Những 'phản ứng dây chuyền' sau kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018
Đừng để những phản ứng dây chuyền xảy ra như thời gian qua bởi nó sẽ tạo một tiền lệ xấu trong xét xử và xử lý vi phạm những cán bộ, những phụ huynh liên quan.
Kỳ thi năm 2018 không chỉ phát hiện ra tiêu cực ở một địa phương mà có đến ba địa phương được xác định là đã can thiệp vào điểm thi của nhiều thí sinh.
Hà Giang có 107 thí sinh, Hòa Bình 64 thí sinh và Sơn La có 44 thí sinh được nâng khống điểm mà đa số những thí sinh này là con của cán bộ, công chức, viên chức và những người “có máu mặt” ở địa phương.
Có một điều mà chúng ta đang nhìn thấy là việc xử lý tiêu cực lại đang rất chậm, chưa tạo được sự đồng thuận của dư luận. Điều này đã tạo nên những “phản ứng dây chuyền” từ địa phương này sang địa phương khác.
Chúng ta cứ nhìn 2 phiên tòa vừa đưa ra xét xử ngày 16 và ngày 18/ 9 vừa qua ở Sơn La và Hà Giang sẽ thấy rõ vấn đề này.
Ngày 16/9/2019, Tòa án Sơn La mở phiên tòa xét xử vụ án tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông ở địa phương này.
Tuy nhiên, phiên tòa đành phải hoãn lại vì có tới 44 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 32 người làm chứng được triệu tập nhưng vắng mặt. Trong khi, tòa gửi giấy triệu tập là 91 người!
Ngày 18/9/2019, đến lượt Tòa án tỉnh Hà Giang cũng phải hoãn lại vì tòa triệu tập 188 người làm chứng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan nhưng đã có tới 62 người vắng mặt không có lý do và 60 người vắng mặt có lý do.
Cả 2 phiên tòa không xét xử được cùng một lý do là đa số những người làm chứng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan được tòa triệu tập đã không có mặt tại phiên tòa.
Ngược lại dòng thời gian kể từ khi phát hiện ra việc gian lận điểm thi ở 3 địa phương: Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình thì chúng ta cũng thấy nhiều sự việc tương đồng đã xảy ra.
Đó là khi hình thành nghi án có tiêu cực thì những người đứng đầu ngành giáo dục của 3 địa phương này vẫn khẳng định với dư luận là không có tiêu cực xảy ra. Khi phát hiện có tiêu cực thì các vị này vẫn thanh minh mình trong sạch hoặc quy trình chấm thi nghiêm ngặt.
Ông Vũ Văn Sử- nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang đã trả lời báo chí khi ông Vũ Trọng Lương bị bắt rằng: “Ban Giám đốc chúng tôi có 4 người. Tôi và 2 Phó Giám đốc nằm trong hội đồng, người còn lại có con dự thi nên không tham gia.
Chuyện tiêu cực, tôi và 2 Phó Giám đốc Sở trong hội đồng thi tuyệt nhiên không.
Tôi đã báo cáo lãnh đạo cao nhất của ngành và các đồng chí lãnh đạo tỉnh như vậy. Tôi biết mình và hai Phó Giám đốc nên tôi mới nói là không”.
Thế nhưng, như chúng ta đã biết, đến thời điểm này đã có 2 Phó Giám đốc bị truy tố và sáng ngày 18/9 đã có mặt tại tòa là ông Phạm Văn Khuông và bà Triệu Thị Chính?
Trước những thông tin về tiêu cực ở địa phương mình, ông Hoàng Tiến Đức- nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã trả lời với báo chí rằng:
“Toàn bộ quy trình tổ chức kì thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kì tiêu cực nào. Qua báo cáo của các điểm thi, các tổ chấm cho thấy không có sự bất thường”.
Nhưng, cuối cùng thì Sơn La có 44 thí sinh được nâng điểm, Ban Giám đốc của Sở Giáo dục Sơn La và một số vị trí chủ chốt của Sở đã được xác định liên quan đến vụ tiêu cực. Đặc biệt, cá nhân ông Đức còn bị cấp phó Trần Xuân Yến tố là đã nhờ nâng điểm cho 8 thí sinh!
Như vậy, các vị quan đứng đầu ngành giáo dục của tỉnh từng khẳng định sự nghiêm ngặt trong thi cử, khẳng định sự trong sạch của mình, của cấp dưới của mình nhưng thực tế đã hoàn toàn trái ngược.
Phản ứng dây chuyền còn thể hiện ở chỗ ông Triệu Tài Vinh không biết vì sao con mình được nâng điểm nên ông Vinh đã nói: “Lỡ họ đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao”, sau này hàng loạt cán bộ ở 3 địa phương này cũng khẳng định con mình học giỏi nhưng không hiểu vì sao được nâng điểm?
Phản ứng dây chuyền còn được lan rộng sang những cán bộ, những phụ huynh có con được nâng điểm. Họ đều khai là không có đưa tiền, không có chạy chọt để nâng điểm cho con.
Họ chỉ “nhờ xem điểm trước” nhưng các bị can ở Sơn La đã nộp lại cho cơ quan điều tra hơn 3 tỉ đồng do phạm tội mà có?
Phản ứng dây chuyền còn thể hiện ở việc ông Hoàng Tiến Đức xin đi chữa bệnh khi Ban Kiểm tra Trung ương về Sơn La làm việc.
Sau đó, đến lượt ông Bùi Trọng Đắc cũng xin đi chữa bệnh 5 tháng khi bị đề nghị cách chức Giám đốc Sở Giáo dục Hòa Bình. Bây giờ, khi tòa án Sơn La xét xử vụ án thì “bệnh” của ông Hoàng Tiến Đức lại tái phát nên ông phải vào viện điều trị!
Trong 3 địa phương để xảy ra tiêu cực thì chỉ mới có một số địa phương của tỉnh Hòa Bình đã xử lý kỷ luật phụ huynh. Đầu tiên là 4 cán bộ ở huyện Kim Bôi có con được nâng khống điểm bị kỷ luật bằng hình thức “khiển trách”.
Sau đó, đến Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Hòa Bình cũng kỷ luật 15 cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm ở mức “khiển trách”. Như vậy, đến nay thì Hòa Bình đã kỷ luật 19 phụ huynh và hình thức kỷ luật đều dừng lại ở mức “khiển trách”!
Trong 3 địa phương để xảy ra tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 thì chỉ có tỉnh Hòa Bình được Bộ Công an điều tra và chưa đem ra xét xử.
Đối với 2 địa phương còn lại do Công an tỉnh điều tra là Hà Giang và Sơn La đã đem ra xét xử nhưng đều phải hoãn lại vì phần nhiều những người làm chứng, những người liên quan đến quyền và nghĩa vụ đều vắng có lý do hoặc vắng không lý do?
Chúng ta đều biết, 3 địa phương này đã phá hỏng kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, đã làm xói mòn niềm tin của người dân cả nước và đương nhiên nó đã là một vết nhơ hiện hữu với thời gian.
Vì thế, dư luận xã hội trông chờ vào các cơ quan tố tụng phải xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội. Đồng thời, những phụ huynh có con được nâng điểm phải được làm rõ có hay không tội đưa hối lộ để con em mình được nâng điểm.
Đừng để những phản ứng dây chuyền xảy ra như thời gian qua bởi nó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong xét xử và xử lý vi phạm những cán bộ, những phụ huynh liên quan đến tiêu cực trong kỳ thi năm 2018!