Những phố đêm Sài Gòn
Giới trẻ đến với phố đêm ở TP.HCM không hẳn chỉ vì mua sắm, cũng không hẳn vì giải trí mà là cần hưởng trọn 'nightlife'.
Chẳng biết từ bao giờ cụm từ “TP không ngủ” đã ăn sâu vào tâm trí, hiện diện trong trái tim người dân TP và du khách khi đến với TP.HCM. Không ngủ chẳng phải vì TP thao thức “mất ngủ” mà vì sức sống năng động, đầy năng lượng của thị dân cũng như những du khách khắp nơi đặt chân đến đây.
Hai con phố lão làng
Bạn đứng đâu để cảm nhận TP về đêm? Tôi chỉ đứng ở ban công nhà mình - một chung cư bình dân nơi phía đông TP và ngắm trọn một dải sắc màu lấp lánh với nhiều hình dạng chuyển động hấp dẫn - sự chuyển động ly kỳ như hút tôi vào khoảng không gian về đêm sinh động. Trong mắt tôi - một bầu trời những ánh đèn sang chảnh từ các tòa nhà cao ngất đến những ngọn đèn đường lặng lẽ soi sáng cho người qua kẻ lại. Và dù bạn đứng ở đâu, ngoại ô hay trong lòng TP, không quan trọng lắm đâu, bởi chỉ cần hiện diện ở TP này, chắc chắn bạn sẽ thấy được sức sống mãnh liệt về đêm.
* * *
Như một cách vô thức, tôi hướng về trung tâm, khu vực quận 1 - nơi in đậm dấu ấn “TP không ngủ”. Bởi nơi ấy có hai con phố tự tin, kiêu hãnh mang đến cho du khách trải nghiệm “nightlife” ấn tượng nhất TP.HCM. Người dân TP.HCM luôn tự hào với phố Tây Bùi Viện và phố ta Nguyễn Huệ - hai con phố được coi là “lão” trong “làng” giải trí về đêm. Và kỳ thực ngoài độ từng trải thì cả về diện mạo và sức hấp dẫn có lẽ khó có con phố trẻ nào sánh đặng.
Gọi phố Tây, bởi đường Bùi Viện là nơi tập trung, thu hút nhiều du khách Âu Mỹ tới tham quan, giải trí. Con phố này chưa bao giờ hết sức nóng bởi tập trung nhiều hình thức giải trí độc đáo về đêm. Phố Tây Bùi Viện có tính cách hơi “kỳ quái” bởi sự pha trộn thú vị về hình thức ăn chơi, giải trí. Nếu như thoạt nhìn, hai bên phố là nơi kinh doanh về quán bar, nhà hàng, khách sạn đắt đỏ nhưng khá chi ly thì những gì thuộc về văn hóa ẩm thực cũng như văn hóa dân gian của người Việt lại không thiếu trong hoạt động vui chơi tại con phố Tây này.
Khi bước chân tới phố Bùi Viện, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người bộ hành chính là hình dạng chiếc nón lá được tạo ra bằng ánh đèn LED thiết kế tinh tế nơi đầu phố. Chắc cũng không ít người đặt câu hỏi nón lá là một nét duyên của văn hóa Việt, thế nhưng chả hiểu sao người ta lại trang trí nổi bật ở phố Tây? Và ở đây, chính những du khách nước ngoài lại thích thú, hào hứng với cách thức giới thiệu hình ảnh đất nước, con người ở con phố tập trung đông đúc người Tây này.
Hàng xóm của phố Tây Bùi Viện là phố ta Nguyễn Huệ. Ở phố Nguyễn Huệ, những nét văn hóa thuần Việt được truyền tải một cách hết sức tinh tế, sinh động, dạt dào cảm xúc. Vào dịp Tết Nguyên đán, linh vật mỗi năm (theo 12 con giáp) truyền tải trong đó những ý nghĩa tốt đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam, được đặt trong phối cảnh trang trí với các chủ đề đậm chất Việt trên con phố ta quen thuộc này.
Ngày thường người ta đi dạo phố Nguyễn Huệ như một thói quen để tận hưởng không khí nhộn nhịp ở trung tâm TP hay hương vị “nightlife” khi TP dần chìm trong đêm. Ngày Tết, những linh vật được trang trí trên con phố này giống như một biểu tượng linh thiêng và ai cũng muốn được chiêm ngưỡng như thể không ghé phố Nguyễn Huệ thì khó mà biết Tết TP.HCM có dáng dấp gì, thần thái nào.
Nối liền phố Nguyễn Huệ, băng qua con đường Tôn Đức Thắng là Công viên bến Bạch Đằng - nơi này đang trở thành khu vực giải trí về đêm “sốt xình xịch” của giới trẻ. Người ta đến đây có lẽ để tận hưởng mây của trời, gió của sông và thưởng thức những chuyến trải nghiệm vui chơi giải trí trên du thuyền dạo sông Sài Gòn.
Những phố trẻ năng động
Vài năm trở lại đây, hàng loạt con phố đêm trẻ trung, năng động được hình thành và phát triển làm cho “TP không ngủ” thêm nhiều sắc màu.
