Những phận người Sài Gòn mắc kẹt sau 27 năm giảm nghèo
Sau 27 năm nỗ lực giảm nghèo của TP.HCM, có những phận người vẫn loay hoay mưu sinh ở chốn thị thành
"Mẹ cầm 2 triệu này đóng tiền nhà và điện nước nha, con phải đi ngay. Người ta không cho con nghỉ", đứa con trai dúi vội vào tay mẹ những đồng tiền còn mới cứng rồi lao vút đi như một mũi tên nhỏ để kịp chuyến xe cuối ngày về Bình Dương.
Nếu chỉ dựa trên tiêu chuẩn về thu nhập thì gia đình bà Lê Thị Lan (58 tuổi, quê Bến Tre) không được đưa vào diện hộ nghèo. Nhưng để có mức thu nhập ấy, hai đứa con của bà đã phải bỏ học để gánh vác mưu sinh chốn thị thành.
Mới đây, TP.HCM tuyên bố không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, tức thu nhập dưới 900.000 đồng/người/tháng và thiếu hụt 3 trong 5 tiêu chí dịch vụ xã hội cơ bản: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Thành tích ấy đã không tính đến gia đình bà Lan.
Đằng sau những báo cáo khô khan, giữa trung tâm TP.HCM vẫn còn những phận người 30 năm sống nơi màn trời chiếu đất, những đứa trẻ phải nghỉ học để kiếm sống và những số phận bị thành phố bỏ lại phía sau. Để giải thích cho sự nghèo bền vững của mình, đa số họ đều có một lý giải chung mang tên “số phận”.
Bà Lê Thị Lan (58 tuổi, quê Bến Tre) nhìn theo bóng dáng tí hon khuất dần sau dãy nhà lụp xụp, đôi mắt hõm sâu cùng những nếp nhăn hằn rõ suy tư. Nắm chặt số tiền trong tay, mắt bà nhòe lệ.
Hai con bà đều đã bỏ học đi làm ở Bình Dương từ 5 năm nay, mỗi tháng chỉ về nhà một lần. Mỗi khi nhìn những đứa trẻ cắp sách tới trường, bà lại ứa nước mắt vì giận bản thân bất lực đã để các con từ bỏ tuổi thơ mà gánh vác mưu sinh quá sớm.
“Hai đứa nó sáng dạ lắm. Thằng lớn mới học lớp 2 đã biết tính, đọc chữ làu làu. 8h tối học xong là đi bán hết 100 tờ vé số mới chịu về nhà”, nói đến đây, giọng bà nhỏ hẳn đi. “Sau đấy nhà khó khăn quá nên hai anh em nó bỏ học hẳn để đi làm”.
Hai anh em đi làm mỗi tháng được 6 triệu, cộng với tiền phụ việc vặt ở công trường của ba và tiền bóc tỏi của mẹ thì cả gia đình 4 người kiếm được 8 triệu/tháng. Thế nhưng hai đứa trẻ phải chấp nhận thất học. Dù vậy, gia đình bà Lan chưa một lần được hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo.
Trong xóm trọ nghèo nằm ven đại lộ Võ Văn Kiệt, đoạn qua cầu Lò Gốm (quận 6), nhà bà Lan không phải gia đình duy nhất bị "bỏ rơi" trong chính sách giảm nghèo của thành phố. Nổi tiếng với cái tên xóm hành tỏi, xóm nghèo này là nơi trú ngụ của hàng trăm gia đình nhập cư, làm đủ các ngành nghề nhưng nhiều nhất vẫn là bóc hành tỏi.
Như nhiều hộ dân khác ở đây, bà Lan di cư từ Bến Tre lên Sài Gòn và bám trụ ở xóm này hơn 30 năm nay. Cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, những hộ dân ở đây không chỉ sống bên rìa thành phố, mà dường như bên rìa cả chính sách.
Gia đình bà Lan là một trong những hộ nghèo nhất ở đây. Bà sống cùng chồng trong căn nhà lụp xụp rộng 15 m2 với mức giá cho thuê 900.000 đồng một tháng. Cả dãy có 10 căn nhà giống y như vậy, tất cả đều dùng chung một nhà vệ sinh.
