Những phân khúc 'hưởng lợi' từ đợt giảm phí trước bạ
Nhiều phân khúc ôtô tại Việt Nam có phần lớn sản phẩm lắp ráp, qua đó sắp được hưởng lợi từ đợt giảm phí trước bạ lần thứ tư.
Hôm nay 1/9, đợt ưu đãi 50% phí trước bạ lần thứ tư dành cho xe lắp ráp tại Việt Nam chính thức có hiệu lực. Khác với các lần triển khai trước đây, đợt giảm phí trước bạ năm nay chỉ kéo dài 3 tháng và sẽ kết thúc vào ngày 30/11.
Một số phân khúc ôtô tại Việt Nam được xem là sẽ "hưởng lợi" từ chính sách này, bởi sự áp đảo về số lượng các sản phẩm xe lắp ráp.
Xe cỡ A
Sau khi Honda Brio, VinFast Fadil ngừng bán, phân khúc xe cỡ A tại Việt Nam vào lúc này chỉ còn Hyundai Grand i10, Toyota Wigo và Kia Morning.
Trong đó, cả Hyundai Grand i10 và Kia Morning đều được lắp ráp trong nước, chỉ duy nhất Toyota Wigo là sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Tính đến hết tháng 7, Hyundai Grand i10 đang là mẫu xe bán chạy nhất với doanh số 2.421 xe. Toyota Wigo đứng thứ nhì khi đạt doanh số 1.517 xe, còn lượng tiêu thụ của Kia Morning trong cùng kỳ là 451 xe.
Nhiều khả năng với sức bán tốt như hiện tại cộng với chính sách giảm phí trước bạ, Hyundai Grand i10 sẽ tiếp tục là cái tên dẫn đầu phân khúc xe cỡ A. Sau khi được nâng cấp, Hyundai Grand i10 vẫn giữ nguyên 2 biến thể (sedan, hatchback) cùng 6 phiên bản, giá bán từ 360 triệu đến 455 triệu đồng.
Toyota Wigo có giá bán 360-405 triệu đồng, còn giá bán của Kia Morning hiện dao động từ 349 triệu đến 424 triệu đồng.
Sedan cỡ B
Ba mẫu sedan cỡ B bán chạy nhất Việt Nam vẫn tiếp tục là Hyundai Accent, Toyota Vios cùng Honda City. Cả 3 mẫu xe này đều là sản phẩm lắp ráp trong nước và sẽ nằm trong nhóm được hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ.
Sau 7 tháng đầu năm, Hyundai Accent, Toyota Vios và Honda City thu về tổng doanh số 15.993 xe, tương đương hơn 78% tổng doanh số toàn phân khúc. Trong đó, Hyundai Accent đang tạm dẫn đầu với doanh số lũy kế 5.973 xe.
Hyundai Accent hiện có 4 phiên bản với giá bán 439-569 triệu đồng. Toyota Vios có 3 phiên bản, giá bán từ 458 triệu đến 545 triệu đồng còn 3 phiên bản của Honda City khởi điểm 559 triệu đồng và cao nhất 609 triệu đồng.
Phân khúc sedan cỡ B còn có Kia Soluto là sản phẩm lắp ráp trong nước với giá bán 386-449 triệu đồng. Tuy nhiên, mẫu sedan cỡ B của Kia lại không có được doanh số khả quan như các đối thủ kể trên.
Các mẫu xe còn lại bao gồm Mitsubishi Attrage hay Mazda2 đều là sản phẩm nhập khẩu Thái Lan. Trước khi bị tạm dừng bán, Suzuki Ciaz cũng là sedan cỡ B được phân phối đến khách Việt dưới hình thức nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
Chính sách ưu đãi phí trước bạ áp dụng cho xe lắp ráp nhiều khả năng sẽ là yếu tố giúp "hâm nóng" đường đua doanh số ở phân khúc sedan cỡ B. Hyundai Accent đang tạm dẫn đầu nhưng khoảng cách doanh số với Toyota Vios chỉ là 13 xe.
