Những phụ nữ rà phá bom mìn ở Lebanon: Thay đổi quan niệm 'công việc của nam giới'
Sau nhiều thập kỷ chiến tranh, ngày càng có nhiều phụ nữ ở Lebanon tham gia tháo gỡ mìn và các thiết bị điện tử gây chết người trên các cánh đồng, thành phố ở quê hương họ - nơi từng xảy ra chiến tranh. Tuy đây là công việc nguy hiểm nhưng nó giúp tái thiết cuộc sống của người dân.
Khider, 28 tuổi, hiện sống tại Sinjar là một phụ nữ tham gia việc khắc phục tàn tích chiến tranh. Cô sống cùng chồng và 3 đứa con trong một ngôi làng gần núi Sinjar, nơi cô cho biết "rất đặc biệt đối với cộng đồng người dân". Đây là nơi mà cô và hơn 40.000 người Yazidis đã trú ngụ trong nhiều tháng khi chạy trốn khỏi Nhà nước Hồi giáo vào năm 2014. Sau một cuộc diệt chủng, theo Liên Hợp Quốc đã có đến 5.000 người Yazidis bị tàn sát và khoảng 7.000 phụ nữ và trẻ em gái bị bắt và bán làm nô lệ tình dục cho các thành viên IS.
Khider kể lại: "Chúng tôi lo sợ cho mạng sống của mình, IS bao vây ngọn núi". May mắn thay, cô trốn thoát đến Kurdistan. Cô sống trong trại dành cho người di cư cho đến khi làng được giải phóng. Gia đình cô trở về vào tháng 5 năm 2016. Vài tháng sau, cô xin vào làm công việc rà phá bom mìn tại nhóm Mines Advisory Group (MAG), một tổ chức từ thiện chuyên tìm và tháo gỡ bom mìn ở những nơi xảy ra chiến tranh, xung đột.
"Tất cả những người Yazidis đều muốn làm điều gì đó để khiến vùng Sinjar trở lại như trước lúc chưa xảy ra chiến tranh. Vì vậy, khi tôi nghe nói về một tổ chức loại bỏ tàn tích chiến tranh và giải phóng vùng đất khỏi nguy cơ chết chóc, tôi cảm thấy háo hức với công việc này" - Khider, một phụ nữ tham gia đội tháo gỡ bom mìn - chia sẻ
Vùng đất trung tâm của người Yazidi vẫn bị ảnh hưởng từ khủng bố IS. Các vật liệu chưa nổ do chiến tranh để lại như súng cối, đạn và lựu đạn vẫn còn ở khắp mọi nơi. Chúng có bên trong các hộp đựng, nồi nấu, điện thoại di động, thậm chí cả đồ chơi trẻ em. Các đội rà phá bom mìn phải cẩn thận rà soát mọi nơi và tìm kiếm trong nhiều ngôi nhà để xác định các thiết bị điện tử có thể gây hại đến người dân địa phương. Đầu tháng 12 năm ngoái, 4 đứa trẻ đang chơi ở làng Qabasiya, cách Sinjar không xa thì 2 đứa thiệt mạng sau khi giẫm phải thiết bị gây nổ. Hai đứa trẻ còn lại được đưa đến bệnh viện với thương tích nguy kịch. Vì vậy, đây là lý do Khider và nhiều phụ nữ Yazidi khác tích cực tham gia vào công việc này.
Thay đổi quan niệm "công việc của nam giới"
Công việc gỡ bom mìn từng được coi là "công việc của nam giới", một phần vì sự nguy hiểm và một phần vì nó cần đến sức khỏe. Tuy nhiên, quan điểm này đang dần dần thay đổi.
Khider đang giám sát một nhóm tháo gỡ bom mìn gồm 14 thành viên. Công việc của cô bắt đầu lúc 5 giờ sáng, đến nơi nhận hướng dẫn và gặp thành viên của nhóm mình. Sau đó, họ lái xe đến một ngôi làng và tháo gỡ bom mìn cho đến khoảng 2 giờ chiều. Ngoài cánh đồng, mỗi bước đi của Khider đều đầy rẫy nguy hiểm, nhưng chúng cũng đưa cô đến gần hơn với quê hương Sinjar mà cô từng mơ ước lúc nhỏ - một vùng quê yên bình, không có bom đạn.
