Những phát hiện thú vị về Kim Lân

Tuần trước, tọa đàm nhân 100 năm sinh nhà văn Kim Lân do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra tại trụ sở Hội ở Hà Nội. Nhân Ðại hội HôịNhà văn Việt Nam(23-25/11/2020), trân trọng giới thiệu tham luận của nhà thơ Vũ Quần Phương tại tọa đàmvới những phát hiện thú vị về Kim Lân.

Nhà văn Kim Lân và nhà văn Lê Minh Khuê, 2005 . Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH TOÁN

Nhà văn Kim Lân và nhà văn Lê Minh Khuê, 2005 . Ảnh: NGUYỄN ÐÌNH TOÁN

Kim Lân có truyện ngắn đăng từ trước cách mạng 1945, nhưng thành tựu của ông lại thuộc thời kháng chiến chống Pháp. Mấy truyện Làng, Con chó xấu xí, Vợ nhặt đã trở thành mẫu mực kinh điển của truyện ngắn Việt Nam. Nhưng từ đấy, đúng hơn, từ sau kháng chiến chống Pháp, ít thấy ông đăng nữa. Không đăng thêm truyện mới, nhưng mấy tác phẩm đó của ông lại hầu như có mặt hàng năm trong các đề thi lớn nhỏ bậc trung học.

Con người Kim Lân cũng là một đặc biệt. Còn quan niệm nghệ thuật của Kim Lân nhiều khi là những quan niệm có tính khởi đầu cho cả một đời sáng tác, có tính nền tảng cho việc xây dựng một phương pháp sáng tác, một trào lưu nghệ thuật mà lại thường được thể hiện rất bình dị, nhẹ nhàng, đôi khi chỉ như một ý kiến nhỏ trong các câu chuyện thường ngày của giới văn chương. Tôi xin được lấy vài thí dụ.

Hồi phim Lão Hạc làm dựa theocốt truyện Sống mòn Lão Hạc của Nam Cao dồn lại, có Kim Lân đóng vai chính lão Hạc và Nguyễn Tuân đóng vai phụ chánh tổng công chiếu, tên tuổi hai ông lại rộ lên trong giới viết. Đại khái anh em khen hai ông không đóng gì thì đã ra chánh tổng với lão Hạc rồi. Ấy thế mà vào năm 1995, trong sổ tôi ghi là hôm 14/2, ông Kim Lân gặp tôi ở trụ sở Hội Nhà văn, kéo tôi lại nói chuyện, không phải chuyện văn chương mà chuyện xinêma nước nhà. Ông nói:

- Bây giờ mà đóng vai lão Hạc tôi đóng khác. Lão Hạc phải là người biết nhiều. Biết hơn cả nỗi đau của chính lão. Lão biết hơn cả giáo Thứ. Giáo Thứ biết là do sách. Lão Hạc biết là do sống. Nên lặng lẽ hơn. Nét mặt phải yên tĩnh, phẳng như đá. Trong lòng tan nát nhưng bên ngoài như không động. Đóng thế làm người ta phải nghĩ. Tôi mới đóng để người ta phải khóc. Lấy cái nghĩ ngợi của người xem mới khó. Chứ lấy nước mắt nó cải lương lắm.

“Điều này anh mới phát hiện hay lúc đóng xong đã thấy”. Tôi hỏi. “Mới nghĩ ra, chứ đóng xong thì mình thích lắm!”.

Kim Lân là vậy, chỉ mấy câu ngắn, rời rạc, tếu táo thế mà ngay lúc ấy, tôi thực sự sửng sốt: Hình như cả lý luận lẫn thực tiễn nghề nghiệp đều gói được cả trong mấy câu bộc bạch chuyện nghề ấy. Tôi cảm nhận một kiểu tổng kết lao động nghệ thuật sâu sắc, thâm trầm, nghiền ngẫm cả đời nghề mới có. Tôi ghi nhớ trong tâm trí và tự nghiền ngẫm, tự vận vào mình mà áp dụng. Đến nay chắc còn nhiều điều ẩn chứa trong đó tôi chưa vỡ ra. Nhưng hôm nay trước vong linh cụ Kim Lân trăm tuổi, trước các bạn cùng nghề, cùng chung khao khát sáng tạo, tôi xin được mạnh dạn giãi bày thu hoạch của mình:

1- Kim Lân nói: Lão Hạc phải là người biết nhiều. Biết hơn cả nỗi đau của chính lão. Tôi hiểu đây là cái biết xa hơn, sâu hơn cái biết do cảm thụ trực tiếp, cái biết này có sự góp phần của chiêm nghiệm, của kinh nghiệm sống, thường có trong sự cả nghĩ của mỗi đời người, nghĩa là cái biết có sự góp phần của trí tuệ. Mà trí tuệ ở những người như lão Hạc thì lại tồn tại như một bản năng. Đấy là tài phát hiện của Nam Cao. Còn nhìn ra tài năng của cả Nam Cao lẫn lão Hạc và chiết xuất được nó ra bằng một thao tác rất “thủ công”, ấy là tài cảm thụ của Kim Lân khi đọc.