SUV cỡ A
Từ một phân khúc tương đối mới mẻ với chỉ 2 đại diện Toyota Raize và Kia Sonet, nhóm SUV cỡ A hiện bao gồm 4 mẫu xe nhờ sự tham gia của Hyundai Venue cùng với VinFast VF 5 Plus.
Nhóm xe này cũng chứng kiến sự áp đảo của các mẫu xe lắp ráp khi ngoại trừ Toyota Raize nhập khẩu Indonesia, toàn bộ 3 đại diện còn lại đều là sản phẩm lắp ráp.
Số liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cùng với VinFast và TC Motor công bố cho thấy VF 5 Plus đang là mẫu SUV cỡ A bán chạy nhất, doanh số đạt xấp xỉ 15.000 xe từ đầu năm.
Kia Sonet thu về lượng tiêu thụ 3.911 xe, Toyota Raize bán được 2.360 xe từ đầu năm còn doanh số Hyundai Venue trong cùng kỳ ở mức 1.805 xe.
Chính sách giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp có thể sẽ giúp doanh số của Kia Sonet và Hyundai Venue tăng trưởng trong giai đoạn còn lại của năm 2024. Về phần mình, VinFast VF 5 Plus sẽ không chịu ảnh hưởng từ chính sách ưu đãi này, bởi xe điện tại Việt Nam đã được giảm 100% phí trước bạ từ năm 2022.
VinFast VF 5 Plus đang có giá 468 triệu đồng ở tùy chọn thuê pin, hoặc 548 triệu đồng nếu khách hàng mua xe kèm pin.
Ba phiên bản của Kia Sonet hiện có giá 539-624 triệu đồng. Giá bán của Toyota Raize khởi điểm 498 triệu đồng, còn 2 phiên bản Hyundai Venue có giá bán lần lượt 499 triệu và 539 triệu đồng.
SUV cỡ C
Toàn bộ đại diện có công bố doanh số trong phân khúc SUV cỡ C tại Việt Nam đều là sản phẩm lắp ráp. Ngoài ra, thị trường còn có thêm một số lựa chọn SUV cỡ C như VinFast VF 7, MG HS, Subaru Forester hay Haval H6.
Trong nhóm SUV cỡ C có công bố doanh số, Mazda CX-5 đang là cái tên bán chạy nhất với doanh số 6.314 xe sau 7 tháng. Các phiên bản của Mazda CX-5 có giá bán dao động từ 749 triệu đến 979 triệu đồng.
Đứng ngay sau Mazda CX-5 là Ford Territory với doanh số lũy kế 3.686 xe từ đầu năm. Honda CR-V đạt doanh số 2.912 xe sau 7 tháng, đã bao gồm 805 xe phiên bản hybrid vốn là sản phẩm nhập khẩu thay vì lắp ráp như các phiên bản còn lại.
Ford Territory hiện có giá 799-929 triệu đồng còn Honda CR-V khởi điểm ở mức 1,109 tỷ đồng và cao nhất 1,31 tỷ đồng.
Cả Hyundai Tucson, Kia Sportage hay Mitsubishi Outlander cũng đều là sản phẩm lắp ráp. Hyundai Tucson hiện có giá 769-919 triệu đồng, Kia Sportage có giá 779-999 triệu đồng còn Mitsubishi Outlander có giá 825-950 triệu đồng.
Phân khúc này đang chứng kiến sự áp đảo của Mazda CX-5 khi doanh số cao hơn gấp rưỡi so với thành tích bán hàng của cái tên xếp sau là Ford Territory. Nhờ "chất xúc tác" ưu đãi phí trước bạ, Mazda CX-5 có thể sẽ tận dụng lợi thế có sẵn để nới rộng khoảng cách về doanh số, nhưng cũng không loại trừ khả năng các mẫu xe còn lại trong phân khúc sẽ tìm cơ hội để tăng tốc.
Nhìn chung, đợt ưu đãi phí trước bạ được triển khai ngay sau giai đoạn tháng Ngâu là chính sách được kỳ vọng nhiều nhất từ cả khách hàng lẫn hãng xe và đại lý. Đợt giảm phí trước bạ lần thứ tư có thể trở thành yếu tố giúp kích thích sức mua từ khách hàng và cải thiện doanh số ôtô tại Việt Nam.