"Khi tôi và nhiều phụ nữ khác lần đầu tiên làm công việc phá gỡ bom mìn, dường như mọi người cho rằng đó là một điều kỳ lạ. Nhưng họ cũng rất cởi mở với điều đó. Tôi nhận được sự ủng hộ từ chồng, gia đình, người thân và những người sống ở nơi mà chúng tôi đến gỡ bom mìn" - Khider chia sẻ khi nói việc một phụ nữ tháo gỡ bom mìn.
Holivan Khero, 22 tuổi, một phụ nữ gỡ bom từ ngôi làng gần đó chia sẻ: "Trong cộng đồng của chúng tôi, nam và nữ đều bình đẳng. Vì vậy, tôi cũng là một chiến binh đóng góp cho làng. Mọi người tự hào về chúng tôi".
Gia đình cô chuyển đến Đức sau một cuộc diệt chủng, nhưng cô ở lại Sinjar để giúp xây dựng quê hương của mình. "Nếu chỗ của chúng tôi không bị ảnh hưởng và không có nguy hiểm từ bom đạn, gia đình tôi sẽ vẫn ở đây", cô nói. Bức tường phía sau lưng cô là tấm bản đồ miền bắc Iraq, những chấm đỏ đánh dấu các khu vực có bom mìn còn lưu giữ những tàn tích do chiến tranh.
Năm 2016, MAG là tổ chức rà phá bom mìn đầu tiên ở Iraq có phụ nữ tham gia vào. Tổ chức này hiện có 24 phụ nữ Yazidi làm việc. Jack Morgan, giám đốc MAG tại Iraq cho biết họ đang có kế hoạch thuê thêm 10 phụ nữ từ Mosul trong những tuần tới.
"Tôi cảm thấy mình như là một con người mới"
Lebanon là một quốc gia Trung Đông khác bất chấp các chuẩn mực giới khi nhắc đến các vấn đề tháo gỡ mìn. Nam Lebanon là vùng đất màu mỡ với những vườn ô liu, táo cũng như các loại cây trồng khác như mơ, sung, thuốc lá. Tuy nhiên theo MAG, kể từ năm 2006, 70 người đã thiệt mạng và 470 người bị thương do bom mìn ở Lebanon.
Hala Naame, 31 tuổi, là một phụ nữ làm việc trong tổ chức rà phá bom mìn MAG. Cô đến từ một ngôi làng gần Nabatieh, thành phố nơi MAG đặt trụ sở. Cô làm việc từ bình minh đến chiều tối. Bên ngoài, cô mặc lớp áo bảo vệ nặng nề để đảm bảo an toàn, nhưng vẫn không hề bối rối khi làm việc.
"Khi tháo gỡ bom mìn, tôi nghĩ đến việc ưu tiên bảo vệ bản thân vì tôi còn gia đình," cô nói trong giờ nghỉ trưa. Cô có một cậu con trai 5 tuổi.
Tính đến năm nay, MAG đã rà phá gần 15.000 quả mìn ở Lebanon. Mofida Majzoub, 40 tuổi, đến từ Sidon, là giám sát địa điểm hoạt động của tổ chức phi chính phủ ở phía đông bắc, một khu vực gần với biên giới Syria. Cô trước đây là một nhiếp ảnh gia tự do, nhưng sau 25 ngày đào tạo vào năm 2016, cô đã trở thành một chuyên viên thiết kế. Năm 2019, cô được thăng chức làm giám sát và hiện đang quản lý một đội gồm 12 người. "Tôi đảm bảo rằng mình đang tiến hành các quy trình an toàn để đảm bảo an toàn cho những người rà phá bom mìn. Đó là một trách nhiệm lớn lao, mặc dù một số người bạn của tôi cho rằng điều này thật điên rồ", cô cười.
