề lạm phát trước mắt và vấn đề phát triển bền vững dài hạn hơn để giảm lượng khí thải carbon đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu. Đây là điều khá khó khăn trong một thế giới bị phân mảnh hơn nhiều, và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Vì vậy, thách thức đối với G20 là tập hợp các nhà lãnh đạo, những người có quan điểm khác biệt về địa chính trị, để tìm ra điểm chung và giải pháp cho cả cuộc khủng hoảng ngắn hạn và dài hạn”.
Lạm phát, bên cạnh các vấn đề khác, sẽ là quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của Hội nghị G20 vì yếu tố này đã tác động đến mọi tế bào kinh tế, khiến việc tìm kiếm những thứ thiết yếu trở nên đắt đỏ hơn đối với các hộ gia đình và tập đoàn. Một thách thức khác đối với G20 là tạo ra một chuỗi cung ứng toàn cầu tích hợp hơn, ít bị tổn thương hơn trước những cú sốc địa chính trị như cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính lạm phát toàn cầu, vốn đã tăng đều trong cả năm 2022, sẽ đạt 8,8% vào năm 2022, so với mức 4,7% của năm 2021. Điều này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm đại dịch COVID-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng, xung đột ở Ukraine và môi trường giá nhiên liệu cao hơn.
Trong bối cảnh đó, nhóm G20, bao gồm 19 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU), đã cùng các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương thống nhất đưa ra các giải pháp để đối phó tình hình lạm phát và thiếu hụt lương thực toàn cầu.
Indonesia, nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh sẽ nỗ lực duy trì tính trung lập của diễn đàn, bác bỏ lời kêu gọi của các nước phương Tây và Ukraine loại trừ Nga, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng hợp tác về an ninh lương thực và năng lượng.
Trả lời phỏng vấn trước báo giới đầu tuần trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo bày tỏ lo ngại về khả năng căng thẳng địa chính trị làm lu mờ Hội nghị thượng đỉnh, mà theo ông là "không có nghĩa là một diễn đàn chính trị".
Các quan chức Nga và Indonesia đã xác nhận vào tuần trước rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh và thay vào đó Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov sẽ đại diện Nga tham dự. Tuy nhiên, ông Putin dự kiến sẽ tham dự ít nhất một trong các cuộc họp trực tuyến.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều sẽ tham dự. Những người tham dự cao cấp khác bao gồm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Radityo Dharmaputra, Giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Airlangga ở Surabaya, Indonesia, cho biết thách thức chính đối với Hội nghị thượng đỉnh là tìm cách khuyến khích một số chuyển động tích cực trong quan hệ giữa Nga và Ukraine.
Hồi tháng Sáu, ông Joko Widodo đã đến thăm Ukraine và Nga trong một nỗ lực ngoại giao nhằm làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình và cho phép xuất khẩu ngũ cốc tự do trở lại. Sau đó đến tháng Bảy, các nước Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm đảm bảo vận chuyển an toàn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác từ các cảng của Ukraine.
* Những vấn đề quan trọng khác
Shahar Hameiri, một nhà kinh tế chính trị tại Đại học Queensland, cho biết, năng lượng là trọng tâm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh vì cuộc xung đột ở Ukraine đã làm nổi bật sức mạnh của các nước sản xuất năng lượng trong việc tác động đến môi trường giá cả ở những nước khác.
Ông Hameiri cho rằng Mỹ đã rất tức giận khi rất nhiều nước sản xuất đã không tăng sản lượng dầu mỏ nhằm giữ giá bán cao. Điều này rõ ràng đang hỗ trợ cho Nga.
Một vấn đề quan trọng khác mà ông Hameiri mong G20 thảo luận là tái cơ cấu nợ đối với các nước đang phát triển gặp khó khăn về tài chính. Ông Hameiri cho rằng G20 đã cố gắng điều phối vấn đề này trong một thời gian, nhưng quy mô của vấn đề nợ đã trở nên lớn hơn rất nhiều trong thời gian gần đây, khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát trong nước.
Bất chấp quy mô của những thách thức và bất hòa chính trị, một số nhà quan sát vẫn có thể lạc quan về khả năng của G20 trong việc giải quyết các vấn đề quan tâm chung.
Dandy Rafitrandi, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết diễn đàn đã đạt được thành tựu trong những năm gần đây, bao gồm các sáng kiến tạm dừng thanh toán nợ cho các nhà nghiên cứu ở các nước nghèo nhất và cung cấp tài chính cho các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt thanh khoản khẩn cấp trong đại dịch.
Chuyên gia Rafitrandi cho rằng: “Dự án Tài chính G20 đã thảo luận về một số sáng kiến tiếp theo từ nhiệm kỳ Chủ tịch trước như Sáng kiến Đình chỉ dịch vụ nợ (DSSI) và Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), nhằm bảo vệ các nước đang phát triển dễ bị tổn thương trước áp lực kinh tế vĩ mô khi đối mặt với COVID-19 và giá lương thực và năng lượng tăng cao".
Chuyên gia Rafitrandi cho rằng, Hội nghị G20 năm 2022 sẽ đề cập đến một sáng kiến nhằm giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình tăng cường khả năng chuẩn bị cho đại dịch. Đó là việc Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập Quỹ trung gian tài chính phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch (PPR FIF). Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị nóng bỏng, thành tích này cần được đánh giá cao./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-nut-that-ve-kinh-te-bao-trum-hoi-nghi-g20/268763.html