Những phiên chợ nối dài lưới an sinh ở Quảng Nam
Từ tháng 5 này, mỗi tháng BHXH Quảng Nam sẽ có 1 ngày tổ chức gian hàng lưu động tại tất cả chợ trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền về các chính sách BHXH hiện nay đến với tiểu thương, người lao động tự do...
Sáng 11/5 vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Nam ra quân tuyên truyền người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) tự đóng tại chợ Tam Kỳ.
Nhân rộng phiên chợ an sinh đặc biệt
Chị Hồ Thị Tuyến (31 tuổi, thành phố Tam Kỳ) đang đi chợ thì nhận được lời mời để tư vấn về các chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hiện nay của Nhà nước. Khi được các tuyên truyền viên của BHXH Quảng Nam tư vấn cặn kẽ, nhiệt tình, chị nhận thấy nhiều lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện và BHYT cho chị cũng như gia đình.
“Mấy năm trước, tôi làm cho công ty dược nên được đóng BHXH bắt buộc, nhưng thời gian gần đây do chuyển hướng sang buôn bán tự do. Vì vậy, tôi đã dừng đóng BHXH khá lâu”, chị Tuyến cho hay. Buổi tuyên truyền giúp chị hiểu hơn và đang nghiên cứu để đóng tiếp BHXH tự nguyện.
"Đây là chính sách rất bổ ích cho người dân chúng tôi. Từ đây tôi thấy rất cần thiết tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo cho tương lai sau này. Còn với BHYT, tôi cũng rất yên tâm khi lỡ bị đau ốm", chị Tuyến chia sẻ thêm.
Bà Đỗ Thị Bích Hoa, Trưởng phòng truyền thông BHXH Quảng Nam, cho biết hiện nay, BHXH tỉnh triển khai gian hàng lưu động nhằm tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng với mục tiêu đưa các chính sách này đến trực tiếp người lao động tự do, những người buôn bán...
Lâu nay, việc tuyên truyền các chính sách về BHXH, BHYT, đơn vị cũng tiến hành nhưng chỉ ở mức độ nhất định. "Việc đưa các chính sách về BHXH đến người lao động tự do, những người có thu nhập để họ hiểu và tham gia là điều rất cần thiết", bà Đỗ Thị Bích Hoa cho biết.
Trưởng phòng truyền thông BHXH Quảng Nam cho hay với mong muốn để người dân nâng cao nhận thức và hiểu được chính sách tự nguyện để sau này người tham gia có lương hưu, có thu nhập ổn định và có thẻ BHYT miễn phí, giúp ổn định cuộc sống cho bản thân, cho gia đình và góp phần phát triển an sinh xã hội.
Ngoài ra, việc đưa gian hàng lưu động đến các chợ nhằm đưa chính sách BHXH đến gần người dân hơn, để người dân được giải đáp thắc mắc và yên tâm tham gia.
Theo BHXH Quảng Nam, từ tháng 5 này, mỗi tháng đơn vị sẽ có 1 ngày tổ chức gian hàng lưu động tại tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền về các chính sách BHXH hiện nay đến với tiểu thương, người lao động tự do.
Gian hàng tuyên truyền trực tiếp theo hình thức lưu động tại chợ Tam Kỳ là gian hàng đầu tiên trong chuỗi gian hàng tuyên truyền sẽ mở rộng tại các chợ trên địa bàn thành phố. Sau đó, các địa phương khác trong toàn tỉnh cũng sẽ tổ chức gian tuyên truyền lưu động nhằm tuyên truyền, vận động người dân tham gia chính sách tốt hơn.
Cánh tay nối dài
Để mở rộng đối tượng tham gia, BHXH Quảng Nam đã và đang phát triển thêm hệ thống thu - vốn được xem là cánh tay nối dài của ngành BHXH. Những ngày tháng 5 nóng như đổ lửa, bà Nguyễn Thị Lệ Thông - Công ty TNHH Bảo hiểm Sao Sáng, đóng tại thị xã Điện Bàn vẫn miệt mài “gõ cửa” từng nhà người dân để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. Theo bà Thông, ngoài thực hiện nhiệm vụ Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân do ngành BHXH phát động thì đây là công việc thường ngày của một cán bộ đại lý thu suốt nhiều năm qua.
Bà Thông cho biết để lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, ngoài hình thức vận động trực tiếp tại nhà thì phối hợp với các hội, đoàn thể lồng ghép trong các buổi hội họp, sinh hoạt… Nhờ đó, tại xã Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn - Quảng Nam) đã có 165 người tham gia BHXH tự nguyện, 95% dân số tham gia BHYT.
Thách thức lớn nhất đối với những cán bộ thu BHXH tại cơ sở như bà Nguyễn Thị Lệ Thông chính là việc nhiều người tham gia gián đoạn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Điều này khiến bà Thông phải kiên trì vận động, thuyết phục để các trường hợp gián đoạn đóng BHXH tự nguyện hiểu rõ hơn quyền lợi, chính sách thụ hưởng và tiếp tục tham gia.
Tính đến cuối tháng 4/2024, tại thị xã Điện Bàn có 2.831 người tham gia BHXH tự nguyện, 21.712 người tham gia BHXH bắt buộc, còn bảo hiểm thất nghiệp là 20.828 người và 220.933 người có thẻ BHYT đạt tỷ lệ bao phủ 96,02% dân số.
Nhiều phương thức tuyên truyền độc đáo
Quảng Nam được đánh giá là địa phương thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, BHXH tự nguyện trong cả nước. Để thu hút người dân tham gia các chính sách bảo hiểm, ngoài việc tỉnh hỗ trợ thêm % mức đóng, cơ quan BHXH tỉnh cũng sáng tạo, đổi mới các hình thức tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa thiết thực khi tham gia vào chính sách an sinh.
Là tỉnh ven biển miền Trung, Quảng Nam có 18 huyện, thị xã, thành phố, trong đó 9 huyện miền núi, huyện xa nhất cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 200 km là thách thức lớn đối với công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT.
Vì vậy, cơ quan BHXH tỉnh đã duy trì các mô hình như: nuôi heo đất tham gia BHXH tự nguyện; mô hình thu tiền góp hàng ngày của người lao động tự do tại các chợ để tham gia BHXH tự nguyện; mô hình "Phụ nữ tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện - vì cuộc sống an sinh tuổi già"...
Đặc biệt, BHXH tỉnh Quảng Nam đã sáng tạo, đổi mới hình thức tuyên truyền bằng việc lồng ghép văn hóa địa phương là vận dụng dân ca bài chòi vào tuyên truyền BHXH tự nguyện trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.
Năm 2024, Chương trình hành động của BHXH tỉnh Quảng Nam đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu như sau: Hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ do BHXH Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Nam giao.
Cụ thể, số người tham gia và số thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đạt và vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao từ 0,3% trở lên; phấn đấu đạt chỉ tiêu giảm số tiền chậm đóng BHXH Việt Nam giao và thấp hơn tỷ lệ bình quân chung toàn Ngành; phấn đấu giữ vững số người tham gia BHYT đạt 96,8% dân số toàn tỉnh.
Kiểm soát tốt chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT, phấn đấu không vượt nguồn chi KCB BHYT được BHXH Việt Nam giao; Quản lý, kiểm soát tốt quỹ BHXH, BHTN, tăng cường công tác hậu kiểm nhằm chống tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ…