Những phong trào cực đoan đang làm náo loạn nước Mỹ
Ngày 9- 4, 4 thành viên của phong trào Boogaloo đã bị buộc tội âm mưu cản trở việc điều tra và tố tụng liên quan đến vụ sát hại hai nhân viên an ninh ở Oakland, California. Trong khi đó, một hạ nghị sĩ cũng đã đề xuất dự luật đưa phong trào Antifa vào danh sách các tổ chức khủng bố trong nước… Dường như 'ngày tàn' của các tổ chức cực đoan của Mỹ đang đến.
Boogaloo và nguy cơ nội chiến
Theo tin từ hãng NPR, bồi thẩm đoàn đã kết tội 4 thành viên của một nhóm dân quân thuộc phong trào Boogaloo gồm Jessie Alexander Rush, Robert Jesus Blancas, Simon Sage Ybarra và Kenny Matthew Miksch cố tình phá hủy hồ sơ vụ nổ súng ngày 29-5-2020 nhằm vào hai nhân viên an ninh liên bang ở Oakland, California.
Theo cáo trạng, vào thời điểm kể trên, Rush, Blancas, Ybarra, Miksch và một số người khác thuộc Boogaloo đã liên lạc với nhau bằng WhatsApp để bàn thảo về các chiến thuật liên quan đến việc giết sĩ quan cảnh sát và nhân viên các cơ quan thực thi pháp luật khác.
Sau đó xảy ra hai vụ xả súng ngày 29-5-2020 tại Oakland, California. Nếu bị kết án, mỗi bị cáo sẽ phải đối mặt với hình phạt tối đa theo luật định lên đến 20 năm tù giam và khoản tiền phạt 250.000 USD cho mỗi tội danh âm mưu, cản trở và hủy hoại.
Thực tế, phong trào Boogaloo là tổ chức của những người theo đuổi chính trị cực đoan cực hữu, hình thành từ năm 2012. Được mô tả như một lực lượng dân quân, những người theo học thuyết Boogaloo cho rằng họ đang chuẩn bị hoặc tìm cách kích động một cuộc nội chiến hay còn gọi là “cách mạng Mỹ lần thứ hai” với biệt danh “boogaloo”.
Phong trào bao gồm các nhóm ủng hộ súng và chống chính phủ. Mặc dù hệ tư tưởng boogaloo không phải là theo chủ nghĩa tôn vinh người da trắng nhưng một số người theo chủ nghĩa này hoặc các nhóm theo hướng tân Quốc xã lại ủng hộ nó, tin rằng tình trạng bất ổn sắp xảy ra sẽ là một cuộc chiến tranh chủng tộc.
Trước đây, Boogaloo thường hoạt động theo hình thức trực tuyến nhưng từ năm 2019 đến nay, các thành viên của phong trào đã trực tiếp tham gia các sự kiện biểu tình, trong đó có các cuộc biểu tình phản đối vụ sát hại công dân da màu George Floyd.
Giới chức Mỹ lo ngại về các cuộc bạo động do Boogaloo phát động bởi các thành viên của phong trào này thường được trang bị vũ khí nặng và dễ nhận biết qua trang phục là áo sơ mi Hawaii và quần áo kiểu quân đội.
Cho đến nay, ngoài vụ án đang được thụ lý, Boogaloo còn bị cáo buộc âm mưu bắt cóc Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer và các vụ việc khác liên quan đến cái chết của George Floyd. Hồi giữa năm 2020, do có nhiều hoạt động kích động chống chính phủ, gây chia rẽ dân tộc, phong trào này còn bị Facebook hạn chế khả năng hiển thị trên mạng xã hội và nền tảng trò chuyện.
Trong một thông báo được đưa ra hồi tháng 6-2020, Bộ An ninh nội địa Mỹ cho rằng, Boogaloo không được xác định là phong trào thuộc cánh tả hay cánh hữu mà chỉ đơn giản là “những kẻ cực đoan bạo lực từ cả hai đầu của phổ ý thức hệ".
Tuy nhiên, Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng lưu ý về sự phát triển của Boogaloo bởi lẽ phong trào này ngày càng thu hút được sự tham gia tích cực của nhiều người trong quân đội và các cựu chiến binh.
