Những phụ nữ nghèo tự nguyện hiến đất làm đường
Mặc dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng khi địa phương có chủ trương làm đường giao thông, nhà văn hóa và các công trình phúc lợi khác họ lại sẵn sàng nhường 'tấc vàng' của mình vì lợi ích chung. Hai người phụ nữ mà chúng tôi kể dưới đây là những người nghèo nhưng có nghĩa cử cao đẹp, đầy sức lan tỏa.
Về xóm Giữa 1, xã Văn Yên (Đại Từ) chúng tôi rất ngạc nhiên trước khu nhà văn hóa mới được xây dựng rộng rãi, khang trang, có sân, có bục sân khấu ngoài sân và trong nhà, có tường rào bao quanh. Trong sân nhà văn hóa, một vài người dân đang tranh thủ phơi thóc.
Anh Trần Văn Tuấn, Trưởng xóm Giữa 1 thông tin:Xóm có nhà văn hóa khang trang như thế này, người có công đầu tiên và lớn nhất phải kể đến cụ bà Lê Thị Thái. Cụ Thái năm nay đã 90 tuổi, năm 2011, xóm có chủ trương làm nhà văn hóa nhưng không có đất. Cụ Thái đã xung phong hiến gần hết phần đất thổ cư của mình với diện tích 830m2. Được biết, trước đó, cụ cũng hiến gần 50m2 để xã làm đường giao thông. Năm 2012, cụ được Chủ tịch UBND huyện Đại Từ chứng nhận, biểu dương trong phong trào hiến đất làm đường giao thông và các công trình phúc lợi (giai đoạn 2001-2011).
Việc hiến hàng trăm mét vuông đất của cụ bà khiến nhiều người khâm phục. Bởi lẽ ở Văn Yên, khi nhắc đến hoàn cảnh của cụ ai cũng mủi lòng thương cảm. Cụ mất mẹ khi tròn 2 tuổi, đôi mắt bị mù khi mới lọt lòng. Lớn lên trong nghèo khó, cụ thường xuyên phải đi ở đợ và sống trong sự thiếu thốn tình cảm gia đình. Bởi hoàn cảnh vậy nên cụ sống độc thân, không có người thân chăm sóc.
Lưng còng gập lại như con tôm, cụ vừa mò mẫm bước từng bước vào trong nhà vừa nói như cởi tấm lòng: Trước đây nhà tôi nằm giữa khu đất, nhưng để tiện xây dựng nhà văn hóa, xóm đã san phẳng hết và xây cho tôi một căn nhà nhỏ nằm cạnh đây. Ngày ngày thấy bà con trong xóm đi lại, sinh hoạt thể thao, hội họp tôi thấy vui lắm, có người khuyên tôi đến Trung tâm Bảo trợ xã hội nhưng tôi không đi. Bởi tôi nghĩ, không gì được sống ở nhà của mình, vả lại nếu đi tôi nhớ bà con, xóm làng lắm. Sau này tôi mất, chỗ đất còn lại cũng sẽ tặng hết cho xóm.
Cũng giống như cụ Thái, việc hiến đất của hai vợ chồng người phụ nữ nghèo bà Triệu Thị Việt và ông Dương Quý Đường, xóm Tân Sơn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) có sức lan tỏa mạnh mẽ. Trước đây, tuyến đường từ xóm Tân Thịnh, xã Văn Lăng đi xóm Hạ Sơn, xã Thần Sa (Võ Nhai) rất khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2019, xã Văn Lăng được UBND huyện Đồng Hỷ đầu tư xây dựng tuyến đường với dài 6km. Khi cán bộ xã đến thông tin, vận động người dân trong xóm hiến đất làm đường, gia đình bà Việt không ngần ngại hiến khoảng 1.000m2 đất bao gồm đất rừng, đất nương bãi, đất lúa và cả đất thổ cư. Thời điểm đó, gia đình bà đang rơi vào tình cảnh rất khó khăn khi trong nhà có 4 người thì 3 người không có khả năng lao động. Kinh tế gia đình đều trông vào mấy sào chè, nhưng do tuổi cao, sức yếu việc thu nhập từ chè cũng không đáng là bao.
Trong căn nhà cũ xập xệ, bà Việt bảo: Chịu cảnh đi đường xấu mãi rồi thấm nỗi vất vả lắm, nên Nhà nước làm đường cứ qua đất của tôi tới đâu tôi sẵn sàng hiến tới đó thôi. Năm 2000, gia đình tôi đã hiến đất một lần rồi lúc đó từ đường mòn thành đường đất rộng, giờ thì đổ bê tông rộng hơn nữa. Mình hiến đất không chỉ mình hưởng lợi trước mắt mà anh em, con cháu mình sau này cùng hưởng. Từ việc đi đầu hiến đất của gia đình bà, nhiều gia đình trong xóm noi theo, khiến công tác vận động nhân dân hiến đất của địa phương thuận lợi và nhanh chóng hơn.