Khoảng một tuần một lần, bà lại đi mua 50.000 đồng một thùng phi đầy nước từ chủ nhà về dùng dần. Để tiết kiệm, vợ chồng bà còn thiết kế một hệ thống máng thô sơ từ những tấm tôn cũ người ta bỏ đi để hứng nước mưa trên mái nhà.
28 Tết vừa rồi, khi từ nhà đến chỗ làm của chồng nhận quà Tết, bà Lan bị ngã xe và phải bó bột hết 7 triệu đồng. Từ đấy, cứ 4 ngày bà lại mất 200.000 đồng tiền thuốc do không có bảo hiểm y tế.
Bà cặm cụi bóc tỏi cả ngày cũng chỉ được 50.000 đồng, chồng bà đi làm bữa được bữa nghỉ, thu nhập không đều. Nếu không nhờ tiền hai đứa con của bà bỏ học đi làm gửi về mỗi tháng thì bà cũng không có tiền để chạy chữa cái chân này.
Đáp lại thắc mắc của Zing.vn về việc xét hộ nghèo cho những hộ dân dưới chân cầu Lò Gốm, lãnh đạo phường 10 (quận 6) cho rằng các hộ dân ở khu xóm này thuộc diện tạm trú, lại nằm trong khu vực sắp giải tỏa, phường không thể hỗ trợ vì chính sách giảm nghèo bền vững là một chương trình lâu dài.
Cứ nghĩ đến việc các con phải bỏ học đi làm nuôi bố mẹ, bà Lan lại rơm rớm nước mắt. “Số phận như vậy rồi, tôi còn biết làm gì nữa đây”, bà buồn rầu tâm sự, trong tay mân mê tấm ảnh duy nhất của hai đứa con tha hương.
Đúng 6h tối, bà Nguyễn Thị Kim Vàng (55 tuổi) đứng chờ tắm rửa tại căn nhà 20 m2 náu sâu trong con hẻm ở khu chợ Cháy trên đường Yersin, giữa lòng quận 1 sầm uất. Xong xuôi, bà thu xếp đồ đạc rồi đi ra ngoài đường ngủ cùng chồng và 3 đứa cháu. Tối nay, như mọi tối khác, cả nhà bà lại ngủ ngoài vỉa hè.
"Sao cô không ngủ trong nhà mà lại ra vỉa hè ngủ?", một phụ nữ qua đường thắc mắc khi thấy gia đình 5 người mắc võng ngoài đường.
"Nhà tôi đông lắm, không có chỗ ngủ, chứ có ai muốn sống ở vỉa hè đâu", bà Vàng bình thản đáp.
"Đông đến mức nào hả cô?".
"Tính hộ khẩu nguyên gốc là một trăm mấy chục người luôn đó".
Bà Vàng không hề nói quá. Căn nhà nhỏ 20 m2 này có tổng cộng 12 cuốn hộ khẩu với 108 nhân khẩu. Nhìn thoáng qua, người ta dễ nhầm căn nhà với kho chứa đồ hay một cửa hàng quần áo. Bao nhiêu bộ phận cần có của một gia đình được thu vào hai căn gác 20 m2, đồ đạc xếp tràn cả ra con hẻm rộng hơn 1 mét.
Căn nhà của đại gia đình bà Vàng nằm len lỏi giữa hàng trăm nhà lồng nhỏ xíu, sát vách, nương tựa vào nhau như chính những phận người nơi đây. Sau bao biến cố, xóm lao động này vẫn tồn tại giữa tấp nập, sầm uất của trung tâm quận 1, dưới chân cầu Ông Lãnh. Chợ Cháy, cái tên không có trong bản đồ hành chính nhưng người dân ở đây vẫn quen gọi vậy như một lời nhắc về ký ức bi thương của những lần tháo chạy khỏi lưỡi hái lửa thần, rằng mình đã từ tro bụi mà đứng lên.
Vừa lục tìm cuốn sổ hộ khẩu lẫn giữa hàng trăm thứ giấy tờ tùy thân của cả nhà trong chiếc tủ 20 năm tuổi đặt ngay bên vệ đường, ông Phạm Văn Nở (58 tuổi, chồng bà Vàng) vừa kể về lịch sử của cả đại gia đình.