Nhà nghiên cứu chủ nghĩa cực đoan Kathleen Belew bình luận: “Sự tham gia của quân nhân và cựu binh không phải là vấn đề mà chúng ta nên xem nhẹ bởi từ đây, họ có thể làm leo thang đáng kể tác động của chủ nghĩa hoạt động ngoài lề, truyền lại kiến thức chuyên môn về chất nổ, chiến tranh đô thị".
Oath Keepers – chủ mưu vụ tấn công Điện Capitol
Trong khi đó, phong trào cực đoan Oath Keepers lại đang bị các cơ quan an ninh Mỹ điều tra với cáo buộc chủ mưu trong vụ tấn công Điện Capitol hôm 6-1.
Hồi cuối tháng 3, các công tố viên liên bang lần đầu tiên đưa ra một số bằng chứng cho thấy, Kelly Meggs - thủ lĩnh của Oath Keepers đã phối hợp với các thành viên của hai nhóm cực đoan là Proud Boys, Three Percenters đã tiến hành vụ tấn công vào Điện Capitol.
Với các đoạn băng ghi âm và những tin nhắn qua Facebook thu được, các công tố viên Mỹ tuyên bố, Kelly Meggs nên bị tống giam. Người đàn ông 52 tuổi này đã bị bắt cùng với 9 thành viên khác của Oath Keepers và đang bị cáo buộc phá hủy tài sản của chính phủ, âm mưu cản trở hoạt động của chính phủ và vi phạm pháp luật khi đi vào một tòa nhà bị hạn chế.
Giới phân tích cho rằng, những bằng chứng mới được cung cấp là đòn giáng mạnh vào Oath Keepers, tổ chức dân quân cực hữu bao gồm cả binh sĩ trong quân đội và cảnh sát.
Thống kê của FBI cho thấy, Oath Keepers hiện có gần 40.000 thành viên với quan điểm khuyến khích mọi người không tuân theo các mệnh lệnh mà họ tin rằng sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ.
Tài liệu điều tra của FBI cũng mô tả Oath Keepers là một “tổ chức bán quân sự”, “một tập hợp dân quân đông đảo nhưng được tổ chức lỏng lẻo, những người tin rằng chính phủ liên bang đã bị khuất phục bởi một âm mưu mờ ám đang cố gắng tước bỏ quyền của công dân Mỹ”.
Oath Keepers được thành lập vào tháng 3-2009 bởi Elmer Stewart Rhodes, cựu lính dù của quân đội Mỹ và từng là nhân viên cho nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ron Paul.
Ngày 8-12-2015, Rhodes đã bị Tòa án tối cao Montana tước quyền vì hành vi vi phạm Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Montana sau khi từ chối trả lời hai đơn khiếu nại chống lại anh ta tại tòa án quận liên bang ở Arizona.
Rhodes từng tốt nghệp trường Luật Yale và có tư tưởng rằng những hành động của Adolf Hitler có thể đã bị ngăn chặn nếu binh lính và cảnh sát Đức từ chối làm theo lệnh.
Nhà sử học Mark Pitcavage thì cho rằng, do ảnh hưởng của Rhodes nên Oath Keepers là "những kẻ cực đoan có vũ trang với tư tưởng chống chính phủ, đang tìm kiếm những cuộc đấu trí tiềm tàng với chính phủ".
Từ năm 2014 đến nay, Oath Keepers đã mở rộng hoạt động của mình tại 16 thành phố và tiểu bang của Mỹ. Trang phục thường thấy của thành viên phong trào này là trang phục quân đội cùng với việc trang bị súng trường bán tự động tuần tra trên các đường phố.
Lực lượng dân quân chống chính phủ Three Percenters
Three Percenters là một phong trào dân quân chống chính phủ cực hữu của Mỹ và Canada và đang trở thành cái gai trong mắt chính quyền Washington vì đã tham gia tích cực vào vụ tấn công Điện Capitol.
Nhóm này ủng hộ quyền sở hữu súng và có trụ sở ở Mỹ lẫn Canada. Và chính vì quan điểm ủng hộ súng mà hôm 16-3, một số thành viên của Three Percenters đã bị buộc tội thành lập công ty để lách luật trong việc mua bán và cung cấp vũ khí cho phong trào này.
