Tại sao đột quỵ thường xảy ra sau khi vừa tắm?

Tắm sai cách có thể khiến cơ chế điều nhiệt trong cơ thể đảo lộn, dẫn đến co mạch máu, gây ra đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim.

 Đột ngột dội nước lạnh từ đầu xuống chân là cách tắm sai, có thể gây ra đột quỵ.. Ảnh: Vecteezy.

Đột ngột dội nước lạnh từ đầu xuống chân là cách tắm sai, có thể gây ra đột quỵ.. Ảnh: Vecteezy.

Theo TS.BS Nguyễn Minh Đức, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, tắm sai cách là một trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Lý giải điều này, TS Đức cho biết nhiệt độ cơ thể người thường đạt mức ổn định 37-37,5 độc C. Tuy nhiên, tắm sai cách khiến trung tâm cảm biến nhiệt và điều nhiệt trong cơ thể chưa kịp thích nghi. Điều này dẫn đến tình trạng co mạch, gây ra đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim.

"Việc đột ngột tạo ra những tình huống biên độ dao động nhiệt lớn sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng", bác sĩ Đức cho biết.

Một số tình huống được xem là tắm sai cách gồm: xối nước trực tiếp từ đầu xuống chân, tắm ngay sau khi vận động, tắm trong trạng thái say hoặc tắm muộn sau 22 giờ.

Theo bác sĩ Đức, để tránh nguy cơ đột quỵ, mọi người cần lưu ý 8 điều dưới đây khi tắm để phòng những nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe:

Thứ nhất, khi tắm, mọi người tuyệt đối không xả nước vòi sen trực tiếp từ đầu xuống chân. Thay vào đó, nên đưa hai chân vào dòng nước để cảm giác nhiệt trước. Khi đi tắm hồ bơi hay tắm bồn, mọi người cũng nên cho 2 chân vào hồ đến khi không còn cảm giác lạnh.

Thứ hai, khi đang nóng, đổ mồ hôi nhễ nhại, mọi người nên ngồi chỗ mát nghỉ ngơi để ráo mồ hôi, sau đó mới nên đi tắm.

Thứ ba, mọi người không nên tắm ngay sau khi di chuyển từ khu vực nóng sang nơi có thời tiết lạnh và ngược lại. Thay vào đó, nên chờ đủ 6 giờ và tốt nhất nửa ngày để cơ thể có thể thích ứng nhiệt với môi trường lạ.

Thứ tư, khi đang ốm đau, cảm cúm, đuối, chóng mặt, huyết áp cao, đường huyết cao và mệt, chúng ta chỉ nên dùng khăn lông thấm nước ấm lau mình thay vì tắm.

Thứ năm, tuyệt đối không tắm sau khi vừa uống đồ có cồn, đặc biệt là buổi tối khuya sau bữa nhậu. Thay vào đó, mọi người chỉ nên lau mình với khăn thấm nước ấm.

Thứ sáu, với người 60-70 tuổi trở lên, phòng tắm nên được lắp thanh vịn ngang hông vì sàn nhà tắm rất ướt và độ bám chân của người lớn tuổi thường không tốt như người trẻ. Điều này rất dễ dẫn đến trợt chân dễ đập đầu vào các thiết bị như lavabo, bồn cầu, tường gạch...

Thứ bảy, người có bệnh lý tim mạch vành hoặc hẹp động mạch cảnh khi đi tắm nên khép hờ cửa thay vì khóa chặt và nên tắm lúc có người thân trong nhà.

"Tôi từng chứng kiến rất nhiều trường hợp đột quỵ xảy đến lúc tắm nhưng người bệnh không thể mở cửa hoặc không được ứng cứu kịp thời vì không có người thân ở nhà", TS Đức cho biết.

Cuối cùng, mọi người nên tắm tốt nhất trước 20 giờ.

Ngoài ra, TS Đức khuyến cáo những người trên 40 tuổi nên đi khám tầm soát nhồi máu cơ tim và đột quỵ định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các nguy cơ mắc bệnh.

Nhật Minh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tai-sao-dot-quy-thuong-xay-ra-sau-khi-vua-tam-post1478539.html