Những 'phiên tòa' khắc nghiệt mang tên mạng xã hội

Sự bùng nổ của mạng xã hội đã mở ra kỷ nguyên thông tin mới, mang đến nhiều cơ hội chia sẻ thông tin nhanh chóng và đa chiều. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi đến do mạng Internet đem lại, vẫn còn đó những 'phiên tòa' vô cùng khắc nghiệt mang tên 'dư luận mạng'.

Cộng đồng mạng có thể dễ dàng “tẩy chay”, cô lập một nhãn hàng, một gia đình, một công ty,... (Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Cộng đồng mạng có thể dễ dàng “tẩy chay”, cô lập một nhãn hàng, một gia đình, một công ty,... (Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Phán xét "ảo", hệ lụy thật

Vào mùa sầu riêng năm nay ở Việt Nam, một nhãn hàng đã thuê những người làm sáng tạo nội dung nổi tiếng trên mạng xã hội livestream (phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội) bán hàng. Trong phiên livestream, đại diện nhãn hàng được biết đến với biệt danh O.H.S.R (sinh năm 1988) đã có những lời nói “kém duyên” với một Vlogger nổi tiếng mang tên Q.L ngay trên phiên phát sóng trực tiếp.

Mặc dù vậy, nhưng phiên livestream kết thúc với cả nghìn người “chốt đơn” thành công. Tuy nhiên, sau phiên live khoảng một ngày, cộng đồng người hâm mộ Vlogger Q.L đã lên tiếng bức xúc với những phát ngôn của đại diện nhãn hàng. Một làn sóng phẫn nộ lên tiếng chỉ trích O.H.S.R, kêu gọi “tẩy chay” không mua sầu riêng của nhãn hàng. O.H.S.R đã lên tiếng xin lỗi và cho biết đây chỉ là lời nói đùa để tăng tương tác. Chính Vloger Q.L đã đăng bài trên trang cá nhân mong muốn khách hàng đừng hủy đơn, tuy nhiên, dư luận mạng vẫn không tha thứ cho hành động này của đại diện nhãn hàng.

Nhãn hàng đã đưa ra thống kê doanh số sau phiên livestream, có đến hơn 95% tổng số 18 tấn sầu riêng trong đợt đầu tiên đã được giao nhận thành công, 3% đang giao và dưới 2% hoàn trả. Nghĩa là nhiều khách hàng hủy đơn, tổng cộng gần 360kg sầu riêng đã hoàn trả, còn khoảng 540kg đang trong trạng thái giao hàng.

Không chỉ nhà cung ứng này, nhiều shop bán sầu riêng khác trên các nền tảng mạng xã hội khác cũng bị ảnh hưởng. Họ phải liên tục đính chính trong các phiên livestream rằng mình không liên quan đến O.H.S.R để tránh làn sóng “tẩy chay”.

Câu chuyện khác thuộc về Hoa hậu Y.N khi đăng quang ngôi vị Miss World Việt Năm 2023, cũng đã chịu nhiều “búa rìu” của dư luận. Ban đầu, khi mới đăng quang, cô được nhận xét là có hình thể đẹp, gương mặt khả ái và ít ý kiến tiêu cực. Nhưng, sau một vài phát ngôn gây sốc, cô trở thành tâm điểm của sự chú ý. Dư luận trên mạng xã hội nảy ra nhiều cuộc chiến gay gắt. Cuộc sống riêng tư, học vấn, gia đình, bạn bè của nàng hậu cũng bị cư dân mạng tìm hiểu, buông lời lẽ chỉ trích.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi đăng quang, trên Facebook đã có hàng loạt những nhóm antifan, yêu cầu “tẩy chay” Y.N. Nhóm đông nhất lên đến hơn 600 nghìn thành viên. Mọi chương trình, khung hình cô xuất hiện đều bị cộng đồng mạng buông lời lẽ cay nghiệt.

Lúc bấy giờ, rất nhiều cá nhân, tổ chức từng sử dụng hình ảnh của cô đều bị chỉ trích, tấn công bởi cộng đồng mạng. Trang cá nhân của người đứng đầu đơn vị tổ chức cuộc thi bị nhiều người tràn vào thả phẫn nộ, yêu cầu tước vương miện hoa hậu. Sau lần đi từ thiện tại bệnh viện tư gây xôn xao, các nhà tài trợ của Miss World Việt Nam cũng “đóng băng” vì sợ thương hiệu bị ảnh hưởng. Những người bị tấn công tiếp theo là gia đình của Y.N. Theo chia sẻ của bố Hoa hậu Y.N, ông nhận được nhiều tin nhắn tấn công, chỉ trích từ một bộ phận khán giả quá khích. Mọi chuyện dần dịu đi, khi Hoa hậu Y.N tránh khỏi giới truyền thông, đi du học trau dồi vốn kiến thức, kỹ năng...

Thực tế, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trên thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet. Hiện ở Việt Nam có khoảng hơn 70 triệu tài khoản mạng xã hội, trong đó 1/3 người dùng là ở độ tuổi thanh, thiếu niên.

Mạng xã hội là nơi để mỗi cá nhân có quyền riêng tư bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Việc yêu ghét, đồng tình, phản bác trên không gian mạng tương đối tự do, thoải mái. Vì vậy, mạng xã hội đã trở thành một “phiên tòa” lạnh lùng, phán xét rất nhiều người khác nhau.

