Những phạm nhân bỏ dở giấc mơ giảng đường Đại học
Là sinh viên của các trường Đại học nổi tiếng như Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Ngoại thương Hà Nội, Nam và Chung để có tiền ăn chơi đã lao vào con đường phạm tội để rồi khi ngồi trong phòng giam, cả hai đều rơi những giọt nước mắt muộn màng và hối hận cho những hành vi lỗi lầm của bản thân.
Sa chân lỡ bước
Năm 1996, khi đang là sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, Nguyễn Kiên Chung (SN 1978, quê quán ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) để có tiền ăn chơi đàn đúm và thể hiện với các bạn đã ăn trộm tiền của bố mẹ. Sau đó, gã bị bắt và bị xử phạt 8 tháng án treo nên bỏ học rồi đi bụi đời.
Trong một lần đi chơi cùng bạn, Chung trộm xe của bạn đi cầm cố lấy 15 triệu và ăn tiêu trác táng vào những thú vui vô bổ của bản thân và cũng vì “sỹ diện với bạn gái”.
Sau đó, khi Chung đang làm nhân viên của quán karaoke thì gã lấy luôn chiếc xe máy của chủ quán karaoke để đi chơi rồi bị bắt và bị tuyên án 11 năm tù. Cộng với bản án treo trước đó nên Chung phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình tại Trại giam Phú Sơn 4.
Đến năm 2007, Chung ra tù. Vì có người nhà trong TP Hồ Chí Minh khuyên Chung đi học nên Chung cũng muốn bắt đầu lại từ đầu. Năm 2008, Chung học khoa Du lịch trường Trung cấp Kinh tế Đối ngoại trên đường Hồ Tùng Mậu. Tuy nhiên, khi đang theo học tại đây thì Chung bị “lộ thân phận từng vào tù ra tội” nên gã lại tiếp tục lỡ dở chuyện học hành.
Sau đó, Chung yêu một cô bạn gái người Thanh Hóa nhưng không được gia đình đồng ý. Chung và cô bạn gái này ra ngoài thuê trọ rồi đi làm xe ôm để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Về sau, biết tin bạn gái có bầu, để có thêm tiền nuôi vợ con, Chung cầm hồ sơ đi xin việc nhưng đều bị lắc đầu từ chối vì “nhân thân xấu”. Bần cùng, Chung đã nghe theo lời của Hoàng Tuấn Anh (SN 1979 ở phường hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cũng từng cải tạo tại Trại giam Phú Sơn 4 để đi cướp tài sản và khiến một người tử vong.
Sau đó, Tòa sơ thẩm xử phạt Hoàng Tuấn Anh tử hình và Nguyễn Kiên Chung tù chung thân về hai tội danh Giết người và Cướp tài sản. Cả hai bị cáo kháng cáo nhưng duy nhất chỉ có Chung là được sửa bản án sơ thẩm xuống mức án 29 năm tù cho cả hai tội danh.
Cũng giống Chung, trong quá trình là sinh viên trường Đại học Xây dựng Hà Nội Nguyễn Duy Nam (SN 1991, thường trú rại xã Tân Thành, Thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) cũng lao vào ăn chơi, lô đề, cờ bạc và nợ khoảng 15 triệu của nhóm cho vay nặng lãi. Trong một lần “lướt web” Nam thấy chị N.T.Y (SN 1993, trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An) xinh xắn lại hay chụp ảnh “sang chảnh” có điều kiện nên Nam nảy sinh ý định tán tỉnh làm quen rồi sau đó giết chị Y để cướp tài sản.
Một lần đồng ý để Nam chở đi chơi, chị Y đi xe máy đến đón rồi bị Nam dùng gạch sát hại. Nam lấy xe máy, tiền và điện thoại của bạn gái bỏ đi, tổng giá trị tài sản là hơn 74 triệu đồng. Chị Y may mắn thoát chết nhưng bị tổn hại 14% sức khỏe.
Qua hai cấp xét xử, Nam bị tuyên phạt 25 năm tù cho hai tội danh Giết người và Cướp tài sản.
Hối hận muộn màng
Sau những tháng ngày ngồi trong trại giam Phú Sơn 4, cả Nam và Chung đã nhiều đêm tự dằn vặt bản thân và hối hận với những hành vi phạm tội của mình.
Khi kể cho phóng viên về đứa con với cô bạn gái, Chung cho biết sau khi gã chấp hành án thì bạn gái cũng thường xuyên lên thăm và kể cho hắn biết con hắn sinh vào ngày 23/12/2009 nhưng đúng ngày mùng 01 Tết năm 2010 thì đứa trẻ đã mất.
Tưởng rằng đây đã là sự mất mát lớn nhất đối với Chung, nhưng không, đến năm 2013, bố hắn “nhắm mắt xuôi tay”, bạn gái bỏ đi khiến hắn rơi xuống vực thẳm của sự tội lỗi, người thân của Chung chỉ còn lại mẹ già năm nay đã 70 tuổi.
Những đêm trong trại giam, Chung khóc, khóc vì chưa được nhìn thấy mặt con, mặt cha của hắn lần cuối. Nhìn bóng lưng mẹ già một mình lầm lũi trở về sau khi lên thăm con, Chung đã ân hận, ân hận vì đã để cho mẹ hắn buồn lòng, vì vậy hắn dặn mẹ đừng vất vả lên thăm hắn nữa mà thỉnh thoảng hắn sẽ gọi điện về để hỏi thăm mẹ.
