Tục "vỗ mông" được coi là một trong những phong tục cưới hỏi kỳ lạ nhất Việt Nam. Tuy nhiên, với người Mông (ở Hà Giang) đây lại được coi là một nét văn hóa đẹp, là sợi dây kết nối yêu thương cũng như là lời tỏ tình có "1-0-2" lưu truyền từ đời này qua đời khác
Phong tục trên thường diễn ra vào dịp lễ hội - khoảng thời gian trai gái người Mông có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Khi đó, nếu phải lòng cô gái nào, chàng trai sẽ chủ động tiếp cận, dùng tay vỗ vào mông cô gái rồi buông lời tâm tình
Nếu ưng bụng, cô gái sẽ quay lại vỗ nhẹ vào mông chàng trai để đáp lại tình cảm. Cứ như thế, đôi trai gái vỗ đủ “chín cặp” - tức là hai bên đã chấp thuận nhau, chờ đợi người làm mai mối để thành vợ, thành chồng
Ở vùng đất giáp ranh Lai Châu và Lào Cai, người Hà Nhì có tục cưới 2 lần vô cùng độc đáo. Ở lần đầu, lễ cưới được diễn ra sau khi trai gái Hà Nhì được tự do tìm hiểu nhau và tiến tới hôn nhân mà không bị ràng buộc bởi tư tưởng "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó"
Trong lễ cưới, sau khi "ra mắt" hai nhà, bên chú rể sẽ làm cỗ mời cả họ hàng và dân bản tới cùng vui. Người tới dự cưới sẽ cầu chúc cho đôi trẻ và bỏ tiền mừng tới 3 lần vào một cái chén không để trên bàn tiệc. Đây là phong tục hàm chứa sự hào phóng và trách nhiệm của người dân Hà Nhì với cô dâu, chú rể
Còn cưới lần hai sẽ được tổ chức với những lễ nghi như lần một nhưng là khi hai vợ chồng có con. Điều này giống như một lần "làm mới" lại tình yêu của đôi trai gái, cũng như mốc kỷ niệm cho việc họ đã bên nhau được khoảng thời gian dài
Dân tộc Dao Đỏ có một phong tục cưới hỏi hết sức độc đáo là ăn hỏi hai lần mới được kết hôn. Người con trai khi "ưng cái bụng" với một cô gái sẽ tới nói chuyện và trao tặng nhà gái một đồng bạc trắng. Ở lần đầu tiên này, nhà gái dù muốn gả con hay không thì cũng phải từ chối nhận "giao ước định tình" đó
Một thời gian sau, nhà trai lại tới xin ăn hỏi lần hai, ba ngày sau nếu không thấy nhà gái trả lại đồng bạc trắng thì đồng nghĩa nhà gái đã đồng ý gả con. Gia đình chàng trai sẽ chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật tới để bàn tính đến hôn nhân dài lâu
Những chàng trai dân tộc Thái ở Lai Châu có lẽ sẽ phải rất vất vả để lấy được vợ bởi trước khi tiến tới hôn nhân, chàng trai đó phải trải qua thử thách ở rể đến mấy năm trời
Tục ở rể của người Thái mang ý nghĩa thử thách lòng thành của chàng trai với nhà cô gái. Trong khoảng thời gian này, chàng trai đóng vai trò như một thành viên, một lao động chính của gia đình "vợ". Sau một thời gian ở rể, hai bên gia đình, họ hàng sẽ có lễ chung chăn, lúc ấy đôi trai gái mới được ngủ chung. Cuối cùng mới chính thức làm lễ cưới để trở thành vợ chồng
Tục "cướp vợ' là một phong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc H'Mông. Theo tục lệ, những đôi trai gái phải lòng nhau hẹn hò ở trên rừng, hay phiên chợ rồi đến xế chiều chàng trai nhờ một vài người bạn đến kéo cô gái về nhà làm vợ. Người H'Mông quan niệm khi "cướp vợ", giằng co càng mãnh liệt thì sẽ càng được hạnh phúc
Phong tục trên thể hiện một tư tưởng tiến bộ trong tình yêu, những người yêu nhau đấu tranh lại với những quan niệm cũ để tiến tới tình yêu tự do. Tuy nhiên theo thời gian, mỹ tục trên dần biến tướng trở thành hủ tục với nhiều hệ lụy như ép buộc trong hôn nhân, bắt cóc, thậm chí là buôn bán người
Tục "bắt chồng" của người Chu-ru (Tây Nguyên) cũng có nét tương đồng với tục "cướp vợ" của người H'Mông. Tuy nhiên ở đây là "cọc đi tìm trâu", cô gái đến tuổi lấy chồng ưng mặt chàng trai nào sẽ về nói cho gia đình, và bố mẹ cô gái sẽ đưa lễ vật đến nhà chàng trai thưa chuyện, hỏi dặm
Chàng trai nếu thuận theo cô gái thì sẽ chấp nhận lễ vật, đồng thời đeo nhẫn bạc, hai người cùng khoác tấm khăn thổ cẩm bước ra khỏi cửa. Từ giây phút đó họ chính thức là vợ chồng
Khi biết tin cô gái "bắt chồng" thành công, họ hàng cũng như dân bản Chu-ru sẽ mở tiệc chúc phúc cho đôi bạn trẻ. Tiệc diễn ra trong nhiều ngày đã tạo nên không gian văn hóa đặc sắc của cộng đồng tộc người theo dòng mẫu hệ
Người Giẻ-Triêng ở Tây Nguyên ngoài nổi tiếng với kho tàng văn hóa dân gian phong phú thì còn được nhiều người biết đến với phong tục cưới hỏi có "1-0-2" là "củi hứa hôn"
Là dân tộc thuộc dòng mẫu hệ, con gái Giẻ-Triêng cũng phải đi "bắt chồng". Tuy nhiên, lễ vật cô gái đem đến nhà chàng trai để hỏi chuyện không phải vàng, bạc mà là củi. Thực hiện tục cưới hỏi này người con gái phải bổ trên 100 bó mới đủ điều kiện lấy chồng
Người Giẻ-Triêng cho rằng, chỉ cần quan sát củi hứa hôn được bổ như thế nào cũng có thể đoán được phẩm chất, tài khéo léo của cô gái. Ngoài ra, "thanh củi tình yêu" này còn được dùng để sưởi ấm cho cha mẹ chồng khi giá rét, nên củi càng nhiều càng thể hiện được lòng thành của cô gái (Nguồn ảnh: VOV)
Tục "củi hứa hôn" được xem là một phong tục tốt đẹp mang nhiều ý nghĩa nhân văn thể hiện phẩm chất chịu thương chịu khó của người phụ nữ Giẻ-Triêng, là một nét đẹp văn hóa tượng trưng cho tình yêu đôi lứa cần được thế hệ sau giữ gìn và phát huy
Như Quỳnh (Tổng hợp)