Những phận người 'nép' sau ánh điện thành phố trong cái lạnh cắt thịt cắt da (2)
Dưới ánh điện của thành phố, những người vô gia cư tồn tại như bám víu vào sự sống phồn hoa của chốn thị thành. Có những người khổ quá tình nguyện nhập cuộc vào 'xóm lang thang' để được cưu mang nhưng cũng có những người… 'đi bụi cho thoải mái rồi về'.
"Có phòng trọ nhưng vẫn ngủ ngoài đường!"
3 miếng caton mới tinh cùng tấm nilong được xé gọn là nơi ngủ thường ngày mỗi đêm của bà Nguyễn Thị Thảo (sinh năm 1968, quê ở Yên Bái). Khác với những người vô gia cư khác, bà Thảo chỉ là dân "tạm trú" ở "xóm dạt nhà" này vì mỗi tối bà chỉ ngủ ở đây đến 3,4h sáng.
Bà Thảo không giấu diếm chúng tôi về câu chuyện của mình. Bà Thảo có một người con trai năm nay đã 26 tuổi nhưng bị tâm thần bẩm sinh. 7 năm trước, một tai nạn bất ngờ ập đến khiến chồng bà qua đời. Ở quê, hoàn cảnh khó khăn, anh chị em không hề có điều kiện nên để có tiền thuốc thang cho con hai mẹ con đành phải lên đây bám trụ. Ban ngày, bà Thảo mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai và bán bánh mỳ. Tuy nhiên, do tuổi già nên khoản thu nhập đó chỉ vừa đủ để hai mẹ con có thể có được cho mình một căn trọ giá rẻ 3 m2 . Để tiết kiệm tiền ăn hàng ngày, mỗi tối bà lại xin "nhập cư" cùng "xóm lang thang" để gom góp thêm ít bánh, ít sữa cho con.
Dù là xóm đường phố nhưng đều có luật riêng. Những người ít ra vẫn có chốn đi về như bà Thảo thì sẽ đợi nhận quà sau cùng. Vì xét theo thứ tự của sự đau khổ thì bà Thảo vẫn còn thuộc nhóm những người khá khẩm nhất trong cả xóm.
Bà Thảo tâm sự với chúng tôi, giọng đặc quánh lại vì ốm đã hai tuần nay nhưng dính lạnh nên mãi không khỏi: "Tôi có nhà trọ nhưng lại không thể về ngủ. Vì ngủ ở nhà thì không có gì ăn. Nếu con trai không bệnh, chồng không mất thì ở nhà rau cháo nuôi nhau cũng không khổ thế này. Những lúc giao mùa, cả người tôi như bị dòi bò vì dây thanh quản thì bị hẹp còn chân tay thì nhức mỏi luôn do đã thấp khớp hàng chục năm nay. Nhưng nghĩ đến con thì mình đành phải cố gắng thôi".
Bà Thảo cũng đã nhiều lần đưa con trai đến các trường học cho trẻ khuyết tật những mong con có được sự thay đổi. Có lần, đã có một trường ở Thạch Thất dành cho trẻ khuyết tật tiếp nhận con bà nhưng chỉ nửa tháng sau, bà nhận được thông báo đến đón con về vì không thể kiểm soát được con. Đã nhiều năm qua, bà Thảo và con trai chưa từng được ăn Tết ở quê vì lý do giản dị đến tội nghiệp: "Đi về Yên Bái hai mẹ con hết gần 1 triệu cả đi, cả về. Khoản đó bằng tiền nhặt ve chai cả nửa năm nên nhiều năm nay tôi quên luôn việc phải đi về quê dịp Tết. Những lúc nhìn cảnh phụ nữ áo quần xúng xính cùng người thân ăn Tết tôi cũng thấy tủi cái phận đàn bà nhưng nghĩ đến con thì có chết ở đây mình cũng phải cố".
Chúng tôi hỏi bà: "Điều lo lắng nhất của bà hiện tại là gì ?". Bà Thảo đùa: "Cả đời tôi đã bao giờ có một ngày nào bớt lo đâu mà bảo lo nhất điều gì. Chỉ sợ tôi chết thì không ai nhận cháo từ thiện về cho con trai thôi".
3h sáng, bà Thảo cất bước về phòng trọ, tổng "thu nhập" tối nay gồm 2 hộp sữa Fami, một bắp ngô luộc, 2 hộp xôi giò và một chiếc áo len cũ. Thế cũng tạm đủ cho một một ngày ấm bụng của hai mẹ con. Sữa và xôi giò dành phần con còn bắp ngô là thứ để bà Thảo lót dạ sau những ngày mệt mỏi.