Đại tá Lãnh Văn Lượng – Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4 chia sẻ, để cảm hóa những phạm nhân như Chung, ông yêu cầu công tác giáo dục của Trại phải đổi mới bằng nhiều hình thức, các phương pháp giáo dục khác nhau, việc này đòi hỏi cán bộ quản giáo phải có chuyên môn cao, bởi lẽ Chung là người có ăn học tử tế, đã từng vào trại cải tạo và giờ lại quay trở lại nên việc các quản giáo tiếp cận, gặp gỡ phạm nhân để giáo dục, phân tích những điều đúng, sai phải diễn ra thường xuyên để nhanh chóng nắm bắt tâm lý của Chung liên tục tránh việc để Chung suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến quá trình cải tạo.
Không chỉ có vậy, việc giải đáp những tâm tư nguyện vọng của các phạm nhân như Chung cần phải được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, hợp lý; thậm chí hàng quý ban Giám thị còn xuống đối thoại trực tiếp với phạm nhân, để “đả thông tư tưởng” tháo gỡ những khúc mắc, mong muốn của phạm nhân.
Tất cả đã tác động đến nhận thức, dần làm thay đổi hành vi của phạm nhân; cùng với việc thực hiện chế độ, chính sách với phạm nhân được thực hiện công khai, minh bạch góp phần cho phạm nhân yên tâm, tích cực cải tạo, lao động.
Nếu như trong trường hợp phạm nhân không có sự thay đổi và có tư duy buông bỏ thì ngay lập tức Trại sẽ cử cán bộ tới tận gia đình nói chuyện với cha mẹ của phạm nhân để cùng phối hợp giáo dục, khuyên bảo giúp phạm nhân thay đổi tốt hơn.
Còn đối với Nam, từ trại tạm giam số 01 TP Hà Nội, Nam được chuyển vào Trại giam Phú Sơn 4 ngày 9/11/2012. Ban đầu, Nam nghĩ đã chôn vùi tuổi trẻ của mình trong tù nên chỉ vừa mới 2 tháng vào tù hắn đã tìm cách dấu điện thoại mang vào buồng giam rồi hồn nhiên đăng ảnh các phạm nhân đang cải tạo lên mạng xã hội Facebook. Vì hành động ngông cuồng này của mình, Nam bị cùm 01 chân trong nhà kỷ luật và sau đó cái tên Nam Facebook ra đời từ đó.
Cứ tưởng rằng sau khi chịu hình thức kỷ luật xong Nam sẽ ngoan ngoãn cố gắng cải tạo. Nhưng không, 4 năm liền Nam tiếp tục chống đối, không chịu cải tạo, luôn bị xếp loại kém và trung bình.
Trung tá Hoàng Mạnh – Phó Đội trưởng đội Giáo dục hồ sơ Trại giam Phú Sơn 4 cho biết, Nam là một phạm nhân rất đặc biệt, thông thường chỉ một thời gian ngắn khi vào trại thì các phạm nhân được các “bạn tù” hỗ trợ, chia sẻ động viên rất nhiều nhưng Nam luôn khép mình không chịu hòa đồng. Vì vậy mà để có thể giáo dục, cảm hóa được Nam thì các cán bộ quản giáo và các cán bộ chiến sỹ của Trại giam Phú Sơn 4 đã phải mất nhiều ngày để nghiên cứu hồ sơ và tìm hiểu về nhân thân, lai lịch, hoàn cảnh phạm tội và diễn biến tâm lý của Nam.
“Có lẽ, Nam nghĩ rằng vào tù là mất tất cả nên mới phản ứng như vậy. Chúng tôi đã tổ chức chương trình giáo dục chung và giáo dục riêng cho Nam. Mỗi tuần, chúng tôi phân công cán bộ quản giáo, chỉ huy phân trại trao đổi, chia sẻ và cho Nam thấy còn cả một tương lai dài phía trước. Song song với đó, chúng tôi cũng trao đổi với gia đình Nam cần thường xuyên hỏi han, động viên để Nam nhận ra ngày về của mình. Kể từ đó trở đi, Nam phát huy tốt năng lực, sở trường của mình trong các hoạt động thể dục thể thao và đạt nhiều thành tích, xếp loại khá tốt trong nhiều năm liên tiếp nên được xây dựng nên làm Trưởng ban Đội tự quản.” – Trung tá Mạnh chia sẻ với phóng viên.
Từ một chàng sinh viên với bao ước mơ, hoài bão được gia đình, thầy cô và bạn bè yêu mến, vậy mà chẳng mấy chốc Nam đã trở thành một kẻ bất cần, trượt dài theo những cuộc ăn chơi trác táng dẫn đến nợ nần rồi túng quẫn làm liều và nhận bản án 25 năm tù. Ngày bước chân vào cánh cổng trại giam là lúc Nam nghĩ tương lai của mình đã khép lại. Tuy nhiên, giữa những lo lắng và hoang mang, Nam nhận được tình thương, sự bao dung đầy trách nhiệm của Ban Giám thị và cán bộ Trại giam Phú Sơn 4 trong công tác cảm hóa, giáo dục khiến Nam nhận ra những lỗi lầm và định hướng được niềm tin để sống, học tập và cải tạo.
“Giờ đây, sau nhiều ngày ăn cơm tù mặc áo số, tôi đã tiếp thu được nhiều điều hay lẽ phải và bản thân cũng đã thực sự ăn năn hối cải về những việc làm sai trái, lỗi lầm trước đây của mình. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ phấn đấu lao động, cải tạo để sớm về với gia đình và trở thành người có ích cho xã hội” – Nam tâm sự.
Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.