Tại hội thảo Kim Lân sáng 16/11 ở số 9 Nguyễn Ðình Chiểu, Hà Nội, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ðình Toán bày hơn 50 bức ảnh chụp nhà văn trong nhiều năm. Chân dung này là một.

Tại hội thảo Kim Lân sáng 16/11 ở số 9 Nguyễn Ðình Chiểu, Hà Nội, nhiếp ảnh gia Nguyễn Ðình Toán bày hơn 50 bức ảnh chụp nhà văn trong nhiều năm. Chân dung này là một.

2- Kim Lân nói tiếp: Lão Hạc biết hơn cả giáo Thứ. Giáo Thứ biết là do sách. Lão Hạc biết là do sống. Nên lặng lẽ hơn. Nét mặt phải yên tĩnh, phẳng như đá. Trong lòng tan nát nhưng bên ngoài như không động. Tôi coi đây là một luận thuyết về đánh giá tri thức. Rất có ý nghĩa với cuộc sống hôm nay. Rất thiết thực trong việc phát hiện và sử dụng tài năng. Liên quan tới các tiêu chí về bằng cấp, về chất lượng công việc và mối tương quan giữa hai yếu tố ấy. Biết do sách như giáo Thứ là cái biết bây giờ có thể đo bằng bằng cấp, ngay cả bằng cấp thật mà còn dưới cơ cái biết của lão Hạc. Bằng giả thì còn thảm hại nữa. Thế mà trong tiêu chí phân loại tài năng hay đề bạt cán bộ sao vẫn cứ lấy hư thay thật. Chúng ta thử mang những dòng đúc kết giản dị này mà nghe các phiên chất vấn của các cuộc hội họp chắc thấy thêm nhiều thứ lắm, cả bên hỏi lẫn bên đáp (!)

3- Trong lòng tan nát mà bên ngoài như không động. Tôi thấy đây là một phát hiện kinh ngạc và một tôn vinh tuyệt vời về bản lĩnh tinh thần của lão Hạc và những người nghèo khổ, lầm than, sống vô danh, tối tăm dưới đáy xã hội như lão Hạc. Đây cũng là trách nhiệm, là thiên lương của nhà văn mà Nam Cao, và Kim Lân nữa, và cả rất nhiều anh em chúng ta ngồi đây đã và đang âm thầm theo đuổi. Phải là tác giả của Vợ nhặt mới có cái đồng thanh đồng khí để nhận ra được cái biết dưới vẻ yên tĩnh phẳng như đá này của lão Hạc, kể cả nỗi xót xa trong giọng nhận xét của Kim Lân: trong lòng tan nát mà bên ngoài như không động.

4- Kim Lân rù rì nói tiếp, liền với văn mạch trên nhưng tôi xin tách riêng ra thành thu hoạch thứ tư của mình: Trong lòng tan nát mà bên ngoài như không động. Đóng thế làm người ta phải nghĩ. Tôi mới đóng làm người ta phải khóc. Lấy cái nghĩ ngợi của người xem mới khó. Chứ lấy nước mắt nó cải lương lắm. Điều mà tôi trăn trở nhiều nhất để tự thu hoạch cho mình là ở cái mệnh đề cuối này. Kim Lân coi chỗ cần đến của văn chương nghệ thuật (cụ thể ở đây là điện ảnh) là phải tác động vào nghĩ ngợi, chứ lấy nước mắt thì không khó, một vở diễn bình thường của cải lương cũng làm thạo hơn ta. Tôi đoán rằng quan điểm này cho đến nay, còn nhiều tác giả và độc giả không nghĩ như Kim Lân. Bà con ta, trong nhiều thời, đã coi tác động tình cảm là phẩm chất cao nhất của văn chương nghệ thuật. “Tôi đã khóc khi đọc” đương nhiên được coi là lời khen cao nhất.

