Trong 2 ngày thảo luận về tình hình xã hội trên nghị trường, các đại biểu Quốc hội, bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã có nhiều phát biểu ấn tượng về những vấn đề được quan tâm.
Kết thúc hai ngày thảo luận trên nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội, có 82 đại biểu Quốc hội phát biểu và có 16 người tham gia tranh. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với kết quả chống dịch ở Việt Nam, cần công bố hết dịch ở trong nước với 3 tiêu chí: Tỷ lệ người nhiễm trên 1 triệu dân không quá 5 người; tỷ lệ người đang điều trị không quá 1 người trên 1 triệu dân và không có người chết.
Cung cấp thông tin vụ án Hồ Duy Hải trước Quốc hội, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết Hồ Duy Hải có 25 lời khai. Lời khai nhận tội đầu tiên khá chi tiết do Hải tự viết ra chứ không phải do hỏi cung. Ở những thời điểm tố tụng quan trọng, Hải đều nhận tội. Theo ông Bình, kết thúc phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Hải gửi đơn cho Chủ tịch nước cũng chỉ xin giảm nhẹ hình phạt chứ không kêu oan. Còn người kêu oan nhiều nhất chính là mẹ của Hải.
Nói về công tác chống dịch, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh về thành công của Việt Nam. Theo ông: "Cuộc sống người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước nhiều nước”. Dù vậy, nguy cơ dịch bệnh với nước ta vẫn còn rất lớn.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng sau đại dịch, cần tận dụng cơ hội về vị thế, uy tín và hình ảnh đất nước Việt Nam đã được cải thiện mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Ông đánh giá Việt Nam đang trở thành một điểm đến an toàn cho đầu tư, thương mại và du lịch. Tuy nhiên, để đón nhận được làn sóng đầu tư mới có rất nhiều việc cần phải làm, nhất là việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, có chính sách ổn định, nhất quán.
Giải trình về vấn đề xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận việc điều hành trong vấn đề này chưa thực sự thông suốt, nhưng kết quả xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt kết quả tốt. Việt Nam được nhận định trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020.
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Sau dịch, các giải pháp kích cầu du lịch nội địa đã phát huy tác dụng. "Không có lý do gì mà người Việt Nam không đi du lịch Việt Nam. Tôi kính mời nhân dân đi du lịch trong nước", ông nói.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề cập 3 giải pháp để bình ổn giá thịt lợn gồm: tái đàn nhanh, khuyến cáo lựa chọn thực phẩm đa dạng, tăng cường kiểm soát khâu thương mại để không xảy ra hiện tượng trục lợi tăng giá. “Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra. San sẻ các nhóm thực phẩm vừa tốt, vừa không gây áp lực lên một ngành hàng”, ông Cường nói.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đánh giá cuộc chiến chống Covid-19 đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực của cả nước và việc phục hồi sau dịch cũng sẽ cần rất nhiều nguồn lực. Do đó, ông ủng hộ chưa tăng lương cơ sở.
Nhắc đến chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đề nghị các bộ, ngành địa phương phải chỉ đạo kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng. Đặc biệt, tăng cường thanh tra, giám sát để tránh tình trạng “bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”.
Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học điểm lại nhiều điều tốt đẹp ở Việt Nam được phát huy trong đại dịch, nhưng bên cạnh đó vẫn có người có suy nghĩ, việc làm lạc lõng, đi ngược lại với xu thế chung khi chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân. "Cái đúng, điều tốt cần phải được nâng niu, trân trọng và nhân rộng. Cái sai, điều trái cần phải được phát hiện, đấu tranh và nghiêm trị, nhất là hành vi vòi vĩnh, trục lợi, tham nhũng trong bối cảnh khó khăn cả nước đang gồng mình chống dịch", ông Học nói.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đánh giá thời điểm sau dịch, cả nước cần ưu tiên cao việc khôi phục phát triển kinh tế, nhất là các dự án đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài được “trải thảm đỏ”, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước vẫn vướng mắc bởi các thủ tục phức tạp, kéo dài. Ông đề nghị quan tâm thu hút doanh nghiệp nước ngoài nhưng không bỏ quên doanh nghiệp trong nước. "Dọn tổ cho đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ", ông Tùng nói.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) tranh luận với Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân về đề xuất mở cửa dần dần với các nước, công bố hết dịch theo 3 tiêu chí.Ông Hiếu cho rằng cần hết sức cẩn trọng vì chúng ta vẫn đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch, làn sóng thứ 2 vẫn lơ lửng trên đầu rất nhiều nước, trong đó có nước ta.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Chính phủ xem xét, dừng tất cả các dự án không cần thiết, không có giá trị đối với nền kinh tế. Ông Nhưỡng cũng phản ánh thực trạng cán bộ câu kết, tham nhũng ngay cả trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 và cho rằng không thể chấp nhận được. "Cán bộ nào có tính xấu, lên kế hoạch tham nhũng thì đề nghị chúng ta phải dừng lại ngay", đại biểu nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận định vừa qua Việt Nam trở thành hình mẫu đi đầu trong phòng chống dịch. Về kinh tế, trong khi nhiều nền kinh tế lớn đang tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn nổi lên là nước dẫn đầu về tốc độ phát triển kinh tế. “Chúng ta đã biến nguy thành cơ, cải thiện uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, biến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của thị trường đầu tư. Đây là thời điểm tốt cho Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, giúp Việt Nam có cơ hội hóa rồng", ông nói.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhắc đến việc điều chỉnh các chính sách về đất đai và nêu thực tế xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú từ đất; có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất. Song cũng có không ít người lụi tàn là các đồng chí đã bị lộ, càng làm tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân, dẫn đến các vụ khiếu kiện đông người gay gắt.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) khẳng định khi chủ trương, đường lối của Đảng hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, thì dân luôn ủng hộ và sẽ không có thế lực thù địch nào có thể phá hoại được. Do đó, mỗi khi người dân phản ứng với chính sách hành động của chính quyền, cán bộ công chức phải tự vấn, tự kiểm vì sao lòng dân không đồng thuận, đừng vội quy kết họ là thế lực thù địch để đối phó. Theo đại biểu, phải tìm cho ra thế lực thù địch để nghiêm trị song "không nên mượn bóng ma của chúng để công kích những người góp ý cho mình, dù đó là dân thường, doanh nghiệp, trí thức hay đại biểu dân cử".