Đi bụi cho "thoải mái" rồi về
Không ít những người vô gia cư ở các con phố của Hà Nội là do giận vợ, giận chồng, giận người thân mà bỏ nhà ra đi. Anh Đinh Văn Hưng (26 tuổi, quê ở Hòa Bình) là một ví dụ. Anh Hưng nhập cư vào "xóm lang thang" cùng "vợ" của mình.
Với anh Hưng, chuyện nhập cư vào "xóm lang thang" cũng như là cách để gỡ rối tâm trạng sau những ngày xung đột với gia đình. Khác với những người "cơ nhỡ" khác tại đây, anh Hưng là người có hoàn cảnh gia đình khá giả. Tuy nhiên, do không tìm được tiếng nói chung với bố mẹ anh, anh đành phải ra đi.
Lên Hà Nội nhưng không mang theo giấy tờ, anh Hưng không thể tìm được công việc ổn định. Anh kể nhiều khi ngồi bên vệ đường còn bị công an phường đuổi đi. Nhiều người nhìn lại nghĩ mình là đối tượng nghiện ma túy hoặc trộm cướp nên cũng không ai dám tin tưởng giao việc.
Hưng tâm sự với chúng tôi với cái lý của một người trẻ không được thấu hiểu: "Em cũng muốn về nhà lắm, nhưng cứ nghĩ tới cảnh người nhà nhìn nhau thờ ơ là em lại chán. Ở đây tuy khổ thật, nhưng ít ra còn cảm nhận được tình người. Bọn em được nhiều đoàn từ thiện giúp đỡ, thỉnh thoảng còn có cơm của các sư thầy cho nữa, bữa đói bữa no nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc. Bọn em sáng thì lang thang ngoài Bờ Hồ, rồi đi quanh quanh vườn hoa nhặt rác kiếm sống qua ngày, đến tối thì về đây. Chỗ này như nhà của bọn em rồi. Còn có các cô các chú nữa, bọn em khó khăn nhưng vẫn giúp đỡ lẫn nhau, cô chú có đau ốm, em còn trẻ thì em chăm sóc cô chú, tưởng là người xa lạ nhưng lại không khác gì người nhà", anh Hưng tâm sự.
Chị Phương mang thai đã 7 tháng, anh Hưng tâm sự: "Vợ em đang bầu bì thế này nên lại càng khó khăn hơn. Bọn em tính lúc sắp đến khi chuyển dạ thì sẽ về quê, vì ở Hà Nội giá cả đắt đỏ quá. Hôm trước bọn em qua chỗ vườn hoa Lênin còn bị lấy mất túi chăn, nên giờ chỉ đành đắp chung chăn với các cô chú". Khó khăn là thế, điều kiện không hề dư dả, nhưng anh Hưng vẫn cố gắng hết sức để chăm sóc cho vợ một cách tốt nhất. Chúng tôi mang sữa và bánh đến tặng cho mọi người, anh Hưng đã không ngần ngại nhường hết cho chị Phương.
Anh Hưng trải lòng: "Đợt dịch bùng phát vừa rồi có những ngày bọn em chỉ uống nước, không có gì ăn, vì kinh tế khó khăn, dịch bệnh hoành hành, nên các đoàn từ thiện cũng ít hơn. May là có các cô chú cũng chia cho bọn em một ít đồ xin được. Tết năm nay bọn em xem có ai giúp đỡ mua vé xe cho bọn em về quê ăn Tết cùng gia đình, vợ em sắp sinh rồi nên cũng cần một chỗ ở đàng hoàng, sống như thế này mãi cũng không ổn".
"Ô thế ra, đến Tết là hết giận à?", chúng tôi nửa đùa nửa thật với anh Hưng. Anh Hưng cười xòa mà không nói gì. Chúng tôi nghĩ bụng: "Chắc có vấn đề gì trong chuyện mẹ chồng nàng dâu hay bạn gái không được chấp nhận đây mà!". Thế mà thật! Lần này anh Hưng về cùng bạn gái dù vẫn chưa đăng ký kết hôn nhưng được cái "có cả trâu lẫn nghé" thì chắc sẽ thuyết phục hơn nhiều.
Cụ ông xa xa vọng tiếng trêu đùa đúng cái chất ngông nghênh của dân "vỉa hè": "Đàn bà là những niềm đau!". Có thế thật hay không thì cũng tùy hoàn cảnh, có điều trẻ trung, vai u lực lưỡng mà lại đi làm người "vô gia cư" thì cũng phải nghĩ chút xíu. Là nghĩ thôi, không chê cũng chẳng khen!