Các “anh hùng bàn phím” ở ngoài đời có thể là em học sinh, sinh viên, anh chị công nhân viên chức hiền lành. Nhưng khi bước vào “thế giới ảo” họ sẵn sàng kéo hội, kéo bè “tẩy chay” một cá nhân khiến mình khó chịu. Câu chuyện ngày càng đi xa hơn, khi một nhóm, một cộng đồng không chỉ “tẩy chay”, cô lập cá nhân nào đó, mà còn thóa mạ, sỉ nhục làm tổn thương tinh thần, danh dự của họ. Hơn thế nữa, các “anh hùng bàn phím” còn sẵn sàng làm ảnh hưởng đến những cơ quan, nơi làm việc, gia đình của những người mà họ không thích.

Mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác, sắc tộc,... đều có thể trở thành nạn nhân bị bạo lực trên mạng Internet. Bạo lực mạng gây ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất và cuộc sống của rất nhiều người. Đặc biệt, bạo lực mạng khiến cho môi trường trong thế giới Internet trở nên độc hại và tác động tiêu cực đến tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

Xây dựng lối sống đẹp khi sử dụng mạng xã hội

Theo thống kê của Google cho thấy, hiện 97% người dùng Việt Nam tìm kiếm thông tin qua các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Bên cạnh đó, hàng loạt các nghề “hot” được ra đời trên nền tảng số, mạng xã hội như KOL, gamer, streamer (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, được nhiều người biết đến)…

Xây dựng lối sống đẹp sử dụng mạng xã hội. (Ảnh dự án The Up Project - Nguồn: NVCC)

Xây dựng lối sống đẹp sử dụng mạng xã hội. (Ảnh dự án The Up Project - Nguồn: NVCC)

Mạng xã hội cho thấy sự “chuyển động” rất khác của giới trẻ Việt trong thời đại số hóa. Nhiều hoạt động “tẩy chay” của giới trẻ trên mạng xã hội đã gây không ít “sóng gió” cho các nhãn hàng và buộc các nhãn hàng này phải lên tiếng công khai xin lỗi. Bên cạnh những hành động tích cực như phê phán những điều xấu, phản quy tắc, đạo đức sống, còn đó rất nhiều tài khoản ẩn danh cư xử thiếu văn minh, gây chia bè, kết phái ảnh hưởng đến những người dùng mạng xã hội khác.

Việc xây dựng một lối sống đẹp, văn minh khi sử dụng mạng xã hội là rất cần thiết, đặc biệt đối với thế hệ thanh, thiếu niên hiện nay. Đầu tiên, cần giáo dục sử dụng mạng Internet an toàn, văn minh, lịch sự ngay trong các trường học. Lấy ví dụ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM) đã từng có cuộc trao đổi với Trung tá, TS. Lê Hoàng Việt Lâm - Giảng viên khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học An ninh Nhân dân hướng dẫn sinh viên sử dụng mạng xã hội an toàn.

Các em được hướng dẫn cách nhận biết hành vi sai lệch trên mạng xã hội, để có biện pháp phòng tránh. Ngoài ra, Trung tá chia sẻ kinh nghiệm xử lý khi trở thành nạn nhân của bạo lực mạng, cách ổn định tâm lý, thoát ra khỏi “vòng xoáy tẩy chay”, cô lập trên không gian ảo. Cuối cùng, đó là tự nâng cao ý thức bản thân mỗi người khi tham gia vào “thế giới ảo”.

Mới gần đây nhất, The Up Project, một dự án phi lợi nhuận được thành lập của các em học sinh đến từ nhiều trường THPT chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có sự kiện “Góp Chữ”. Sự kiện hướng đến việc hỗ trợ các em nhỏ ở một số trường tiểu học có cơ hội học hỏi, phát triển bản thân và tích lũy những kỹ năng cần thiết cho tương lai, đồng thời nâng cao nhận thức về an toàn trên không gian mạng, để các em sử dụng Internet hiệu quả và an toàn hơn. Sự kiện bắt đầu vào cuối tháng 11, dự án đã trao đi tri thức tại các trường Tiểu học Thành Công A, Tiểu học Ngôi Sao Hà Nội, Tiểu học Thành Công B, Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu và Tiểu học Lý Thái Tổ.

Có một “phiên tòa” vô cùng hà khắc mang tên dư luận mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Pharmacity)

Có một “phiên tòa” vô cùng hà khắc mang tên dư luận mạng. (Ảnh minh họa - Nguồn: Pharmacity)

Nguyễn Anh Thư - Trưởng Ban Tổ chức The Up Project mùa 7 chia sẻ, “Góp chữ” là chuỗi sự kiện giảng dạy thường niên của dự án với mục tiêu mang tới những tiết học kỹ năng sống đầy bổ ích và thú vị tới các em học sinh Tiểu học trên toàn thành phố Hà Nội. Chủ đề giảng dạy “An toàn mạng và bảo vệ bản thân trên không gian mạng”, nhằm đưa đến kỹ năng nhận biết, xử lý thông tin độc hại trên mạng Internet đối với học sinh tiểu học.

Ngoài việc giáo dục, công tác truyền thông đóng góp vô cùng quan trọng trong việc xây dựng lối sống đẹp, văn minh trên mạng xã hội. Thay vì để người dùng mạng Internet đắm chìm trong một thế giới “thật - giả” tin tức lẫn lộn, từ đó dễ dàng bị kích động kết bè, kết phái “tẩy chay”, cô lập các cá nhân, tập thể. Để hỗ trợ người dùng mạng, các cơ quan truyền thông chính thống nên đầu tư mạnh mẽ, xây dựng các tài khoản trên mạng xã hội, chia sẻ thông tin đúng đắn, kết nối tinh thần đoàn kết cộng đồng, dân tộc. Đặc biệt, điều này giúp cho những người dùng mạng Internet tiếp cận được những nguồn tin phù hợp, bổ ích, hấp dẫn.

Hương Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-phien-toa-khac-nghiet-mang-ten-mang-xa-hoi-post534820.html