Những phiên chợ cuối năm

Sạp hàng bánh kẹo của chị Võ Thị Mỹ Diễm có nhiều khách mua chuẩn bị tết. Ảnh: THÁI HÀ

Trong không khí náo nức chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, có một thú vui nhiều người yêu thích, đó là đi chợ cuối năm để hòa vào không khí náo nhiệt, rộn ràng, tấp nập của kẻ mua, người bán. Các phiên chợ cuối năm, vì vậy, không chỉ là nơi để mua sắm mà còn là nét văn hóa độc đáo, từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi dịp tết đến, xuân về.

Hơi thở của mùa xuân đã nhẹ nhàng lan tỏa khắp nơi nơi, đâu đó tại các khu chợ, tiếng mua hàng, chào hàng, những tiếng hỏi thăm trò chuyện của những người quen biết nhau đã tạo nên một không khí nhộn nhịp, vui tươi, khiến lòng người thêm rộn ràng, nô nức, phấn khởi chào đón một mùa xuân mới.

Nơi lưu giữ hồn quê hương

Một năm mới lại sắp về. Với những người yêu chợ quê, đây không chỉ là dịp sắm sửa cho ngày tết mà còn là dịp để nhớ về một không gian văn hóa truyền thống; tìm về và cảm nhận sâu sắc hơn sự gắn bó với cộng đồng, sự giao hòa của đất trời, vạn vật khi mùa xuân về. Dù cho ngày nay, cuộc sống hiện đại đã tạo ra nhiều loại hình kinh doanh tiện lợi cho người tiêu dùng, song những nét văn hóa chợ truyền thống vẫn là dấu ấn đậm nét trong tâm tưởng mỗi người con của quê hương.

Chợ Đông Mỹ (hiện nay thuộc phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) ngày trước mỗi tháng có 6 phiên rơi vào các ngày mùng 3, mùng 7, 13, 17, 23, 27 âm lịch và phiên cuối cùng của năm kéo dài mấy ngày cho đến chiều cuối năm. Ngày ấy, chợ tềnh toàng, cũ kỹ và xuống cấp nhưng từ sáng sớm, người từ khắp nơi đã đổ về nhộn nhịp. Nào là người từ Hòa Hiệp lên, Hòa Tân xuống, Phú Lâm vào. Bên kia sông, người dân Nam Bình (phường Hòa Xuân Tây) cũng đi đò ngang mang theo nào đường đen, khoai môn, khoai hạ, mía sang bên này buôn bán. Trong không khí náo nức của phiên chợ tết, trẻ con theo mẹ đi mua bộ đồ mới, đôi dép mới; những cô thiếu nữ sẽ đi rảo chợ, du xuân và các bà, các mẹ tất bật sắm sửa chuẩn bị cho các bữa cúng gia tiên. Không khí mua sắm ngày ấy cùng với những hình ảnh dân dã, đậm chất quê của nó vẫn còn trong tâm tưởng của nhiều thế hệ.

Nhiều năm trôi qua, các ngôi chợ truyền thống ngày xưa đa phần đều được xây dựng lại khang trang hơn; trên địa bàn tỉnh cũng có thêm nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm; chợ Đông Mỹ xuống cấp đã được thay thế bằng chợ Hòa Vinh và chuyển sang một địa điểm thuận lợi hơn. Tuy đã có nhiều đổi thay nhưng chợ truyền thống, đặc biệt khi vào dịp tết vẫn là một nét văn hóa độc đáo, mang hồn cốt của quê hương và trở thành niềm thương, nỗi nhớ của nhiều người con xa quê.

Bán lá chuối và lá gai những ngày cuối năm. Ảnh: PV

Bán lá chuối và lá gai những ngày cuối năm. Ảnh: PV

Người mua, kẻ bán rộn ràng

Chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, vì thế, không khí mua sắm tại các chợ truyền thống bắt đầu sôi động. Qua ghi nhận, sức mua cũng bắt đầu tăng, nhất là các mặt hàng hải sản tươi sống, đồ khô...

Chợ Tuy Hòa (TP Tuy Hòa) vốn được coi là nơi mua sắm sầm uất của thành phố, thời điểm này đã nhộn nhịp. Bà Huỳnh Thị Ngọc Hòa, Phó Ban quản lý chợ Tuy Hòa cho biết, những ngày này, lượng hàng hóa về chợ rất dồi dào, tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường, nhưng so với các năm trước vẫn ít hơn vì tiểu thương không dám trữ nhiều hàng. Với khoảng 34 ngành hàng, chợ đầu mối Tuy Hòa là nơi cung ứng chủ lực nguồn hàng hóa cho nhiều chợ cũng như các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thành phố và cả trên địa bàn tỉnh.

Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực bán thực phẩm tết, các mặt hàng bánh mứt, kẹo, đồ khô rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chủ yếu là hàng Việt Nam. Hầu hết sản phẩm đều được đóng gói cẩn thận, có thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Các tiểu thương cho biết, năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, nguyên liệu, công lao động tăng nên các mặt hàng tết cũng tăng giá.

Tại chợ Tuy Hòa, sạp bánh kẹo của chị Võ Thị Mỹ Diễm đang có 5-7 khách lựa hàng và chờ tính tiền. Chị Diễm cho biết, tâm lý của người tiêu dùng ngày nay hướng đến các sản phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, có xuất xứ rõ ràng. “Thông thường vào thời điểm này, sức mua hàng bánh kẹo tết rất mạnh; nhưng năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, buôn bán có khách vào ra như thế này cũng đã rất mừng”, chị Diễm cho biết.

Tại hàng đồ nhựa, sứ, thủy tinh, cô Thông - chủ ki ốt Minh Thông, tất bật đóng hàng gửi cho khách ở các huyện. Cô cho biết sau 4 tháng nghỉ dịch, khách lẻ ngại vào chợ đông người nên khi chợ mở lại, cô chủ yếu bán cho khách sỉ. Hiện việc buôn bán bắt đầu khởi sắc khi nhu cầu mua sắm đồ gia dụng cho ngày tết tăng lên. “Mong rằng trong năm mới, dịch bệnh được khống chế để tiểu thương còn buôn bán”, cô Thông cho biết.

Chợ truyền thống trong cơn lốc cạnh tranh

Thời điểm giáp tết là lúc chợ truyền thống hoạt động nhộn nhịp nhất trong năm. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, sự cạnh tranh từ các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị… và ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, chợ đã và đang gặp nhiều khó khăn.

Ở quầy Thảo Danh (quầy 2095-2096, chợ Tuy Hòa), anh Nguyễn Danh, chủ cửa hàng quần áo cho biết đã gần 10 giờ trưa nhưng anh chưa bán mở hàng sản phẩm nào. Theo chia sẻ của anh Danh, hai năm nay, việc buôn bán vô cùng khó khăn; các mặt hàng chủ đạo trước đây bán rất tốt như đồ đông, đồ tết thì giờ ít bán được. Buôn bán ế ẩm nên các năm trước, chợ có gần 100 gian hàng quần áo trên tầng lầu thì nay chỉ còn gần 60 sạp. “Mọi năm, người dân khấm khá đã bắt đầu sắm tết từ đầu tháng 11, nay thì giữa tháng Chạp mà hàng hóa còn nhiều. Nhiều sạp đóng cửa nghỉ hẳn, còn chúng tôi thì ráng bán tháng tết để thu hồi vốn. Các tiểu thương chợ Tuy Hòa mong muốn có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế trong các thời điểm buôn bán khó khăn; đồng thời sắp xếp lại ngành hàng đảm bảo thông thoáng, có chỉ dẫn để người dân, du khách nhận biết, mua sắm”, anh Danh chia sẻ.

Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Hòa, sự phát triển nhanh chóng của các kênh bán lẻ hiện đại gia tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống. Bên cạnh đó, mức sống của người tiêu dùng ngày càng cao, tâm lý thích những trải nghiệm mua sắm mới khiến cho sức mua của nhiều mặt hàng tết tại chợ giảm khoảng 30-40% so với trước đây. Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền cho tiểu thương nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh.

Mặc dù chịu nhiều áp lực nhưng theo ông Nguyễn Hải Triều, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương, chợ truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống người dân. Ông Triều cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 130 chợ được phân bố đều ở các xã, phường, thị trấn, tạo thuận lợi cho việc mua bán. Dù đang phải chịu áp lực cạnh tranh với các kênh bán hàng hiện đại nhưng chợ vẫn là kênh bán lẻ chủ đạo, trực tiếp phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhờ có nguồn thực phẩm tươi sống, hàng hóa đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân.

Hiện nay, hàng hóa trao đổi, mua bán qua hệ thống chợ chủ yếu là hàng công nghệ phẩm và hàng thực phẩm tươi sống. Đối với mặt hàng công nghệ phẩm, lượng hàng hóa phân phối qua hệ thống chợ chiếm từ 50-60%; riêng hàng thực phẩm tươi sống đa phần đều phân phối trực tiếp qua hệ thống các chợ, chiếm từ 70-80%. Số liệu trên cho thấy kênh bán hàng truyền thống này vẫn chiếm lĩnh thị trường.

Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/269861/nhung-phien-cho-cuoi-nam.html