Theo CNN, Three Percenters thành lập năm 2008 và được thúc đẩy phát triển khi ông Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ. Các thành viên của Three Percenters tin rằng, nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama sẽ dẫn đến việc chính phủ sẽ có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn. Nhiều thành viên của phong trào này đang là hoặc trước đây từng làm việc trong quân đội, cảnh sát và các cơ quan hành pháp khác.
Trang web của Three Percenters tuyên bố rằng nhóm không phân biệt đối xử với bất kỳ ai. Nhưng để đáp lại các cuộc biểu tình của Black Lives Matter sau vụ bắn chết Michael Brown năm 2014 ở Ferguson, Missouri, tài khoản Facebook của Three Percenters lại có nhiều bình luận phân biệt chủng tộc do những người ủng hộ nó đưa ra.
Vì vậy, theo các nhà phân tích, Three Percenters thực chất là một bộ phận chính của phong trào dân quân chống chính phủ rộng lớn hơn. Three Percenters tin rằng các công dân bình thường phải có lập trường chống lại các hành vi lạm dụng được nhận thức bởi chính phủ Mỹ, mà họ cho là vượt quá giới hạn Hiến pháp. Việc Bộ Quốc phòng Mỹ thúc đẩy tiêu diệt những kẻ cực đoan trong hàng ngũ của mình đã khiến các thành viên của Three Percenters tức giận.
Hiện tại, phong trào Three Percenters bao gồm hơn 20 tổ chức được xác định là các nhóm cực đoan hoặc thù địch, trong đó có Atomwaffen Division, Patriot Front, Proud Boys, The Daily Stormer và ACT for America.
Tổ chức khủng bố trong nước Antifa và Proud Boys
Proud Boys là một tổ chức cực hữu, tân phát xít và độc quyền của nam giới da trắng nhằm cổ vũ và tham gia vào bạo lực chính trị ở Mỹ và Canada. Nhóm này tin rằng đàn ông và văn hóa phương Tây đang bị bao vây, quan điểm của họ có các yếu tố của thuyết âm mưu diệt chủng người da trắng.
Các thành viên của Proud Boys thường xuất hiện tại nhiều sự kiện phân biệt chủng tộc xoay quanh chủ nghĩa phát xít, chống cánh tả và chống xã hội chủ nghĩa, bạo lực. Và vì những tư tưởng cực đoan như vậy nên Proud Boys đã bị cấm trên nhiều mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và YouTube.
Ngày 3-2, Canada chính thức chỉ định Proud Boys là một tổ chức khủng bố và Bộ Tư pháp Mỹ cũng mới công bố bản cáo trạng về các thành viên của Proud Boys liên quan đến vụ tấn công Điện Capitol trong đó hai thành viên của Proud Boys bị buộc tội khủng bố và bạo lực chống lại nước Mỹ.
Còn Antifa là một phong trào phản đối chính trị cánh tả, chống phát xít và chống phân biệt chủng tộc, bao gồm nhiều nhóm khác nhau trên thế giới. Một số nhóm Antifa xác định nguồn gốc của phong trào đấu tranh chống lại phát xít tại châu Âu vào những năm 1920 và 1930.
Phong trào Antifa hiện đại của Mỹ bắt đầu từ những năm 1980 với một nhóm có tên là Hành động chống phân biệt chủng tộc. Các thành viên của nó đã đối đầu với những kẻ đầu trọc theo chủ nghĩa tân Quốc xã ở miền Trung và Tây nước Mỹ.
Đầu những năm 2000, phong trào Antifa hầu như không hoạt động và chỉ nổi lên trở lại trong vài năm gần đây. Trụ sở chính của Antifa là ở bang Oregon và những thành viên của nhóm ngày càng có quan điểm chống chính phủ. Họ lập luận rằng, chủ nghĩa độc đoán đang len lỏi trong chính quyền Mỹ hiện tại và nhiệm vụ của Antifa là tìm cách xây dựng "một phong trào thực sự”.
Hôm 4-4, hạ nghị sĩ Mỹ Lauren Boebert đã thúc đẩy chỉ định phong trào Antifa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Nếu được thông qua, nghị quyết sẽ chỉ định Antifa là một tổ chức khủng bố trong nước, lên án tất cả các hành vi bạo lực của tổ chức và các thành viên của tổ chức này, đồng thời yêu cầu chính phủ liên bang “chống lại sự lây lan của tất cả các hình thức khủng bố trong nước”.