NHỮNG PHÁT NGÔN ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Ngày 28/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về tình hình KT-XH và NSNN. Trong không khí thảo luận xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến phong phú, toàn diện và thể hiện tâm huyết đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm. Cùng điểm lại một số phát biểu ấn tượng trong ngày.

28/10: NHỮNG PHÁT BIỂU ẤN TƯỢNG TẠI PHIÊN THẢO LUẬN VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

TỔNG THUẬT CHIỀU NGÀY 28/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ KT-XH, DỰ TOÁN NSNN VÀ TỔNG KẾT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 54/2017/QH14

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: "Tôi xin trân trọng cảm ơn tất cả các thầy giáo, các thầy thuốc. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng vẫn đang nỗ lực hết mình vì sự nghiệp trồng người, vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe của người dân. Không chỉ là các lực lượng sẵn sàng hy sinh theo đúng nghĩa đen trong chống dịch, ngay giờ phút này vẫn hàng ngày, hàng giờ để cứu chữa bệnh nhân".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: "Y tế Việt Nam đã và đang bị chao đảo, đến nay vẫn còn chưa thực sự hết chao đảo. Cán bộ y tế ồ ạt xin ra khỏi khu vực công. Thuốc men, sinh phẩm vẫn bị thiếu. Việc mua sắm trang thiết bị đồng bộ cho bệnh viện đang bị đứt gãy, đình đốn. Vấn đề tự chủ bệnh viện có nguy cơ bị đổ vỡ. Lý do, nguyên nhân thì có nhiều. Tuy nhiên dù bất cứ lý do nào mà không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân là có lỗi nặng với Nhân dân. Bằng mọi giá chúng ta phải giải quyết để chấm dứt tình trạng này."

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: "Xin lưu ý là mức sống tối thiểu ngày nay không chỉ là ngày 3 bữa cơm và một 1 năm 2 bộ quần áo như thời bao cấp. Trước mắt để nguồn lực không bị quá tải, những đối tượng thu nhập thấp nhất không đủ cho mức sống tối thiểu cần được tăng lương ngay lập tức kể từ 1/1/2023 và đề nghị ưu tiên quan tâm đến 2 ngành y tế, giáo dục và những người hưởng lương hưu hay trợ cấp thu nhập thấp."

Đại biểu Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: "Nếu nói sạt lở đang bủa vây đồng bằng sông Cửu Long cũng không sai. Cùng với triều cường, nước biển dâng của biến đổi khí hậu, việc khai thác cát tràn lan, sự can thiệp thô bạo của con người đã khiến cho sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng, đời sống của hàng chục ngàn hộ dân."

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: "Cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa.… Cử tri và Nhân dân đang rất trông đợi Quốc hội, Chính phủ để giúp cho những người nông dân không phải vật lộn với cái khó, cái nghèo, không phải đau đáu trước sự lựa chọn có nên tiếp tục duy trì nghề nông nữa hay không và cũng không còn phải trăn trở với câu hỏi: Ở lại hay ra đi khỏi làng?"

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: "Vui mừng trước sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng, nốt thăng về phát triển kinh tế - xã hội song có một nốt trầm, một nghịch lý đang diễn ra với năng suất lao động và thị trường lao động mà không chỉ tôi mà nhiều đại biểu, nhất là Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong báo cáo tại phiên khai mạc đều đang băn khoăn, đau đáu, đó là vì sao năng suất lao động chưa cao. Trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng tăng, bài toán chênh lệch cung - cầu, vừa thừa, vừa thiếu lao động và làm thế nào để thích ứng với sự chuyển động của thị trường lao động theo xu hướng chuyển đổi số, cơ cấu ngành nghề và các mô hình việc làm mới hậu COVID-19."

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: "Pháp luật Việt Nam gần như luật nào cũng có nội dung giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nhưng nguồn lực được giao và chế độ chính sách thì chưa tương xứng, nhất là đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã là đối tượng ba không. Không giới hạn thời gian làm việc, có việc thì phải làm, không kể trong giờ hay ngoài giờ hành chính; không công tác phí, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp thai sản, tai nạn cho dù phải thường xuyên cơ động trên địa bàn rộng và khó khăn, không được tăng lương cho dù có thâm niên bao nhiêu năm."

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế: "Môi trường sống, sự tác động của số hóa toàn cầu tạo ra những bất định dễ bị cuốn đẩy, chệch quỹ đạo văn hóa chuẩn mực. Vậy nên, chỉ tính ở góc độ văn hóa ứng xử, những hình ảnh hay câu chuyện nghịch văn hóa, thiếu văn hóa vẫn hiện hữu nơi này, nơi nọ trong các môi trường sống."

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau: "Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý nghiêm một số doanh nhân có vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất đúng đắn. Bên cạnh xử lý nghiêm theo pháp luật, chúng ta cần có chính sách khoan dung đối với doanh nhân ăn năn hối cải, sẵn sàng lập công chuộc tội, vì lực lượng doanh nhân chính là nòng cốt của lực lượng tạo ra của cải vật chất cho xã hội."

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: "Chúng ta nên có cơ chế là ở dưới nói thì trên nghe. Khi các bệnh viện có ý kiến thì làm thế nào Bộ Y tế, Chính phủ nghe, xử lý kịp thời."

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=69983