Những phóng viên, nhà báo tiêu biểu
Tháng 6, những người làm báo trong tỉnh lại phấn khởi tổ chức các hoạt động ý nghĩa chào mừng 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2024). Trong không khí rộn ràng ngày hội của những người làm báo, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với một số phóng viên (PV), nhà báo (NB) để nghe họ kể về chuyện làm nghề.
Vượt khó để trưởng thành
Mười năm gắn bó với nhiệm vụ PV cơ sở giúp chị Kim Ngân (Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) thêm yêu nghề, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần định hướng dư luận xã hội địa phương.
Chị Kim Ngân chia sẻ, không như PV thuộc các cơ quan báo chí cấp Trung ương, cấp tỉnh với nhiều điều kiện thuận lợi hơn về mặt tác nghiệp và cơ sở vật chất, PV trung tâm văn hóa - thông tin và truyền thanh hoạt động trong điều kiện khó khăn hơn do nguồn nhân lực “mỏng”, thiếu trang thiết bị kỹ thuật.
Không chỉ thường xuyên làm việc với cường độ cao mà đôi khi chị cũng như các đồng nghiệp khác phải đảm đương nhiều vai trò của người làm báo ở nhiều loại hình khác nhau: Báo viết, báo hình, báo nói. Với chị, đi tác nghiệp thường một mình, vừa hì hục vác máy quay, quay phim, phỏng vấn, vừa phải tập trung cao độ nắm bắt, thu thập thông tin tư liệu cần thiết cho hoạt động nghiệp vụ,...
Mặc dù công việc chẳng khác gì những cơ quan báo chí khác, thế nhưng, “đài huyện” không được công nhận là cơ quan báo chí mà chỉ là cơ quan tuyên truyền do UBND huyện quản lý nên hầu hết PV không được cấp thẻ NB để tác nghiệp. Tuy nhiên, niềm vui lớn nhất của chị Kim Ngân là hàng năm, “những đứa con tinh thần” được tham gia vào “sân chơi” Giải Báo chí tỉnh và đoạt giải. Đó là những tác phẩm tiêu biểu như Phân loại rác thải tại nguồn: Trả món nợ “treo” 10 năm; Xây dựng đô thị thông minh từ “thí điểm” đến “hiện thực”; Có một Nghị quyết của Đảng khơi dậy sức dân;... “Mỗi mùa giải, tôi lại trưởng thành hơn với nghề, học hỏi được nhiều điều từ trải nghiệm do nghề đem lại cũng như những tác phẩm của các anh chị đồng nghiệp. Tôi nghĩ rằng, nghề nào cũng có những khó khăn, vất vả nhất định, song nếu mình có đam mê, nhiệt huyết thì có thể vượt qua” - chị Kim Ngân bộc bạch.
Với anh Huỳnh Du, trước khi về công tác tại Báo Pháp Luật TP.HCM, anh từng có nhiều năm công tác tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Truyền thanh huyện Thủ Thừa. Sau khi chuyển công tác, bước đầu anh gặp không ít khó khăn. Đó là việc tiếp cận thông tin cấp huyện hẹp, thông tin đa chiều còn ít, những vấn đề phản ánh khó có thể tiếp cận,... Sau khoảng 2 năm công tác tại đây, anh tiếp tục nỗ lực, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tòa soạn. Anh Huỳnh Du tâm sự: “Chuyển từ cơ quan truyền thông cấp huyện sang một môi trường mới, nhất là ở cơ quan chuyên về luật, thường xuyên phải dự tòa và đưa tin ở lĩnh vực nội chính, tôi phải học tập thật nhiều từ các đồng nghiệp ở Báo Pháp Luật TP.HCM cũng như các đồng nghiệp báo bạn, học từ sách, Internet,... Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, tôi phải học thêm cách làm báo đa phương tiện để bảo đảm thông tin nhanh nhạy nhưng phải chính xác và đầy đủ”.