50 năm trước, 20 m2 này vốn là sạp hàng chợ do bố mẹ ông Nở làm chủ. Năm tháng qua đi, “quân số” của cả đại gia đình nối tiếp nhau tăng dần lên, chỉ có căn nhà là ngày càng nhỏ lại. Con cháu bung ra làm ăn tứ xứ nhưng ai cũng gắng bám trụ vào cuốn hộ khẩu để có nơi đi chốn về.
Trong đại gia đình 12 hộ khẩu, chỉ nhà ông Nở được công nhận hộ nghèo từ năm 1999 tới 2010 rồi dừng lại, sau đó tiếp tục nhận tiêu chuẩn hộ nghèo từ năm 2017 đến nay. Khi được hỏi lý do “mất nghèo” 7 năm, ông Nở lắc đầu cười lãnh đạm: “Tôi có biết đâu, của Nhà nước cho thì mình nhận chứ đâu có đòi hỏi gì nhiều”.
Nhận chính sách hỗ trợ hộ nghèo từ 20 năm trước, nhưng đến giờ, cả gia đình nghèo vẫn hoàn nghèo.
Ngày ngày, ông làm xe ôm, bà đẩy xe chuyển đồ cho các sạp hàng trong chợ. Buổi trưa, bà giúp dọn dẹp tại tiệm cơm vỉa hè để cả nhà được miễn phí hai suất cơm 15.000 đồng. Đêm đêm, ông thu gom giấy vụn, vỏ chai đến tận 1-2h sáng, nhặt nhạnh từng đồng.
Đích đến cho mọi hoạt động trong ngày của họ, sau cùng, đều quy về việc kiếm sống. Không vui chơi, không bè bạn và không cả những bữa cơm gia đình sum vầy ấm cúng. Làm việc quần quật nhưng trung bình mỗi ngày, hai ông bà chỉ kiếm được khoảng 200.000 đồng.
Lãnh đạo phường Cầu Ông Lãnh nhiều lần thuyết phục bà Vàng làm những công việc ổn định như tạp vụ tại nhà hàng, nhưng năm lần bảy lượt, bà đều từ chối.
“Có ai muốn nghèo, muốn khổ mãi đâu. Nhưng nghèo mãi rồi thành quen. Giờ mà đi làm, nhận lương theo tháng thì mỗi ngày lấy tiền đâu cho các cháu ăn học, rồi lấy ai trông đứa nhỏ 3 tuổi. Mình làm ở đây còn đi qua đi lại chăm cháu được”, bà Vàng tâm sự.
Sáng chủ nhật.
Cả con phố ồn ào tiếng í ới của những đứa trẻ gọi nhau đi chơi cuối tuần, của những ông bà già rủ nhau làm ván cờ sáng. Bần thần nhìn phố phường tấp nập, bà Vàng chỉ đếm từng giờ mong cho ngày mau qua. Bởi cuối tuần đồng nghĩa với chợ không ai cần đẩy xe, tiệm cơm vỉa hè cũng không mở cửa. Thu nhập cả ngày hôm nay chỉ vỏn vẹn trong mấy chục nghìn đồng tiền chạy xe của người chồng đang mang bệnh tim của bà.
“Bà Sáng có đứa con nuôi nghiện ma túy nên khi đưa ra xét bình nghị hộ nghèo, đa phần người dân tại khu phố không duyệt, cho nên nhà ấy không được nhận hỗ trợ hộ nghèo”, bà Nguyễn Bình Xuân, Trưởng ban điều hành khu phố 2 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), giải thích về lý do gia đình bà Nguyễn Thị Sáng (70 tuổi) không được công nhận.
Bình nghị hộ nghèo là một bước có tính quyết định trong quy trình xét hộ nghèo, cận nghèo. Sau khi điều tra thông tin và phân loại hộ gia đình, cơ quan có thẩm quyền sẽ tổ chức họp dân theo khu phố với trên 50% tổng hộ dân để biểu quyết dân chủ và chọn ra hộ được xếp vào diện nghèo, cận nghèo hay thoát nghèo. Danh sách cuối cùng được niêm yết và gửi lên cấp phường để hoàn thiện quy trình.
Bà Sáng sống cả cuộc đời ở trung tâm phố Bùi Viện sôi động nhất Sài Gòn. 70 tuổi cũng là 70 năm nghèo đằng đẵng. Chứng kiến cả thành phố đổi thay nhưng gia đình bà vẫn giậm chân tại chỗ.
Phận già neo đơn, không lương hưu, chỉ làm được 50.000 đồng mỗi ngày từ tiền thái thịt cho người hàng xóm bán xôi, thế nhưng, bà Sáng chưa từng được đưa vào diện hộ nghèo.
Trước đây, bà từng thử vay vốn để mở cửa hàng tạp hóa mong cuộc sống khá lên nhưng thất bại do không có người hay tài sản bảo lãnh hợp pháp. Khi nghe kể về lý do mình không được nhận hỗ trợ hộ nghèo, bà giật nảy mình.
“Đấy không phải con nuôi của tôi đâu”, bà giải thích. “Ngày xưa, mẹ tôi nhận nuôi người đó. Giờ nó đi đâu biệt tích tôi cũng không biết, để lại một đứa con cho tôi nuôi đây”.
Tiếc rằng, bà Sáng không có mặt ở buổi bình nghị hộ nghèo để thanh minh cho chính mình.
50.000 đồng mỗi ngày là số tiền bà Sáng dùng để nuôi ăn người cháu trai 49 tuổi bị bệnh lao phổi, không thể đi làm và đứa con trai 11 tuổi của người em bị nghiện. Số tiền ít ỏi ấy không đủ để đóng học nên cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn phải từ bỏ mái trường từ hơn một năm nay. Ngày ngày, cậu chỉ quẩn quanh trong nhà nhìn bạn bè cùng trang lứa cắp sách tới trường.
Sống giữa con phố nhộn nhịp nhất thành phố, gia đình bà Sáng chỉ dám ăn hai bữa mỗi ngày vì họ không có tiền để ăn nhiều hơn. Gia đình nhỏ với một người già, một người bệnh và một đứa nhỏ cứ thế sống lay lắt qua ngày.
Năm 1992, với quyết tâm rất lớn, TP.HCM khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo. Khi đó, toàn TP.HCM có 121.722 hộ nghèo, chiếm 17% tổng hộ dân. Sau 27 năm với 6 giai đoạn và 6 lần thay đổi chuẩn thu nhập hộ nghèo, từ 40.000 đồng/người/tháng (1992) tăng lên 1.750.000 đồng/người/tháng (2018), cho thấy thành quả từ nỗ lực của TP trong cuộc chiến chống đói nghèo. Mỗi lần thay đổi chuẩn nghèo, số hộ nghèo của TP lại tăng vọt nhưng thu nhập trung bình của người nghèo cũng được nâng lên.
Tính đến hết 2018, TP.HCM chỉ còn 3.767 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,19% dân cư thành phố. Tiếp nối thành công đó, TP.HCM quyết định nâng chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2019-2020 lên mức hơn 2.300.000 đồng/người/tháng (28 triệu đồng/người/năm).
Bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết thành phố đã huy động tối đa các nguồn lực kinh tế từ các tầng lớp xã hội trên địa bàn, trong đó nguồn ngân sách của thành phố hàng năm luôn được ưu tiên dành cho công tác xóa đói giảm nghèo. Phương pháp tiếp cận, đánh giá hộ nghèo hiện đã đa dạng hơn cách phân loại chỉ dựa vào thu nhập trước đây.
Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, Phó bí thư Thành ủy nhận định công tác này còn tồn tại nhiều hạn chế. Tại một số địa phương, người dân tiếp cận thông tin về chuẩn hộ nghèo, cận nghèo chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền của thành phố chưa thường xuyên, nhiều cán bộ địa phương còn suy nghĩ đánh giá hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập (theo chuẩn nghèo cũ) khiến các hoạt động của chính sách xóa đói giảm nghèo chưa đa chiều và gặp khó khăn, trở ngại.
Có lẽ, chính vì còn những bất cập, thành tựu 27 năm giảm nghèo của TP.HCM chưa đến được với gia đình ông Nở, bà Sáng, bà Lan. Họ vẫn cứ nghèo từ năm này qua năm khác, mắc kẹt với công cuộc mưu sinh từng ngày nơi Sài Gòn phồn hoa, sầm uất.