Những quán ăn ấm lòng thơm thảo
Từ thiện là một nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam từ lâu đời nay. Việc làm ý nghĩa này, như đã ăn sâu vào trái tim mỗi con người. Họ trao đi trái tim thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng như một lời tri ân với cuộc đời. Và những quán phở 'treo', quán cơm 0 đồng, 1.000 đồng - 2.000 đồng với những tấm lòng thơm thảo đã giúp hàng ngàn người nghèo khó vơi bớt nhọc nhằn cuộc sống.
Mát lành bát phở, suất cơm nghĩa tình
Khởi xướng từ tháng 7/2024, quán phở “treo” với cái tên khá lạ trên phố Bảo Khánh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là điểm đến của những khách hàng đặc biệt. Họ là những người lao động nghèo, người già, người khuyết tật, trẻ nhỏ… Theo đó, quán ăn của chị Nguyễn Cát Lệ tự treo 30 bát phở mỗi ngày trích từ doanh thu của quán. Những khách hàng muốn gieo duyên thì có thể “treo” phở bắt đầu từ số 31. Các suất “treo” còn lại của ngày hôm trước chưa được dùng sẽ được quán cộng dồn sang ngày hôm sau. Ban đầu quán gắn biển phở “treo” nhiều người dân tỏ ra lạ lẫm, thắc mắc. Sau nhiều lần được nhân viên đon đả chào mời và giải thích rõ ràng câu chuyện đằng sau tấm biển phở “treo” ai cũng hiểu và nhiệt tình ủng hộ.
Ngoài phở “treo”, ở quận Hoàn Kiếm có một nhà hàng bán những suất cơm chuẩn tiêu chuẩn nhà hàng với giá 1.000 đồng đầy đủ thịt, cá dành cho người khó khăn, lao động vất vả. Quỹ thiện nguyện Tâm thương tổ chức chương trình bán những suất cơm đầy đặn, đủ chất dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm với giá chỉ 1.000 đồng vào thứ 2 hàng tuần tại Quỹ thiện nguyện Tâm Thương (Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Mỗi thứ hai hàng tuần nơi đây lại thành địa chỉ quen thuộc giúp ích cho hàng trăm người lao động khó khăn, người có hoàn cảnh đặc biệt được mua những món ăn nhà hàng với mức giá 1.000 đồng. Những món ăn Việt Nam được đầu bếp lựa chọn từ nguyên liệu tươi ngon, mùa nào thức ấy, các đầu bếp sẽ gói gọn tình yêu ẩm thực của mình vào mỗi món ăn để gửi đến các thực khách đặc biệt. Từ thịt, cá, rau, củ quả đều rõ nguồn gốc xuất xứ, các thực phẩm được chế biến và sử dụng trong ngày nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những ngày Hà Nội nắng nóng, những bữa cơm với nguyên liệu mát lành như muốn sẻ chia và xua đi khắc nghiệt của thời tiết.
“Của cho không bằng cách cho” đây là một mô hình của sự tử tế và tôn trọng những giá trị “lá lành đùm lá rách” có từ ngàn đời của dân tộc Việt. Theo Nguyễn Anh Vũ, người sáng lập Quỹ thiện nguyện Tâm Thương tâm sự, người mà nhà hàng hướng đến là những người nghèo và có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, người nghèo họ cũng rất mặc cảm khi ngồi ăn thường xuyên ở các quán cơm từ thiện. Làm sao để mọi người khi đến với quán luôn vui vẻ, thoải mái, không cảm thấy mặc cảm hay xấu hổ mới là điều cần quan tâm. Từ suy nghĩ đó, quán cơm hoạt động trên tinh thần trợ giá, có nghĩa là bán ra với giá rẻ nhất có thể nhằm san sẻ một phần khó khăn với người lao động nghèo. Với cách làm này, mọi người sẽ thoải mái hơn khi ghé quán dùng bữa ngon miệng.
Cứ mỗi sáng đầu tuần, các nhân viên và những người tình nguyện lại cùng nhau chuẩn bị bữa ăn tình nghĩa dành cho người nghèo. Mọi người luôn tay, luôn chân đỡ đần nhau để hoàn thành công việc. Người thì nhặt rau, rửa rau người thì nấu cơm, dọn dẹp bàn ghế để đón khách. Công việc được diễn ra một cách nhuần nhuyễn trên môi ai cũng nở một nụ cười rạng rỡ vì đã giúp được biết bao mảnh đời bất hạnh. Mọi người nói cười vui vẻ như trong gia đình làm vơi đi nỗi nhớ quê hương và vơi đi mệt mỏi của ngày hạ đỏ lửa. Quỹ thiện nguyện Tâm Thương không chỉ là nơi giúp đỡ những mảnh đời cơ cực mà còn là nơi để mọi người kết bạn, được tâm sự, san sẻ yêu thương.
Dù chưa đến 11 giờ nhưng từ ngoài cổng nhà hàng của Quỹ thiện nguyện Tâm Thương đã chật cứng khách đứng xếp hàng đợi nhận suất cơm. Khách đến với quán là bác xe ôm mồ hôi còn nhễ nhại, là cụ bà lom khom bên gánh hàng rong, cô nhặt ve chai lỡ bữa giữa đường, hay cậu bé rong ruổi cả buổi sáng vẫn chưa đánh được đôi giầy nào… Tuy làm nhiều nghề khác nhau nhưng họ đều là những lao động nghèo có hoàn cảnh khó khăn và là thực khách thân thiết của quán cơm này bấy lâu nay.