Giới trẻ kháo nhau rằng trải nghiệm về đêm nhất định phải thưởng thức ẩm thực. 500 anh em món ăn từ trong đến ngoài nước có lẽ không thiếu trên các con phố ẩm thực về đêm ở TP.HCM. Tuy vậy, khi bạn muốn thưởng thức món ăn nào đó, điều đầu tiên cần làm là phải hiểu TP.HCM bởi lẽ TP cái gì cũng có nhưng không có nghĩa là tìm đâu cũng thấy. Hiểu TP bạn sẽ biết phố Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) đang trở thành một trong những điểm thưởng thức ẩm thực về đêm “nóng sốt” của giới trẻ và du khách. Điểm đặc biệt là con phố không to, không nhỏ; không quá dài, không quá ngắn, vừa đủ để người ta có không gian tìm kiếm món ăn vừa mắt, ngon miệng. Và ở đây là một “thiên đường ăn vặt” với nào là trà sữa, trà đào, cá viên chiên, bánh tráng trộn… và tất cả món vặt đang là hot trend như trà chanh giã tay, mãng cầu chiên cũng rủ nhau hội tụ về khu phố ăn vặt này.
* * *
Một con phố ăn vặt rất tuổi teen nữa là Kỳ đài Quang Trung, quận 10. Rất đúng chất teen vì Kỳ đài Quang Trung không bán rượu bia hay bất cứ thứ gì liên quan tới cồn.
Giới trẻ thích ăn uống nơi con phố này bởi sự rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ và là nơi lý tưởng để sống ảo. Điểm cộng tiếp theo của Kỳ đài Quang Trung là sự kết hợp giữa ẩm thực và mỹ quan cực đã mắt nhưng lại không ồn ào, náo nhiệt.
Cũng có những người thích ăn vặt nhưng phải là những món mới lạ, ở nhà khó làm, ra đường khó tìm. Vì vậy, phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ là một nơi để giới trẻ rủ nhau đi ăn “bụi” những món lạ vào những ngày se se lạnh. Súp cua là một trong những món làm ấm lòng giới trẻ và rất nổi tiếng ở khu này. Ngoài ra, hàng loạt món lạ cũng được giới trẻ rỉ tai nhau đến đây thưởng thức như bánh cuốn ngọt, cơm lam thịt nướng, trà đào dầm… Rất nhiều hải sản miền Tây rủ nhau bày bán ở khu phố Hồ Thị Kỷ.
Những bạn trẻ sành ăn vặt ở các phố đêm thì cực kỳ tháo vát trong chuyện tìm kiếm và mách nhau về món ăn đặc trưng. Chỉ cần thích ăn cua dát vàng, chân gà quái thú thì không đâu “ngon lành cành đào” bằng phố ẩm thực Vĩnh Khánh, quận 4; hay muốn ăn bánh bèo, bán nậm trong họ hàng nhà món Huế thì chắc chắn không đâu sánh bằng khu vực Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình…
* * *
Xuôi theo bờ kênh Nhiêu Lộc tấp vào khu vực Miếu Nổi để tham quan phố ẩm thực Phan Xích Long. Đây là con phố trẻ nhất trong họ hàng nhà phố đêm. Thế nhưng, độ sầm uất, nhộn nhịp và rực rỡ của con phố này cũng không thua kém những con phố có tên tuổi khác. Điểm đặc biệt của phố ẩm thực Phan Xích Long là giao lưu với những con đường mang tên hoa. Tìm đến Hoa Sứ để thưởng thức món ăn vặt kiểu hơi Tây Tây như pizza, xúc xích Đức…Tìm đến Hoa Phượng để ăn vặt kiểu Đông Đông như sushi; tìm đến Hoa Lan để thưởng thức ẩm thực Việt như gỏi cuốn, bột chiên, bánh mì đường phố…
Và những phố đêm đang thai nghén
Để đáp ứng đa dạng vui chơi giải trí về đêm cho người dân, du khách, thời gian gần đây ngành chức năng TP.HCM đề xuất thực hiện thêm những con phố đi bộ mới như Trung Sơn (huyện Bình Chánh), Bàn Cờ (quận 3). Các con phố đang thai nghén này thực tế cũng đang là những nơi vui chơi giải trí nhộn nhịp của giới trẻ. Như khu Trung Sơn có điểm đặc biệt là ở vị trí đắc địa của khu vực phía nam TP. Khu vực này có bờ sông thoáng mát và nổi bật với những mảng xanh mơn mởn, cho bầu không khí thoải mái, mát lành, phù hợp cho du khách tản bộ để hưởng thụ không khí về đêm.
Còn khu phố Bàn Cờ, với đặc trưng đặc biệt là “không giống nơi đâu và cũng không nơi đâu giống nổi”, đang được ngành chức năng đề xuất trở thành phố Tây Bùi Viện thứ hai của TP.HCM. Khu vực này độc đáo bởi các con đường và con hẻm đan xen nhau nhưng lại vuông vức như bàn cờ, được coi là một trong những khu vực có quy hoạch đẹp nhất TP.HCM. Vì lẽ đó, khu Bàn Cờ cũng đang là khu vui chơi giải trí, mua sắm sầm uất của đô thị náo nhiệt này.
Trải nghiệm “nightlife” ở TP.HCM, giới trẻ thường hay tìm đến phố Tây Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1). Các phố ẩm thực, thưởng thức món ngon trong và ngoài nước có Hồ Thị Kỷ, Kỳ đài Quang Trung ở quận 10; Vĩnh Khánh ở quận 4; Hậu Giang ở quận 6; Nguyễn Thượng Hiền ở quận 3 và Phan Xích Long ở quận Phú Nhuận.
Mới đây, huyện Bình Chánh kiến nghị mở phố đêm Trung Sơn, hoạt động từ 18 giờ đến 24 giờ mỗi ngày với 252 gian hàng, đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Ngoài ra, TP cũng dự kiến mở thêm phố Bàn Cờ, quận 3 để phục vụ đa dạng ẩm thực cho người dân và du khách.
Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-pho-dem-sai-gon-post775443.html