Những ông chủ người Dao trên núi Kia Tăng
Chuyện về những giám đốc người Dao chân đất, chưa học hết THPT trên núi Kia Tăng hùng vĩ thuộc xã Hồng Thái (Na Hang) thu tiền tỷ mỗi năm khiến nhiều người nể phục. Hành trình khởi nghiệp của họ đáng để mỗi người học tập, bởi sự nỗ lực vượt khó, vươn lên từ đồng đất quê nhà.
Hành trình khởi nghiệp
Tiết thu, trời Hồng Thái đã se lạnh, mù sương. Đường đèo dốc, cả xe và người như… mệt lả nhưng khi gặp anh Đặng Ngọc Phố, Phó giám đốc HTX sản xuất chè Shan tuyết Sơn Trà, thôn Hồng Ba, xã Hồng Thái với nụ cười tươi rói thì mệt mỏi bỗng chốc tan biến. Anh khoe ngay về hương vị của loại chè này. Anh bảo, chè Shan tuyết mới sao pha với nước suối thì tuyệt rồi, vị đượm, thơm tựa như hương vị đất trời vùng cao vậy. Anh Phố bảo, cán bộ thưởng thức chè đi để biết người Dao nói thật thế nào, việc thế nào thì nói thế đấy, không biết nói hơn đâu!
Anh Phố kể, cách nay chừng 7 năm, anh đọc được một bài báo viết về người Mông ở Suối Giàng (Yên Bái) làm chè Shan tuyết thu tiền triệu. Thông tin đó làm anh giật mình, ở Hồng Ba này cũng nhiều chè Shan lắm, chè mọc như cây rừng, ấy vậy mà chẳng mấy ai biết làm, dân bản có biết cũng chỉ hái dăm ba nắm về sao để uống, chứ chẳng bán. Thế là anh Phố làm theo, hái chè về sao bằng củi, rồi mang biếu nhà này, người kia.
Anh Đặng Ngọc Phố (bên trái), Phó giám đốc HTX Sơn Trà giới thiệu
sản phẩm chè Shan tuyết với khách hàng.
Chè sao với củi lửa có vị thơm đặc trưng, được nước, dân nghiện chè thì mê tít luôn. Tiếng tăm về chè ngon nhà anh Phố cứ lan mãi ra, đến lúc gia đình không đủ để làm, anh mua thêm chè của dân bản với điều kiện hái theo đúng yêu cầu anh đặt ra, giá cạnh tranh từ 15.000 - 50.000 đồng/kg. Từ làm theo đơn đặt hàng, anh Phố tính đến việc chủ động sản xuất để khách không phải chờ, phải đặt. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh Phố đã đầu tư hệ thống máy sao, rồi vận động thành viên để thành lập Hợp tác xã chuyên sản xuất, chế biến chè Shan tuyết.
Ngày 28-8, tại buổi tiếp đón Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) làm quà tặng Thủ tướng Malaysia. Đây là vinh dự, là cơ hội cho ngành nông nghiệp của tỉnh.
Chúng tôi hành trình lên Khuổi Phầy, thôn xa nhất của xã Hồng Thái gặp anh Đặng Đức Hầu, Giám đốc Hợp tác xã Tân Hợp. Anh Hầu chọn cho mình lối đi riêng, đó là tập trung phát triển rau, quả an toàn. Không ai có thể ngờ được trên đỉnh núi Kia Tăng hùng vĩ chỉ thấy đá với cây rừng lại hình thành được vùng chuyên canh rau rộng lớn đến vậy với 1 ha rau bắp cải, gần 1 ha rau su su, 4 ha bí thơm, bò khai, su hào…
Chia sẻ hành trình khởi nghiệp của anh, Đặng Đức Hầu bảo để có được kết quả như hôm nay vợ chồng anh đã đổ không biết bao mồ hôi, công sức, và cả nước mắt. Bởi ở Khuổi Phầy dốc đá nhiều, để có đất canh tác rau, anh đã phải dùng máy múc loại nhỏ xả đất, lên luống như ruộng bậc thang, cứ mỗi luống là 1 bậc để tránh xói mòn khi mưa và giữ được độ ẩm. San, gạt, lên luống đã cực, việc loại đá để giữ lấy đất làm rau còn cực hơn nhiều. Mỗi ngày hai vợ chồng làm một ít, giờ thì gần chục ha đất chuyên canh rau của anh đã không còn lẫn đá, trồng rau rất thuận lợi.
Sản phẩm sạch mang thương hiệu Hồng Thái
Theo Giám đốc Hợp tác xã Tân Hợp Đặng Đức Hầu, tổng diện tích rau xanh của hợp tác xã hiện có gần 10 ha, trong đó gần 6 ha của gia đình, 4 ha còn lại của 6 thành viên khác. Hợp tác xã Tân Hợp trồng chủ yếu rau trái vụ và rau đặc sản như bắp cải, su su vụ hè, bí thơm, bò khai... Các sản phẩm rau xanh của hợp tác xã được sản xuất đúng theo quy chuẩn hữu cơ, nguồn phân bón là phân chuồng hoai mục, phân trùn quế, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, không chất bảo quản. Sản xuất theo hướng an toàn nên rau của hợp tác xã đã được các cửa hàng, siêu thị rau quả sạch tại thành phố Tuyên Quang, Hà Nội ký kết bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung ứng từ 3 - 3,5 tấn rau xanh, bí các loại, với giá từ 10 - 20 nghìn đồng/kg tùy từng loại, doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng.
Anh Đặng Văn Hầu, Giám đốc HTX Tân Hợp, thôn Khuổi Phầy xã Hồng Thái (Na Hang)
bên diện tích rau mới trồng. Ảnh: Thanh Phúc
Sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà cũng đạt tiêu chuẩn sạch, an toàn. Búp chè được hái từ những cây chè cổ thụ; quy trình sao, sấy đảm bảo theo đúng quy chuẩn an toàn. Anh Phó giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà Đặng Ngọc Phố cho biết, trung bình mỗi năm hợp tác xã sản xuất từ 6 - 8 tấn chè khô, có năm đạt 10 tấn. Với giá bán từ 300 nghìn - 1 triệu đồng/kg, chè sản xuất ra đến đâu được tiêu thụ hết đến đó. Riêng với loại chè có giá từ 1 triệu đồng/kg khách có nhu cầu phải đặt trước mới có hàng.
Ông Đặng Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết, ngoài 2 sản phẩm chè Shan tuyết, rau xanh của 2 hợp tác xã trên địa bàn, xã còn có sản phẩm chè đặc sản Phúc Vân Tiên và Kim Tiên mang thương hiệu KIA Tăng Hồng Thái của Công ty cổ phần Chè Sông Lô liên kết với các hộ dân sản xuất. Trong tương lai gần, xã tiếp tục đề nghị huyện, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hỗ trợ xây dựng thêm nhãn hiệu lê Hồng Thái.
Giáo sư, tiến sỹ Đặng Duy Thịnh, chuyên gia đầu ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, với điều kiện tự nhiên, khí hậu và tập quán canh tác của người dân, Hồng Thái hội tụ đủ các yếu tố để đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch. Và thực tế cho thấy, các sản phẩm nông nghiệp của Hồng Thái như rau xanh, chè, bí, lê đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện tốt để Hồng Thái thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đa dạng các sản phẩm hàng hóa nông sản, tạo cơ hội làm giàu cho người dân.