Những 'pháo đài thép' trên Thềm lục địa
15 Nhà giàn DK1 vững vàng trên thềm lục địa Tổ quốc giữa ngàn khơi trong suốt hơn 31 năm qua, không chỉ khẳng định nơi ấy là cột mốc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam, mà còn khẳng định sức kiên cường trụ vững, làm chủ cuộc sống, quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền thềm lục địa Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió của cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải quân.
Kỳ 1, Cột mốc đặc biệt
Nhà giàn DK1 được gọi với tư cách là “Cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”. Những cột mốc này được xây dựng không phải đường biên, mà dựa trên “tiêu chí” luật biển Quốc tế qui định. Việc xây dựng các Nhà giàn DK1 với mục đích chính là bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển, đồng thời công bố với thế giới, đây là chủ quyền thềm lục địa của Việt Nam. Nhà giàn DK1 được xây dựng và tồn tại không chỉ là một tất yếu của một đất nước có chủ quyền, mà còn là tầm nhìn chiến lược quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tên dân sự các Nhà giàn DK1 gọi là “Trạm kinh tế-khoa học-dịch vụ” thực chất là nơi sống, huấn luyện, học tập, bảo vệ vùng trời, vùng biển của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn DK1. Trước đây tiểu đoàn DK1 trực thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân, nay trực thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đóng quân trên vùng biển Thềm lục địa Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, nay là tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Nhiệm vụ của các nhà giàn DK1 là làm chỗ dựa cho ngư dân các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ ra đánh bắt hải sản, làm tiêu cho tàu thuyền qua lại, thu thập số liệu thủy văn, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền vùng biển thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Từ năm 2009 trở về trước, nói về nhà giàn DK1 ít người biết đến, ngay cả nhiều người dân ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu không biết nhà giàn DK1 là gì và đóng quân ở đâu. Họ nghĩ rằng “DK1”, là những người làm việc trên các giàn khoan dầu khí (DK1- dầu khí một). Mà đã công tác ở “Dầu khí một” thì lương cao, đời sống khá giả. Có người nhầm tưởng rằng, trong túi các chiến sĩ “dầu khí một” lúc nào cũng “xông xênh”. “Tiếng thơm” ấy “vang” tận đến các cô gái công nhân giầy da ở Vũng Tàu.
Thời ấy, do nhiều lý do khác nhau mà nhà giàn DK1 không được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như bây giờ. Bắt đầu từ tháng 7 năm 2009, lần đầu tiên các nhà giàn DK1 được nhiều người biết đến khi Quân chủng Hải quân phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức kỷ niệm 20 năm ngày ra đời. Và từ đó các nhà giàn DK được tuyên truyền công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 được gọi đúng tên là “cán bộ chiến sĩ” chứ không gọi là “cán bộ nhân viên” như trước đây nữa.
Cụm Kinh tế- Khoa học-Dịch vụ (gọi tắt là DK1) được ra đời ngày 5 tháng 7 năm 1989, để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa của Tổ Quốc trong tình hình mới. Nhà giàn xa đất liền nhất là Ba Kè C, cách đất liền khoảng 630 ki lô mét, nhà giàn DK1/10 (Bãi cạn Cà Mau tỉnh Cà Mau) cách Vũng Tàu gần 700 ki lô mét, nhưng cách mũi Cà Mau chỉ 110 hải lý, tương đương gần 200 ki lô mét, cách An Giang 385km.
Pháo đài vững chắc
Với chức năng nhiệm vụ canh giữ vùng biển vùng trời, làm tiêu và chỗ dựa cho ngư dân ra khai thác đánh bắt hải sản, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vùng biển, vùng trời thềm lục địa của Tổ quốc. Các nhà giàn được kết cấu bằng thép do Bộ Tư lệnh Công Binh xây dựng có sức bền lâu dài và chịu được khắc nghiệt của thời tiết như gió to, bão lớn cấp 10 cấp 11. Nhà có chân cũng bằng thép cắm sâu xuống đáy san hô. Nhà chia thành nhiều tầng, nhiều khối để sinh hoạt học tập với diện tích sử dụng hàng trăm m2/ tầng. Mùa sóng bão nhà rung lắc nhưng không chao đảo và không dễ gì đổ được. Theo qui định khi có bão to, hiện tượng nhà rung lắc mạnh là cán bộ chiến sĩ được lệnh chuyển xuống tàu an toàn.
Hiện nay trên vùng biển thềm lục địa Bà Rịa Vũng Tàu có 15 nhà giàn ở các Cụm Ba Kè, Phúc Tần, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Cà Mau tạo thành một “vành đai chiến hào đảo thép” trên biển. Mỗi nhà như một “pháo đài thép” vững chắc. Chốt giữ trên đó là cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn DK1 Vùng 2 Hải Quân- những người mà anh em gọi nửa đùa nửa thật là “Bia chủ quyền sống” trên biển. Những “tấm bia” ấy không chỉ gồng mình với điều kiện khắc nghiệt, mà còn phải chịu đựng nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng. Những “tấm bia sống” ấy mỗi đợt “cắm” trên biển từ 6 đến 8 tháng. Cũng có khi do yêu cầu nhiệm vụ phải ở đến 10- 12 tháng, thậm chí 27 tháng mới vào đất liền. Không ít những “bi kịch trái tim” nảy sinh từ những chuyến xa đất liền dằng dặc như thế. Nhiều người đã 40 tuổi vẫn “phòng không” và không ít người bị người yêu “chê” là xa nhà ế vợ. Vượt lên trên những trở ngại về thời gian, không gian và điều kiện sống thiếu thốn đủ bề, là tinh thần yêu biển đảo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Người khơi nguồn xây dựng nhà giàn DK1 trên các bãi đá ngầm trong vùng biển Thềm lục địa phía Nam của Việt Nam là Thượng tướng Giáp Văn Cương- vị Đô đốc thao tài chiến lược về biển đảo. Việc xây dựng nhà giàn ấy, không chỉ có ý nghĩa chính trị sâu sắc về phát triển nguồn kinh tế từ biển, đảo, mà còn là tầm nhìn chiến lược về quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Cho đến bây giờ, sau hơn ba thập kỷ ra đời tồn tại và phát triển, nhà giàn DK1 vẫn là bằng chứng sinh động về sự sáng tạo quyết chí của một vị tướng tài ba.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-phao-dai-thep-tren-them-luc-dia-116468.html