Anh Huỳnh Du cho rằng, để có một tác phẩm báo chí tiêu biểu, PV, NB cần phải kiểm chứng thông tin, có hình ảnh, video đẹp, rõ; câu chữ trình bày ngắn gọn, súc tích;... Đặc biệt, PV, NB cần đi cơ sở để có những tin, bài phản ánh chân thực, khách quan thực tế cuộc sống và có độ tin cậy cao nhất. Cũng chính vì vậy mà thời gian gần đây, anh cũng là gương mặt thân quen của Giải Báo chí tỉnh ở thể loại ảnh báo chí và báo điện tử.
Giữ cho “bút sắc, lòng trong”
Thời gian qua, đội ngũ những người làm báo trong tỉnh kịp thời tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo bạn đọc. Nhiều PV, NB không ngại khó khăn, thường xuyên đi cơ sở để có những tác phẩm báo chí mang “hơi thở” cuộc sống.
NB Kiên Định (Báo Long An) trải lòng, nghề báo luôn có nhiều áp lực. Để tạo ra những tác phẩm hay, ý nghĩa, làm lay động trái tim người đọc,... cần nhiều yếu tố. Người làm báo phải trải nghiệm thực tế, có bản lĩnh, vững vàng trước cám dỗ về vật chất, nhất là những NB phụ trách mảng bạn đọc - pháp luật.
“Tôi vẫn thường chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp của mình rằng: Cứ dấn thân và đam mê hết mình với nghề, chắc chắn có một ngày, duyên nghề sẽ đến, nghề sẽ trả nghĩa cho chính những nỗ lực dấn thân của bạn. Với tôi, yêu nghề chính là yêu bản thân mình, là tôn trọng những cảm xúc của chính mình và làm nghề chính là làm giàu cho tâm hồn mình. Hơn 10 năm trong nghề, cũng có khi tôi đã “dễ dãi” với tác phẩm của mình. Nhưng rồi nghĩ lại, với trách nhiệm mang thông tin đến với bạn đọc, tôi luôn ghi nhớ và dặn lòng phải luôn khách quan, công tâm, trung thực trong quá trình tác nghiệp và thực hiện các tác phẩm báo chí” - anh Kiên Định nói.
Thông tin từ Hội NB Việt Nam tỉnh, hiện nay, các cơ quan báo chí trong tỉnh không ngừng phát triển, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ báo chí được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh về số lượng, tinh thông về nghiệp vụ, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, tích cực rèn luyện đạo đức nghề báo.
Hầu hết NB đều phát huy được vai trò của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực đấu tranh với cái sai trái, cái xấu, bảo vệ cái tốt, nhân tố tích cực trong cuộc sống,... Đặc biệt, những năm qua, đội ngũ PV, NB và hội viên Hội NB Việt Nam tỉnh không có người vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị xử lý kỷ luật.
Tại cuộc đến thăm, chúc mừng các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa khẳng định, thời gian qua, báo chí Long An không ngừng đổi mới và phát triển, đội ngũ những người làm báo tăng cả về số lượng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn đặt ra. Từ đó, những thông tin về Long An được lan tỏa rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và cả nước.
Tuy nhiên, trước những biến đổi không ngừng của xã hội, báo chí Long An đang gặp không ít thách thức. Đó là sự cạnh tranh của mạng xã hội, tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường,... Vì vậy, ông Phạm Tấn Hòa mong rằng, đội ngũ những người làm báo trong tỉnh cần phải bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, rèn luyện đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, nhất là phải luôn giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”./.
Tỉnh hiện có 4 cơ quan báo chí: Báo Long An; Đài Phát thanh và Truyền hình Long An; Tạp chí Kinh tế - Công nghiệp Long An; Tạp chí Văn nghệ Long An; đồng thời, có 2 văn phòng đại diện tại Long An là Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam và Báo Nhân Dân; 59 phóng viên, nhà báo thuộc 46 cơ quan báo chí ngoài tỉnh đăng ký tác nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các tác phẩm báo chí thời gian qua đã phản ánh sinh động, khách quan, đầy đủ, kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thành tựu phát triển KT-XH, những điểm nổi bật về đất và người Long An,...
Cộng tác viên - "Cánh tay nối dài" của tòa soạn
Đội ngũ cộng tác viên được xem là “cánh tay nối dài” của tòa soạn.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-phong-vien-nha-bao-tieu-bieu-a178010.html