Cách đây nửa thế kỷ, anh Việt Phương, khi ấy chưa in tập Cửa mở, có nói với mấy anh em viết trẻ chúng tôi, cũng trong các câu chuyện vãn, rằng: Thơ chúng ta sa vào vũng bùn tình cảm hơi lâu. Chúng tôi ngạc nhiên và còn nghĩ rằng có lẽ vì thế mà thơ anh Phương hơi bị khô. Nhưng về sau đọc thơ Âu Mỹ nhiều hơn, chúng tôi mới nhận ra có dạng cảm xúc nảy sinh sau nhận thức. Nhận thức mới sinh rung động mới. Và chính những rung động mới ấy thường có tác động như một đốn ngộ, có thể làm thay đổi lối sống, thay đổi cách hành xử cho đến cả cuộc đời con người.

Coi trọng “nghĩ ngợi” không hề đưa tới việc xem nhẹ tác động tình cảm trực tiếp của tác phẩm hoặc hạ giá tài năng những tác giả có ma lực điều khiển vui buồn bạn đọc. Hơn thế, hướng sáng tác này còn tạo thuận lợi cho việc mở rộng hình thức diễn đạt cho thơ. Niêm, luật rồi cả vần, cả điệu và các tính năng gợi cảm khác của chữ thành thứ yếu, thậm chí không cần tính đến. Mà coi trọng hơn là ở cách lập tứ, nói bằng tứ và, ở tầm khái quát của tứ. Cũng đã thấy áp dụng sang cả văn xuôi.

Nhưng thơ thì rõ hơn. Con đường này đang thành đại lộ trong sự vận động của thơ đương đại. Nó giúp cho thơ dễ chuyển ngữ, dễ vượt qua các biên giới quốc gia. Tất nhiên nó cũng hao hụt đi ít nhiều sức mê hoặc thần bí vốn là lợi thế của loại thơ thiên về tình cảm. Nhà văn Kim Lân đã sở hữu toàn khối cái chủ thuyết ấy theo kiểu tư duy Lão Hạc, nghĩa là do sống mà có, do viết Vợ nhặt, viết Làng... do chiêm nghiệm một đời nghề mà có, nên ông cũng có cái yên lặng tự tại, phẳng như đá. Có tuyên ngôn hay tranh luận bao giờ đâu.

5-Một bận khác, dễ đến một năm sau, tôi lại nghe ông thở than, vẫn chuyện xinêma:

- Tôi gầy gò đóng lão Hạc thì hợp rồi. Nhưng con chó, nó không ra chó của lão Hạc. Nó béo quá. Nhưng trong thành phố khó tìm ra con chó gầy. Giá về quê mượn được con vàng con mực, chó nhà nghèo, chắc ăn vào cảnh hơn.

Băn khoăn về một chi tiết nhỏ chưa hài lòng, mà có lẽ chỉ mình ông biết, trong một tác phẩm tay trái, lại đã qua lâu, cho thấy một phẩm chất tạo nên nghệ sĩ lớn. Kim Lân ít công bố tác phẩm mới, quá ít. Nhưng có lẽ không lúc nào ông sao lãng lao động nghệ thuật. Nghệ thuật trong toàn bộ sự sống người nghệ sỹ: nết ăn, nết ở, cách thưởng thức một chầu hát, một chậu hoa, quan sát người, quan sát mình, chiêm nghiệm sự sống trong sự viết... Chân tình, giản dị và nề nếp. Nghiêm cẩn với mình nhưng độ lượng với người.

Chưa bao giờ tôi thấy ông kiểu cách, trong văn cũng như trong đời. Đăng ít nhưng luôn hiện diện trong dòng chảy văn chương đương thời. Nói ít nhưng người nghe cứ nghĩ mãi lời ông. Như điều hôm nay tôi vừa trình bày với các bạn. Và tôi vẫn không tin rằng mình đã hiểu trọn lời ông. Kim Lân là một tài năng dễ thân, dễ thấy nhưng với tôi, ông vẫn là một kho tàng bí ẩn. Ngay như cái việc ông biết nhiều chuyện đời, hiểu nhiều phận người, lại sành các mẹo văn chương... mà sao viết ít!

Kim Lân tinh tế sâu sắc, biết nhiều nhưng không hay nói lớn. Cứ rù rì, nhỏ nhẹ mà thuyết phục. Bạn viết nhiều thế hệ đều thích được trò chuyện với ông và ai cũng mang theo trong lòng một vài kỷ niệm thú vị về ông. Riêng tôi, tôi hay nghĩ đến quan niêm nghệ thuật của ông và lấy đó làm bài học của mình.

Vũ Quần Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/nhung-phat-hien-thu-vi-ve-kim-lan-1754201.tpo