Những phụ nữ không có ngày 8/3

Quốc tế Phụ nữ 8/3 là ngày tôn vinh và thể hiện sự yêu thương, trân trọng phái đẹp. Tuy nhiên, không ít phụ nữ vì hoàn cảnh mà vô tình đã “bỏ quên” ngày ý nghĩa này. Thay vì được nhận hoa và quà, điều họ mong muốn là kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

Đối với nhiều phụ nữ, món quà ngày 8/3 là bán được hàng, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống

Đối với nhiều phụ nữ, món quà ngày 8/3 là bán được hàng, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống

Cửu vạn là nghề không còn quá xa lạ đối với những người lao động nghèo phải bán sức lao động để kiếm sống. Vất vả, cực nhọc là thế, nhưng nhiều lao động trong nghề này lại là phụ nữ, đa phần họ sống ở những vùng nông thôn, hoặc ven thành phố.

Tại một công trình đang xây dựng trên địa bàn phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Liên, quê ở xã Cao Phong, huyện Sông Lô làm nghề bốc gạch thuê.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Liên chia sẻ: “Tôi đi theo chủ thầu xây dựng đã được 8 năm. Cứ xong việc đồng áng, mùa vụ ở nhà là tôi lại theo họ lên thành phố làm việc. Do chồng tôi mất khả năng lao động, nên tôi là lao động chính trong nhà, cố gắng kiếm tiền chăm sóc chồng và con nhỏ. Tiền công mỗi ngày cho thợ phụ chỉ 150.000 - 200.000 đồng mà không phải lúc nào cũng có việc thường xuyên, gom góp cả tháng đủ tiền chi tiêu sinh hoạt là mừng lắm rồi, nên tôi không có điều kiện và thời gian quan tâm đến ngày 8/3 như những phụ nữ khác".

Còn chị Nguyễn Thị Tuyết, quê ở xã Kim Long, huyện Tam Dương - công nhân Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên với thâm niên hơn 10 năm làm việc cho biết: “Chị em lao công như chúng tôi đi làm vào ngày 8/3 còn vất vả, cực nhọc hơn những ngày thường, bởi những dịp lễ, Tết, lượng rác thải dân sinh cũng như từ các cơ quan, doanh nghiệp thường nhiều hơn.

Mấy năm nay do thường xuyên phải làm thêm ca tối, công việc vất vả, gia đình cũng không có điều kiện, nên từ lâu tôi không nhận được hoa vào ngày 8/3. Nhưng làm nghề này cũng có cái vui của nó, hôm sau đi làm, tôi cũng nhặt được nhiều những bó hoa còn tươi, đẹp bị bỏ lại. Nhiều khi thấy tiếc nên lại đem hoa về nhà cắm rồi tự an ủi là mình cũng có hoa trong ngày đặc biệt này”.

Nhà ở thị trấn Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, nhưng cứ khoảng 5 giờ hằng ngày, chị Đỗ Thị Thanh Thúy lại chở hoa xuống chợ Vĩnh Yên để bán. Trong những ngày lễ, đặc biệt là ngày 8/3, dường như chị Thúy đã quen với việc chào hàng để hoa bán đắt khách và những dịp như thế, chị cũng không nghĩ đến việc được nhận hoa và quà.

Vừa thoăn thoắt bó hoa cho khách, chị Thúy vừa kể: “Mùng 8/3 là dịp khiến tôi vui vẻ, hạnh phúc bởi lượng khách đặt hoa, mua hoa đông hơn ngày thường. Những năm trước khi chưa xuất hiện dịch Covid-19, hoa tươi nhập về đều bán hết trong ngày nên thu nhập cũng cao hơn. Không chỉ bán hoa tươi để cắm, tôi còn làm thêm cả hoa bó với những kiểu mẫu phong phú để khách hàng dễ lựa chọn.

Vào dịp 8/3, tôi thường nghĩ mình cố gắng có hoa đẹp đem bán để những người phụ khác được mua tặng, còn mình có thể kiếm thêm đồng ra đồng vào lo cho các con ăn học. Với tôi, đó cũng là món quà tinh thần vui vẻ”.

Chị Thúy chia sẻ thêm: “Năm nào cũng thế, vào dịp này, tôi đều bận từ sáng sớm đến tối muộn. Chồng tôi đi làm về sớm cũng tranh thủ ra giúp vợ bán hàng, hai vợ chồng mãi đến đêm mới về nhà”.

Cách đó không xa, các chị bán hàng rong cũng cho rằng ngày 8/3 không có ý nghĩa nhiều đối với mình. Ngày lễ, họ không mong muốn gì hơn ngoài việc đắt khách, nhanh hết hàng để được về nhà sớm lo cơm nước cho gia đình. Phần lớn họ đều là người lao động vất vả với nguồn thu nhập bấp bênh. Vì gánh nặng cơm áo gạo tiền mà họ "quên" đi ngày kỷ niệm dành cho mình.

Hòa cùng không khí tươi vui của ngày lễ tôn vinh người phụ nữ, trên các tuyến đường, đâu đâu cũng thấy những sạp hoa với đủ màu sắc bắt mắt, nhiều người tấp nập chọn mua hoa, mua quà để trao tặng cho những người phụ nữ của mình. Tuy nhiên, ở đâu đó, còn nhiều nữ lao động ngày đêm vất vả lo cho cuộc sống. Với họ, hành phúc không chỉ là được nhận những bó hoa, món quà trong ngày 8/3, mà hơn hết là cố gắng kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Họ là những người phụ nữ tần tảo, "một nắng hai sương" và xứng đáng được xã hội tôn vinh.

Bài, ảnh: Thảo My

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/74597/nhung-phu-nu-khong-co-ngay-83.html