Bà Nguyễn Thu Đông (62 tuổi, quê Thanh Hóa), đi bán hàng rong, nhận suất cơm 1.000 với đầy đủ thịt cá, rau không khỏi xúc động: “Nắng nóng, tôi nhịn đói đi bán hàng từ sáng mà không bán được gì. Giờ bụng đói cồn cào, chân mỏi mệt. May, tôi được nghỉ chân có quạt, điều hòa mát mẻ, ngồi ăn bữa trưa no bụng, chuyện trò với những người hoàn cảnh khó khăn như tôi. Tôi lấy lại sức để đi bán hàng rong cho buổi chiều, tối. Tôi mong được nhiều lần được ăn bữa cơm như thế này”…
Được biết, toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động bán những suất ăn giá 1.000 đồng sẽ được tiếp tục sử dụng vào mục đích thiện nguyện tiếp theo. Nguyễn Anh Vũ mong muốn có thể mở thêm thật nhiều quán cơm 1.000 đồng để giúp đỡ được nhiều người nghèo”.
Giá trị của tình yêu thương
Ngoài suất cơm 1.000 đồng của Quỹ thiện nguyện Tâm Thương, ở khắp các tỉnh thành tại Việt Nam còn có rất nhiều quán cơm bán với giá 1.000-2.000- 5.000 đồng dành cho những người nghèo, người lao động khó khăn, người yếu thế.
Quán cơm Nụ Cười Mới 1 (Đường Cống Quỳnh, quận 1, TP HCM); Quán cơm 2000đ (Bình Trưng, P. Bình Trưng Đông, quận 2, TP HCM); Bếp ăn từ thiện Bảo Hòa (Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM); Quán ăn Chay Từ Tâm (Trần Nhân Tôn, phường 2, quận 10, TP HCM); Quán cơm Nhà Thờ Hầm (cư xá Lữ Gia, quận 11); Quán Cơm Thiện Tâm (đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh), Cơm chay miễn phí Đại Ngàn (phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân, Hà Nội); Quán cơm 5000đ (cổng bệnh viện Nhi Trung ương - La Thành, Đống Đa, Hà Nội); Quán cơm từ thiện 1.000đ cho người nghèo (Trần Bình, phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), Quán cơm 2000đ (TP Đà Nẵng), Quán cơm Nụ Cười Đà Nẵng (Phan Thanh - Đà Nẵng)….
Bảy tháng qua, nhiều người đi ngang giao lộ thuộc đường Vành đai tránh Tây, đoạn qua phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã khá quen thuộc với sự xuất hiện của “Quán cơm 0 đồng yêu thương” do Đại úy Lê Hùng Dương (SN 1990, công tác tại Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP Buôn Ma Thuột) lập nên.
Đại úy Dương chia sẻ, thời gian mở cửa quán ăn từ 11-13 giờ 15 phút cho các ngày từ thứ 5 đến Chủ nhật. Mỗi ngày, anh chuẩn bị từ 50-70 suất ăn. Không chỉ phục vụ tại chỗ, anh còn đóng sẵn vào hộp, nhờ người mang cơm vào trung tâm thành phố tặng cho các cô bác làm nghề chạy xe ôm, bán vé số.
Trong khi vừa xới cơm cho khách, anh Dương tranh thủ hỏi thăm công việc, gia cảnh của mọi người. Tâm sự về cơ duyên mở “Quán cơm 0 đồng yêu thương”, anh Dương cho hay, những lúc đi làm nhiệm vụ, chứng kiến rất nhiều trường hợp cô, chú lớn tuổi, người bị khuyết tật rong ruổi khắp phố mưu sinh đủ nghề như bán vé số, chạy xe ôm, gánh hàng rong. Vất vả là thế, nhưng nhiều người chỉ ăn tạm buổi trưa bằng ổ bánh mì, gói xôi, hoặc ăn cơm với xì dầu. Tận mắt thấy những hoàn cảnh khó khăn ấy, anh Dương rất xót xa, mong muốn tặng họ bữa ăn nóng hổi, đủ chất để tiếp sức, động viên họ trong hành trình mưu sinh còn nhiều khó nhọc.
Với suy nghĩ, sức mình có đến đâu thì giúp đến đấy, nên anh Dương không kêu gọi đóng góp. Thi thoảng, những người bạn hiểu được việc làm của anh thì họ tặng rau, củ, gạo, tiếp sức. Còn lại, anh Dương làm thêm đủ việc từ bốc vác, lau dọn nhà, bán trái cây ven đường. Thậm chí, sắp tới, anh Dương định mở quán nước mía để thêm nguồn kinh phí duy trì quán cơm từ thiện hết khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Người Việt ấm lòng bởi tình thương đang được người với người ngày đêm trao tặng cho nhau. Những Quỹ Cơm có thịt, mô hình Quán ăn 0 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, Quỹ Mỗi ngày một quả trứng hay ATM gạo đều là sáng tạo ra đời từ tấm lòng nhân ái như thế. Không vì lợi danh cho mình, không vì lợi nhuận hay doanh thu, những sáng tạo ấy đã đem lại nhiều hơn giá trị đồng tiền. Đó là giá trị của tình yêu thương.
Chỉ những tấm lòng vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn mới có sự gắn kết bền bỉ trong nhiều năm qua, cùng chung tay thầm lặng chia sẻ từng bữa ăn với những người còn những khó khăn hơn mình, từ những việc tưởng chừng như nhỏ nhoi nhưng rất cần cho cuộc sống của nhiều người trong xã hội.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-quan-an-am-long-thom-thao-post522948.html