Những phen thế giới hú hồn vì chiến tranh hạt nhân suýt bùng nổ
Tại bệnh viện ở Mátxcơva, nơi nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov nằm hấp hối, một phụ tá quân sự đã đợi sẵn bên giường bệnh của ông, sẵn sàng gửi mã hạt nhân. Giây phút trôi qua, sự căng thẳng gần như không thể lên cao hơn được nữa.
Kể từ những ngày cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai, khi những đám mây hình nấm mọc lên trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, nhân loại sống trong bóng tối của chiến tranh hạt nhân.
Là một cậu học sinh vào những năm 1980, tôi nhớ rất rõ về chứng hoang tưởng của những thập kỷ sau đó. Với sự sụp đổ của Liên Xô, tôi cho rằng những ngày đó đã qua.
Ác mộng Armageddon
Nhưng giờ đây, với tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông đang đặt lực lượng hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao chống lại phương Tây, chúng ta lại một lần nữa thấy mình ở trong một thế giới bị ám ảnh bởi cơn ác mộng Armageddon (tên phim khoa học viễn tưởng-hành động Mỹ năm 1998, nội dung là các phi hành gia NASA quan sát thấy một tiểu hành tinh lớn sẽ va vào Trái đất trong 18 ngày tới và hủy diệt sự sống. Trong Kinh Thánh, Armageddon chỉ trận đánh cuối cùng giữa thiện và ác).
Chúng ta có nên xem xét mối đe dọa hạt nhân của ông Putin một cách nghiêm túc? Bị sốc những ngày qua, tôi cố gắng tin rằng Tổng thống Nga sẽ khơi mào một cuộc chiến toàn diện. Nhưng những ai biết về cuộc tàn sát ở Hiroshima và Nagasaki, nơi hơn 200.000 thường dân được cho là đã thiệt mạng, đều cảm thấy lo lắng đến khó thở.
Thật kinh hoàng, vũ khí hạt nhân ngày nay còn chết chóc hơn nhiều so với các loại vũ khí tiền nhiệm. Và nếu bạn đọc tài liệu về Chiến tranh Lạnh được giải mật gần đây của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia, bạn sẽ phát hiện ra rằng ngay cả trong những năm 1950 và 1960, số người chết ở Anh sau một cuộc tấn công và trả đũa hạt nhân dự kiến lên tới hàng chục triệu người.
Khủng hoảng tên lửa Cuba
Tất nhiên, những người lớn tuổi sẽ nhớ rằng chúng ta từng tiến sát bờ vực thảm họa hạt nhân. Trong Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10/1962, việc Liên Xô bí mật lắp đặt vũ khí hạt nhân ở Cuba đã khiến Mỹ phẫn nộ và gần như khơi mào cho Chiến tranh thế giới thứ ba.
Trong 13 ngày dài khủng khiếp, thế giới rung chuyển bên bờ vực chiến tranh hạt nhân. Lần đầu tiên trong lịch sử, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nâng cảnh báo hạt nhân lên Defcon 2 (Điều kiện sẵn sàng phòng vệ, gồm 5 mức từ 5-1, mức 1 là chiến tranh hạt nhân sắp xảy ra hoặc vừa bắt đầu, mức 2 còn một bước nữa là tới chiến tranh hạt nhân).
Một số tướng lĩnh Mỹ thúc giục Tổng thống Kennedy ra lệnh không kích phủ đầu nhằm vào các căn cứ của Cuba. Nếu ông làm theo lời khuyên của họ, kết quả gần như chắc chắn sẽ là một cuộc xung đột toàn diện.
Nhưng Tổng thống Kennedy vẫn giữ bình tĩnh. Thay vào đó, ông tuyên bố một vùng cách ly hải quân xung quanh Cuba, và mặc dù các tàu Liên Xô đi rất gần.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã chớp mắt. Ban lãnh đạo Liên Xô đồng ý rút tên lửa khỏi Cuba. Đổi lại, người Mỹ lặng lẽ rút tên lửa của họ ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, và thế giới thở phào nhẹ nhõm.
Mã hạt nhân bên giường bệnh
Mặc dù Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vẫn là vụ khủng hoảng gần như đáng sợ nhất trong lịch sử, nhưng cũng có những vụ khác đã xảy ra. Khi căng thẳng gia tăng trong cuộc chiến Ảrập-Israel vào tháng 10/1973, với các báo cáo về khả năng Liên Xô can thiệp quân sự chống lại Israel, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đưa ra cảnh báo với Defcon 3 (tăng độ sẵn sàng của các lực lượng lên trên mức bình thường), mặc dù điều này không được thông báo rộng rãi.
Một khoảnh khắc thậm chí còn kinh hoàng hơn xảy ra vào tháng 11/1983, khi Điện Kremlin đọc nhầm một cuộc tập trận lớn của NATO có tên mã là Able Archer.
Tin chắc rằng Tổng thống Mỹ Ronald Reagan sắp ra lệnh tấn công phủ đầu, giới lãnh đạo Liên Xô cảnh báo các điệp viên của họ trên toàn thế giới rằng chiến tranh có thể chỉ còn vài giờ nữa.
Tại bệnh viện ở Mátxcơva, nơi nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov nằm hấp hối, một phụ tá quân sự đã đợi sẵn bên giường bệnh của ông, sẵn sàng gửi mã hạt nhân. Giây phút trôi qua, sự căng thẳng gần như không thể lên cao hơn được nữa.
Chỉ khi cuộc tập trận Able Archer kết thúc mà không bị tấn công, người Nga mới nhận ra nỗi sợ hãi của họ là vô căn cứ. Tuy nhiên, mối đe dọa của Tổng thống Putin lại khác. Nó không phải là một sai lầm; đó là một lời đe dọa có chủ đích.
Trong khi tuyên chiến với Ukraine tuần trước, nhà cầm quân người Nga cảnh báo rằng, phương Tây sẽ “đối mặt hậu quả lớn hơn bất kỳ hậu quả nào mà bạn phải đối mặt trong lịch sử” nếu họ dám can thiệp. Ba ngày trước, ông một lần nữa cảnh báo về “hậu quả quân sự và chính trị” nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Và giờ đây, trong bài phát biểu mới nhất của mình với người dân Nga, dường như ông đang chuẩn bị cơ sở cho một cuộc tấn công hạt nhân - một điều hoàn toàn không thể tưởng tượng được chỉ cách đây vài ngày.
Nhưng tôi không tin rằng Tổng thống Nga lại sẵn sàng khơi mào một cuộc xung đột hạt nhân khiến hàng chục triệu người, trong đó có dân thường Nga, chắc chắn sẽ thiệt mạng.