Những phản kháng cuối cùng của quân Phát Xít ở Berlin

Nhà sử học Đức Jorg Morre cho biết quân Phát xít đã phản kháng đặc biệt mãnh liệt vào giai đoạn cuối cùng. Kể cả người dân thủ đô cũng đã bị thuyết phục rằng họ sẽ chết nếu như Hồng quân giành được thắng lợi.

Hồng quân Liên Xô diễu hành tại Berlin ngày 1/5/1945. Ảnh: Sputnik

75 năm trước, vào ngày 16/4/1945, cách thủ đô Berlin khoảng 90 km về phía Đông, cuộc tổng tiến công cuối cùng đã bắt đầu. Theo thống kê, đã có tới hơn 360.000 Hồng quân tử vong trong chiến dịch này.

Ngày 16/4 vừa qua, khu tưởng niệm ở đồi Zeelov đã tổ chức lễ tưởng nhớ những người đã hi sinh trong chiến dịch, với sự có mặt của Đại sứ Nga tại Đức Sergei Nechaev. Sự kiện này được tổ chức một cách khép kín vì tình hình đại dịch.

"Lực lượng Phát xít đã phản kháng cực kỳ mãnh liệt ở chiến trường này, tận cho tới khi người lính cuối cùng ngã xuống. Hồng quân cũng nhận ra điều đó. Khi họ chiếm được một thành phố nhỏ, có rất nhiều dân thường đã tự tử. Điều này đã khiến người Nga ngỡ ngàng", ông nói.

"Sự thật là những người dân này đã bị thuyết phục rằng một khi cuộc chiến kết thúc, tất cả người dân của đế chế Đức sẽ phải chết. Chính điều này đã khiến Hồng quân chịu thương vong thảm trọng trong trận chiến này", ông Morre nhận định.

Ông nói rằng vì lực lượng phản kháng này quyết liệt tới mức Liên Xô đã phải nói với các đồng minh phương Tây phải thuyết phục quân Phát xít đầu hàng trên mọi mặt trận, tại cùng một thời điểm một cách vô điều kiện.

"Tại thời điểm đó, các tướng Đức hiểu rằng đây là một cuộc chiến vô vọng. Chính vì thế, quân đội Phát xít đã cố gắng đạt thành một thỏa thuận riêng với phương Tây để gửi quân tới phía Đông và chiến đấu với Hồng quân", ông Morre cho biết.

Lực lượng tinh nhuệ của quân đội Phát xít, Wehrmacht, phản kháng đặc biệt dữ dội bên trong thủ đô Berlin.

"Bên trong thành phố có rất nhiều quân tinh nhuệ với vũ trang đầy đủ. Kể cả vào ngày 2/5, khi thành phố đầu hàng, vẫn có 3-4 địa điểm khác vẫn đang chiến đấu. Ví dụ, khu vực Vườn Bách thảo tại Gezundbrunnen vẫn có nổ súng. Quân đội Đức chỉ đầu hàng và hạ vũ khí khi nhận được lệnh từ phía người chỉ huy tối cao tại Berlin. Dù biết là vô vọng nhưng họ vẫn phản kháng", ông cho hay.

Hitler đã tự sát trong một khu hầm trú ẩn vào ngày 30/4/1945 ở Berlin.

Hôm 6/5, đại tướng Karl Donitz, người kế vị Hitler, đã gửi Alfred Jodl, lãnh đạo cấp cao của đội quân Wehrmacht tới thành phố Reims. Ông Jodl được trao trọng trách đàm phán về việc đầu hàng phương Tây với đại tướng của Mỹ Dwight D. Eisenhower.

Ông Eisenhower đã ngay lập tức từ chối. Ông nói rằng mục tiêu của cuộc chiến là quân đội Đức đầu hàng một cách vô điều kiện trên mọi mặt trận.

Sáng ngày 7/5, các bên đã ký kết một văn bản đầu hàng tạm thời ở Reims. Văn bản chính thức được ký tại Berlin trong ngày 8/5.

Hoàng Việt

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-phan-khang-cuoi-cung-cua-quan-phat-xit-o-berlin-post78659.html