Những phong tục độc đáo và truyền thống anh hùng của đất Tứ Liên
Năm 1956, xã Tứ Tổng kết hợp với xã Liên Châu thành xã Tứ Liên. Từ năm 1961, dù cách hồ Gươm 5km, nhưng vì Tứ Liên chuyên làm nông nghiệp nên thành phố sáp nhập vào huyện Từ Liêm. Tháng 10-1995, Quốc hội chấp thuận cho Hà Nội thành lập quận Tây Hồ thì Tứ Liên lại được nhập về. Mảnh đất này xưa kia có nhiều chuyện khá kỳ lạ.
1. Tứ Liên hình thành từ triều Lý, khi các vua chủ trương mở mang kinh đô Thăng Long về phía Tây và Tây Nam đã cho di dân ra bãi ven đê phía Bắc kinh thành và bãi nổi giữa sông Hồng. Đến triều Lê, vùng này trở thành một trang, có tên chữ là Bảo Châu trang. Cái tên Tứ Tổng ra đời là do dân 4 tổng của huyện Vĩnh Thuận gồm: Nội, Thượng, Trung, Hạ sinh sống ở đây.
Năm 1889, khi chính quyền Pháp lập vùng đệm làm hàng rào an ninh để ngăn chặn nghĩa quân vào đánh phá nội thành thì Tứ Tổng trở thành ngoại ô Hà Nội. Rồi Tứ Tổng thuộc Đại lý đặc biệt Hoàn Long, đất huyện Hoàn Long vốn thuộc tỉnh Hà Đông, nhưng điều hành về hành chính lại do Đốc lý Hà Nội. Đến năm 1954, Tứ Tổng chính thức được coi là một xã thuộc quận Lãng Bạc, ngoại thành Hà Nội.
Ở đâu có dân ở đó có chùa, có đình, nhưng vì sống ở bãi nên chùa và đình của Tứ Tổng nằm ở bãi giữa. Chùa Tứ Tổng có tên chữ là Tam Bảo tự, ở đây còn lưu giữ được tấm bia cổ dựng từ năm 1631 đời Lê Thần Tông. Văn bia cho biết, chùa Tam Bảo thờ thần Ngô Văn Long, tướng của Hùng Vương thứ 18, đã có công đánh giặc Hồ Lư. Sau khi dẹp xong quân giặc, ông đóng binh ở Xuyên Bảo Châu, rồi mất ở đây và được dân thờ phụng.
Nhưng có một chuyện về chùa Tứ Tổng. Ấy là khi cả 4 thôn đã thống nhất ngày giờ khởi công xây chùa thì dân Vạn Bảo đến muộn nên các bô lão chỉ cho góp một chân cột. Bất bình, dân Vạn Bảo về xây chùa riêng lấy tên là Vạn Ngọc tự nằm gần Tam Bảo tự. Đình Tứ Tổng thờ 3 anh em Nguyễn Bảo, Nguyễn Minh (sinh đôi) và Nguyễn Thị Ý (tức Hạnh).
Vào thời Lý Nam Đế giặc phương Nam ra xâm lấn, Nguyễn Bảo và Nguyễn Minh đã mộ dân đi đánh giặc. Sau khi chiến thắng, 2 ông hóa ở trang Bình Lãng, Bạch Hạc. Còn bà Nguyễn Thị Ý lúc đang hái dâu ở bãi nổi thì bị nước dâng đột ngột cuốn đi. Dân làng đã tìm vớt được thi thể đem táng ở bãi, nhưng vì trên trán bà có hình chén ngọc nên dân làng gọi là mả Bà Chén.
2. Mùa mưa năm 1883, lũ sông Hồng lớn chưa từng thấy làm vỡ đoạn đê ngay khu Đồn Thủy (nay là khu vực từ Bệnh viện Hữu Nghị lên tới Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), nước tràn vào thành phố. Và năm nào lũ lớn thì đoạn đê này lại bị uy hiếp, do vậy chính quyền Pháp cho đắp đê quai từ An Dương lên Tứ Tổng với mục đích nắn dòng bắt nước chảy sang bờ bên kia, kết quả là sông đã đổi dòng, bãi bồi bên nội đô rộng dần ra, còn bãi bên Đông Anh bị thu hẹp.
Trước khi có đê quai, phần lớn dân Tứ Tổng sống ở bãi giữa và phần còn lại thì cư ngụ ở bãi chân đê. Vì là đất bãi, tùy theo năm nước to hay nước nhỏ mà lở bên này hay bên kia, nên đất được chia theo kiểu “khúc cá”. Tức là mỗi thôn được chia chiều ngang 36 mét, nhưng các thôn nằm xen kẽ nhau để nếu bãi bị lở (hay bồi) thì các thôn cùng thiệt hoặc cùng có lợi. Chính cách chia này khiến dân Tứ Tổng không xảy ra xích mích về đất đai.
Từ lâu, dân Tứ Tổng sống chủ yếu bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, ngoài ra họ còn trồng một số loại cây mầu như ngô, khoai, bí đỏ… Nhưng sự khác biệt so với vùng xung quanh là Tứ Tổng có nghề thợ xẻ và nghề đóng thuyền gỗ. Đây là nơi duy nhất đóng thuyền gỗ của Hà Nội xưa.
Ở vùng đất này có một ngày giỗ gọi là “giỗ trận Tứ Tổng”. Chuyện là trong 2 đêm 17 và 18-2-1947, dân Tứ Tổng đã huy động 44 chiếc thuyền để chở cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô vượt vòng vây quân Pháp sang vùng đất tự do bên kia sông Hồng. Lợi dụng trời tối, thời tiết lại mưa phùn gió rét, dân Tứ Tổng cùng du kích đã chở hàng trăm chiến sỹ và vũ khí sang bãi giữa, sau đó lại vác thuyền qua bãi giữa tiếp tục chở bộ đội sang bến Dâu Canh.
Sáng 19-2-1947, quân Pháp mới phát hiện ra đường rút của Trung đoàn Thủ đô và tổ chức truy kích. Thế nhưng quân Pháp lại bị lực lượng tự vệ cùng tiểu đội du kích Hồng Hà do tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy đánh chặn quyết liệt kìm chân tại bãi Phúc Xá và cuối bãi giữa khu B. Vì lực lượng quá chênh lệch, cuối cùng cả tiểu đội du kích và một số tự vệ đã anh dũng hy sinh. Thất bại vì không tiêu diệt được Trung đoàn Thủ đô, quân Pháp đã xông vào 3 làng Tứ Tổng, Tam Lạc, Tầm Xá đốt phá, giết hại 27 người dân khu B Tứ Tổng, phá hết các con thuyền, bắt 70 người dân mang đi tra khảo. Vì thế ngày 19-2 hàng năm trở thành ngày giỗ của vùng này.
3. Xưa Tứ Tổng có tục lệ rất đẹp là cứ sáng sớm 1 Tết, cha mẹ dẫn con cái mang theo “đạo cụ” giả làm ăn mày đến nhà ông bà nội. Khi gần đến nơi, tất cả dừng lại mặc quần áo rách, đội nón lá, chống gậy đi vào sân. Lúc đó ông bà nội ra đón và móc tiền lẻ ra mừng tuổi cho từng đứa cháu. Rồi cả nhà cùng bỏ “đạo cụ” vào trong nhà chúc sức khỏe ông bà. Nếu con trai lấy vợ thiên hạ cũng phải theo tục này. Mục đích của tục lệ là giáo dục cho con cái biết quý trọng đồng tiền. Năm 1945, vì bị cho là hủ tục nên truyền thống này bị bãi bỏ.