Những phản ứng trước việc Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt Thủ tướng Israel

Vào thứ Năm (21/12) Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã ban hành lệnh bắt giữ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cùng cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant trong chính quyền của ông, cũng như thủ lĩnh Ibrahim Al-Masri của Hamas với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột ở Gaza.

Trong quyết định của mình, các thẩm phán ICC cho biết có căn cứ hợp lý để tin rằng hai ông Netanyahu và Gallant phải chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi bao gồm giết người, đàn áp và bỏ đói như một vũ khí chiến tranh trong một "cuộc tấn công có hệ thống và rộng rãi nhằm vào dân thường ở Gaza".

Các thẩm phán cho biết cũng có căn cứ hợp lý để tin rằng lệnh phong tỏa Gaza và tình trạng thiếu lương thực, nước, điện, nhiên liệu và vật tư y tế "đã tạo ra những điều kiện sống được tính toán để gây ra sự hủy diệt đối với một bộ phận dân thường ở Gaza, dẫn đến cái chết của dân thường, bao gồm cả trẻ em, do suy dinh dưỡng và mất nước".

 Tòa án Hình sự Quốc tế đã ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ảnh: Reuters

Tòa án Hình sự Quốc tế đã ra lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant. Ảnh: Reuters

Trong khi Israel phản đối dữ dội phán quyết này, thì người dân Gaza bày tỏ hy vọng rằng nó sẽ giúp chấm dứt bạo lực và đưa những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh ra trước công lý. Hamas cũng hoan nghênh lệnh bắt giữ và nói rằng đây là bước đầu tiên hướng tới công lý.

Lệnh bắt giữ thủ lĩnh Masri của Hamas, người còn được gọi là Mohammed Deif và được cho rằng đã bị Israel tiêu diệt, với cáo buộc vì chỉ đạo cuộc tấn công thảm sát ngày 7/10 vào Israel dẫn đến cuộc chiến tranh Gaza, cũng như các tội danh hiếp dâm và bắt giữ con tin.

Mỹ, nước ủng hộ chính của Israel, không phải là thành viên của ICC. Họ cho biết "về cơ bản phản đối" động thái này. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: "Chúng tôi vẫn rất quan ngại về việc công tố viên vội vàng xin lệnh bắt giữ và những sai sót đáng lo ngại trong quy trình dẫn đến quyết định này”.

Các cường quốc thế giới như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng chưa ký kết tham gia vào ICC - tổ chức được sự ủng hộ của toàn bộ Liên minh châu Âu, Úc, Canada, Anh, Brazil, Nhật Bản và hàng chục quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh.

Tòa án ICC không có lực lượng cảnh sát riêng để thực hiện việc bắt giữ mà phải dựa vào 124 quốc gia thành viên. Trong một tuyên bố, công tố viên ICC Karim Khan cho biết: "Chúng tôi trông cậy vào sự hợp tác của họ trong tình huống này, cũng như mọi tình huống khác...".

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, cho biết quyết định này không phải mang tính chính trị mà do tòa án đưa ra và do đó cần phải được tôn trọng và thực hiện. "Thảm kịch ở Gaza phải chấm dứt", ông nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Jordan, Ayman Safadi, cũng cho biết quyết định của ICC phải được thực hiện, đồng thời nói thêm rằng người Palestine xứng đáng được công lý sau những gì ông gọi là "tội ác chiến tranh" của Israel ở Gaza.

Bộ trưởng Ngoại giao Caspar Veldkamp của Hà Lan, nơi đặt trụ sở của ICC, cho biết đất nước của ông sẽ hành động theo lệnh bắt giữ những người trên lãnh thổ của mình và sẽ không tham gia vào các cuộc tiếp xúc "không cần thiết".

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một cộng sự thân cận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, thì có quan điểm ngược lại khi cho biết: "Tòa án là một trò đùa nguy hiểm. Đã đến lúc Thượng viện Mỹ phải hành động và trừng phạt cơ quan này...".

Huy Hoàng (theo Reuters, AJ)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-phan-ung-truoc-viec-toa-an-hinh-su-quoc-te-ban-hanh-lenh-bat-thu-tuong-israel-post322349.html