Những phút cuối cùng của nhà cách mạng Che Guavara
Ngày 8/10/1967, nhà cách mạng Che Guevara cùng một số đồng đội bị lính biệt kích Bolivia dưới quyền Đại úy Prado Salmon bắt ở vùng núi Yuro.
Mờ sáng 9/10, Đại úy Prado nhận được bức điện với quyết định của Tổng thống Bolivia-Barrientos yêu cầu xử tử những người bị bắt, nhưng phải chờ Đại tá Joaquin Zenteno Anaya lát nữa đến bằng trực thăng.
Trong lúc chờ đợi, một thầy giáo đem đến cho Che một ít súp, một người lính rửa sạch vết thương cho Che, một người linh mục cũng vội đến song không có việc gì làm vì Che từ chối xưng tội. Ba người này ngẫu nhiên trở thành những người chứng kiến cảnh tượng lịch sử đã biến người chiến sĩ bị hành quyết trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Trước khi hành quyết, người ta chụp cho Che ba tấm ảnh bằng chiếc máy Pentax của nhân viên CIA Felix Rodriguez mà mãi mấy chục năm sau mới được công bố. Che không nhìn vào máy ảnh. Đôi tay bị còng, đặt trên bụng. Mái tóc dài cột chặt về phía sau, chiếc áo sơ mi bị dứt hết cúc. Nhà cầm quyền cố tình trình bày hình ảnh Che như một kẻ tội phạm.
Họ cũng cố tình kéo dài sự việc. Du kích Simeon Cuba cùng một chiến sĩ khác là Chang bị bắn trước. Trung sĩ Mario Teran tình nguyện nhận thi hành bản án. Nhưng khi bước vào căn phòng, y lại co rúm người vì sợ hãi. Che ngồi trên nền nhà, lưng dựa vào tường, nhìn viên trung sĩ đang run rẩy và giục: “Bắn đi, đồ hèn, mày sắp giết một con người”.
Teran lùi lại, nhắm mắt và bóp cò. Một loạt, loạt thứ hai, rồi một tên lính khác bắn bồi thêm một phát. Lúc đó là 13h10 ngày 9/10/1967.
Trong đêm hôm ấy, thi thể Che được bọc trong tấm vải nhựa và buộc vào càng máy bay trực thăng rồi đưa về thị trấn Vallegrande. Trong nhà tắm của bệnh viện, các y tá lau sạch thi hài và tỉa bớt tóc cho Che để ông trông tề chỉnh hơn, tiêm phoóc-môn để giữ xác được lâu hơn. Dân chúng xếp hàng lặng lẽ đi qua linh cữu con người được họ gọi là Thánh Ernesto mà suốt 3 thập niên sau đó họ luôn đến nhà tắm đặt hoa kỉ niệm.
Đồ dùng cá nhân của người anh hùng được chia chác như chiến lợi phẩm. Đại tá Zenteno Anaya giữ khẩu ga-răng. Nhân viên CIA Felix Rodriguez được cái túi đựng thuốc lá và chiếc đồng hồ Rolex mà Chính phủ Cuba đã tặng ông. Chiếc Rolex thứ hai – vốn là của một đồng đội tử thương nhờ Che gửi về Cuba cho thân nhân - bị Trung tá Andres Selich giữ. Kẻ trực tiếp sát hại Che, Trung sĩ Mario Teran được nhận cái tẩu thuốc còn lại.
Ngày 10/10, Đại tá Zenteno Anaya tổ chức một cuộc họp báo vội vã để loan tin về cái chết của Che ra khắp thế giới. Các phóng viên được thông báo và cho phép chụp những bức hình cuối cùng. Toàn bộ cuốn nhật kí của Che cũng được chụp.
Vài tuần sau, Chính phủ Bolivia bán bản gốc cuốn nhật kí này cho các nhà xuất bản. Một bản vi phim nhật kí được Bộ trưởng Nội vụ Antonio Arguedas gửi sang Cuba, góp phần đưa Che trở thành một nhân vật sử thi mà thế hệ trẻ trên khắp thế giới ngưỡng mộ.
Cũng trong ngày 10/10, em trai Che – luật sư Roberto Guevara đến Vallegrande để đòi di hài anh trai. Ông được trả lời là thi hài Che đã bị thiêu. Suốt nhiều năm, thế giới cũng tin điều này. Mãi đến cuối năm 1995, sự thật mới được phơi bầy.
Do ngày ấy không tìm đâu ra một cái lò hỏa thiêu, người ta đã quyết định bí mật an táng Che tại một khu mộ tập thể, riêng hai bàn tay bị cắt bỏ rồi bảo quản trong lọ. Sau này, Bộ trưởng Nội vụ Arguedas đánh cắp hai bàn tay này rồi gửi sang Cuba, cùng với bản vi phim nhật kí nói trên.
Đêm 18/10, một triệu người dân Cuba có mặt tại Quảng trường Cách mạng để tưởng niệm Người du kích anh hùng. Trong khung cảnh hoành tráng, với cảm xúc mãnh liệt, nhà lãnh tụ Cuba Fidel đã bày tỏ lòng kính trọng và nói lời tiễn biệt người đồng chí, người bạn chiến đấu của ông.
Hàng triệu, hàng triệu trái tim Cuba như dừng nhịp khi ông Fidel thống thiết: “… Che của chúng ta là một Con Người được viết hoa, một Con Người mà ngay kẻ thù cũng phải kính nể. Sự hi sinh của Che sẽ giống như một hạt mầm mà từ đó sẽ nảy nở ra nhiều người thi đua với Che, quyết tâm noi gương Che. Nếu chúng ta muốn nói chúng ta muốn các thế hệ tương lai sẽ như thế nào, chúng ta sẽ nói rằng: Giống như Che”.
“Nếu chúng ta muốn con cái chúng ta khôn lớn thành người như thế nào, chúng ta sẽ nói, với tất cả khối óc và trái tim cách mạng, rằng: Giống như Che”, ông Fidel phát biểu thêm.
Ngày 12/7/1997, di hài Che trở về Cuba trong một nghi lễ mang bầu không khí gia đình, được những người cùng Che chiến thắng trong Cách mạng 1959 tổ chức long trọng. Tháng 10 năm đó, trước giỗ lần thứ 30 của Che, một bức tượng khổng lồ tạc hình Che đang sải bước tiến về phía trước, khẩu súng sẵn sàng trong tay phải, cánh tay trái bị thương treo trong băng... được dựng tại thành phố Santa Clara, thành phố Cuba đầu tiên mà Che biết.
Phong trào du kích hầu như đã được định mệnh sắp đặt để thất bại tại Bolivia. Lực lượng du kích đã không gặp may do phải đối đầu với một lực lượng quân sự mạnh được bên ngoài hậu thuẫn. Tương quan lực lượng không tương xứng đến mức gần như không thể tránh khỏi thất bại ngay từ đầu. Nhưng chính vì thế mà Che và đồng đội đã trở thành huyền thoại. Cuộc đấu tranh của họ là biểu tượng cho tất cả các cuộc đấu tranh cao cả mà nhân loại đã chứng kiến.