Với công việc này, phụ nữ góp mặt trong mọi khâu của quá trình rà phá bom mìn, từ cán bộ liên lạc cộng đồng đến trưởng nhóm và điều phối viên chương trình. Năm 2019, một cuộc khảo sát của Mines Action Canada đối với 12 tổ chức phi chính phủ tham gia rà phá bom mìn trên khắp thế giới, bao gồm MAG, Halo Trust và Nhóm rà phá bom mìn Đan Mạch, thấy rằng phụ nữ chỉ chiếm 20% nhân viên hoạt động. Hiba Ghandour, nhân viên đa của MAG tại Lebanon, cho biết việc thu hút nhiều phụ nữ hơn vào các vị trí của hoạt động này sẽ mất nhiều thời gian.
Người này lưu ý: "Đó là một quá trình lâu dài nhưng chúng tôi đang tiến đến gần hơn với điều ấy. Không có quy tắc cụ thể, chúng tôi luôn không ngừng học hỏi. Mọi người không nên cho rằng có công việc nào đó mà phụ nữ không thể làm". Đặc biệt với tình hình kinh tế hiện tại của Lebanon, việc trao cơ hội cho phụ nữ là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Arianna Calza Bini, Giám đốc Chương trình Giới và Hành động Bom mìn (GMAP), một bộ phận của Trung tâm Rà phá bom mìn Nhân đạo Quốc tế Geneva, tổ chức các buổi đào tạo lồng ghép giới cho những người làm công tác khắc phục hậu quả bom mìn trên khắp thế giới. Cô nhớ lại một vài buổi làm việc với những phụ nữ ở Trung Đông, những người nói với cô rằng các đồng nghiệp nam liên tục hỏi họ những câu như họ làm gì ở đây, tại sao lại không ở nhà với con cái hay tại sao không phải là người chồng làm điều này. Cô giải thích: "Thường thì việc tháo gỡ bom mìn được coi là một lĩnh vực mà chủ yếu là những người cựu quân nhân làm".
Shahad Alobaid, 30 tuổi, là sĩ quan liên lạc của UNMAS ở Mosul, Iraq, nơi cô đóng vai trò quan trọng trong việc liên lạc với người dân địa phương, thu thập thông tin về các loại bom mìn chưa nổ và ưu tiên các nhiệm vụ cho đội rà phá bom mìn. Cô đang học năm cuối tại Đại học Mosul khi IS xâm lược vào năm 2014.
Khu phố của Alobaid đã được giải phóng bởi quân đội Iraq vào tháng 1 năm 2017. Cô bắt đầu làm việc cho một công ty tháo gỡ bom mìn tư nhân vào tháng 4/2017 với vai trò thông dịch viên và sau đó là nhân viên liên lạc của UNMAS.
Aloboid chia sẻ: "Tôi là cô gái duy nhất trong đội ở Mosul. Hầu hết họ đều là những cựu quân nhân đã từng giữ các cấp bậc cao hơn như cấp tướng và cấp úy". Cô nói rằng phải mất thời gian để những người ở đây chấp nhận cô: "Tôi phải chứng minh cho họ thấy rằng tôi có thể làm được điều này".
Mẹ của Alobaid đồng ý để con gái của mình làm công việc khắc phục hậu quả bom mìn với một điều kiện: "Mẹ tôi bảo không được nói với bất kỳ ai, như người thân hay hàng xóm của chúng tôi, những gì tôi đang làm. Thay vào đó hãy nói với họ rằng tôi đang làm việc ở trường đại học". Bí mật này kéo dài trong 9 tháng. "Khi mẹ nhìn thấy sự tự tin của tôi khi giao tiếp với mọi người và giúp đỡ cộng đồng, bà đã rất tự hào!", cô kể.
Giống như nhiều phụ nữ khác làm công tác khắc phục hậu quả bom mìn, Alobaid đang góp phần vào việc xây dựng lại thành phố từng bị chiến tranh tàn phá. Qua công việc này, cô không chỉ góp phần tái thiết quê hương mà còn xây dựng lại chính mình. Cô nói: "Tôi cảm thấy mình như là một con người mới".
Nguồn: The Guardian
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-phu-nu-ra-pha-bom-min-o-lebanon-2021030218260933.htm