Những phát ngôn vô căn cứ, đi ngược lại chủ trương phát triển kinh tế lành mạnh

Đi du dịch nhiều sẽ bị liệt, trồng cà phê gây nghiệp, hát karaoke chết thành ma câm là những phát ngôn vô căn cứ, đi ngược chủ trương phát triển kinh tế lành mạnh.

Sắp đến ngày chính lễ Phật đản, xác nhận của Văn phòng II Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc Giáo hội đã làm việc để kiểm điểm, chấn chỉnh nội dung dẫn dụ theo luật nhân quả gây hoang mang xã hội của nhà sư Thích Chân Quang khiến Phật tử và những người kính trọng đạo pháp an tâm, hoan hỉ.

Trước đó, những tranh cãi, bất đồng trên mạng xã hội khiến nhiều người bán tín bán nghi, không biết một số cách lý giải luật nhân quả của ông có đúng hay không. Với thông báo trên, mọi người có thể hiểu nó không hoàn toàn phù hợp với giáo lý của nhà Phật.

Việc đưa hàng nghìn, hàng vạn người ra khỏi vô minh, tà kiến, tà tư duy do những lời giảng sai lệch là việc làm hết sức cần thiết. Ảnh hưởng của các bậc thầy tinh thần trên mạng xã hội cực kỳ lớn, nếu là lời trí tuệ, chân lý thì sẽ có tác dụng độ hóa kỳ diệu, nếu sai trái cũng sẽ gây hại khó lường.

Vậy mà những lời giảng kiểu “trời nóng nằm điều hòa nhiệt độ quá thấp là ác, trời rét tắm nước nóng cũng là làm ác”, “nằm võng sẽ tiêu diệt hết công đức của chúng sinh, khiến bao nhiêu phước đổ xuống sông”, “những nghề không làm ra phước là đầu tư chứng khoán, vàng bạc đá quý”… vẫn được một số nhà sư nói ra trước hàng nghìn, hàng vạn người nghe trên mạng và ngoài đời…

Người ta đi nghe pháp là để tìm sự an lạc thân tâm, để biết cách xả bỏ những thứ ô trọc để hướng tới hạnh phúc chân thật, nhưng nghe xong chỉ thấy sợ hãi, hoang mang, khủng hoảng vì hóa ra làm gì cũng bị quả báo, làm gì cũng mang nghiệp rất nặng và mất hết phước báu. Và theo lời những người này, muốn có phước, hết nghiệp thì hãy cúng dường cho chùa; người cúng 200 bao xi măng sẽ được hưởng phước lớn hơn người cúng 20 bao, đi ngược hoàn toàn với Phật ngôn.

Luật nhân quả trong đạo Phật vốn giúp con người hướng thiện, tránh ác, nhưng dưới cách lý giải sai lệch lại mang dáng vẻ của công cụ thao túng con người bằng sự dọa nạt. Những phát ngôn đó làm rối loạn đạo tâm của những người dân chất phác, cả tin, tạo ra những niềm tin lệch lạc dẫn đến sự méo mó đạo đức – chỉ cần cúng tiền nhiều cho chùa là tội lỗi cũng được hóa giải.

Chưa hết, chắc chắn nền kinh tế sẽ thê thảm nếu như nhiều người tin và làm theo những lời giảng như: “Có một cái tào lao nhất là khi người ta giàu lên thì người ta thích đi du lịch. Đầu tư về du lịch là con dao 2 lưỡi, ví dụ nếu người ta chỉ nhắm tới khu ăn chơi thì công ty đó từ từ ta yên trí đi thế nào rồi cũng phá sản…”.

Ngành Du lịch đóng góp khoảng 7% cho GDP của Việt Nam. (Ảnh: Minh Đức)

Ngành Du lịch đóng góp khoảng 7% cho GDP của Việt Nam. (Ảnh: Minh Đức)

Vị này kể về một phụ nữ bị bệnh liệt giường, ông hỏi người nhà rằng có phải hồi trẻ chị ấy thích đi du lịch không và được hồi đáp là cực kỳ thích. Nghe vậy, vị này phán: “Đó, nhân quả nằm chỗ đó, đi nhiều quá, đi quá cái phước của mình giờ nằm một chỗ, bệnh phát sinh liền”. Vị này khuyên ai đầu tư vào du lịch phải lồng ghép, hướng người ta đi những tua du lịch tâm linh giác ngộ là chính, “chứ không chính mình cũng hết phước luôn, khách họ đi riết rồi họ về nằm liệt một chỗ, mình cũng liệt luôn mấy chỗ”.

Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, cả Nhà nước và doanh nghiệp đều đang cố gắng để thúc đẩy phát triển, vậy mà ông lại bảo đi du lịch hay đầu tư du lịch đều gặp quả báo kinh khủng.

Ngành cà phê đem lại hàng tỷ USD mỗi năm cũng bị kết tội, dịch vụ karaoke giải trí cũng thế: “Mấy người trồng cà phê là bị mang nghiệp rất nặng, bởi vì khi những người khác uống cà phê sẽ dẫn tới mất ngủ, mà mất ngủ thì sẽ không đi làm được, không có tiền lo cho gia đình, cho nên những ai đang trồng và bán cà phê là sẽ mang nghiệp rất nặng”; “hát karaoke chết sẽ thành con ma câm”…

Những phát ngôn này hoàn toàn đi ngược với chủ trương phát triển kinh tế lành mạnh của đất nước nên thực sự là độc hại. Nếu người nghe hiểu lầm những lời đó chính là đạo pháp, là phù hợp với tư tưởng của Đức Phật rồi đưa vào tâm niệm và thực hành thì hậu quả không thể đo lường.

Trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão, thông tin nhiều chiều và nhiễu loạn, việc định hướng tư tưởng phải được coi trọng hàng đầu. Nếu có định hướng đúng đắn thì mọi người sẽ có nhận thức và hành động đúng. Ngược lại, định hướng sai sẽ khiến con người nhận thức sai, dẫn đến những hành động và việc làm sai trái. Thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào cuộc để chấn chỉnh những phát ngôn, những bài thuyết giảng của tăng ni trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận là điều khiến nhiều Phật tử hoan hỉ, mong chờ bấy lâu nay.

Quốc Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-phat-ngon-vo-can-cu-di-nguoc-lai-chu-truong-phat-trien-kinh-te-lanh-manh-ar871760.html