Những quan điểm y học kỳ lạ về phụ nữ thế kỷ 19
Cho đến thế kỷ 19, phụ nữ vẫn không được đi học vì các bác sĩ thời đó tin rằng 'bộ não' điều khiển cơ thể phụ nữ nằm ở tử cung và buồng trứng, phụ nữ học cao sẽ yếu đuối, vô sinh.
Ngày nay chúng ta đều biết những điều đó là phản khoa học, phụ nữ thời nay có thể thoải mái đọc và học những điều họ thích. Nhưng cho tới tận thế kỷ 19 ở phương Tây, vẫn tồn tại nhiều kiến thức “y học” và “khoa học” khó hiểu về những điều tồi tệ nếu phụ nữ đi học.
Những giả thuyết y học thiếu căn cứ và nhuốm màu định kiến đã trở thành rào cản lớn ngăn cản phụ nữ tới trường, trong đó bao gồm nhiều phụ nữ có ảnh hưởng trên thế giới như: Marie Curie sinh vào giữa thế kỷ 19 khi mà con gái bị hạn chế đến trường; Jane Austen sống ở thế kỷ 18 và cả đời bà chỉ có thể xuất bản sách dưới bút danh nam; nhà văn nữ người Anh George Eliot (1819-1880) là một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu thời Victoria nhưng vẫn phải dùng bút danh nam để chắc chắn tác phẩm của mình được đọc một cách nghiêm túc.
Trong tác phẩm Lịch sử Y học, Lois N. Magner đã ghi lại những “vấn đề phụ nữ” như một chủ đề thường xuyên được nhắc đến bởi các thầy thuốc, nhà khoa học và triết gia của thế kỷ XIX. Sử dụng các lập luận gọi là có khoa học để hợp lý hóa và hợp pháp hóa các kiểu thức kinh tế và xã hội truyền thống, các bác sĩ tự cho mình là nhà khoa học có kiến thức chuyên về sinh lý học phụ nữ. Các thầy thuốc ở Mỹ cho rằng phụ nữ phải chịu cảnh yếu đuối và bệnh tật bởi vì sinh lý học phụ nữ, trong đó có chu kỳ kinh nguyệt, về cơ bản mang tính bệnh lý.
“Vào thập niên 1870, các bác sĩ ngày càng chú ý nhiều hơn vào mối lo ngại là việc học hành sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ và con gái. Toàn bộ cơ thể phụ nữ, nhất là hệ thần kinh, được cho là nằm dưới sự kiểm soát của tử cung và hai buồng trứng. Công việc trí óc vào tuổi dậy thì, nhất là trong môi trường nam nữ học chung, vì thế sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thống sinh sản phụ nữ. Người ủng hộ nổi tiếng cho lập luận này là Edward H Clarke (1820-1877), tác giả của một quyển sách gây nhiều ảnh hưởng nhan đề Giới tính trong giáo dục: hoặc Một cơ hội bình đẳng cho các thiếu nữ (1874)", trích nội dung sách Lịch sử Y học.
Clarke có một phòng mạch tư tại Boston, giáo sư Đại học Harvard, người đứng đầu cuộc chiến không cho sinh viên nữ ghi tên vào đại học này.
Clarke đồng tình với tư tưởng thời đó, khăng khăng cho rằng tự nhiên đã định sẵn một tuần lễ kinh nguyệt cho chu trình rụng trứng và cho sự phát triển, hoàn thiện hệ thống sinh sản (điều này hoàn toàn sai).
Thậm chí, Clarke còn vẽ ra nhiều viễn tưởng kinh khủng nếu phụ nữ vẫn cố chấp đi học và tốt nghiệp đại học.
Clarke đưa ra bằng chứng là cô D, ngực lép, vào trường Vassar năm 14 tuổi. Khi tốt nghiệp, cô ta là nạn nhân của chứng vô kinh, hay hốt hoảng, nhức đầu, lúc nào cũng mệt mỏi và táo bón. Một sinh viên kém may mắn khác chết chẳng bao lâu sau khi tốt nghiệp; khi mổ xác mới thấy não bộ tóp teo. Ngay cả Martha Carey Thomas (1857-1935), người sáng lập và chủ tịch của trường Bryn Mawr còn nhớ cái cảm giác kinh hoàng khi đọc những lời cảnh báo kia lúc còn là thiếu nữ.
Tuy nhiên, khi kiểm định lại giả thuyết của Clarke người ta thấy rằng sinh viên nữ cũng khỏe mạnh như các phụ nữ khác và các nghiên cứu về kỹ năng tâm thần và vận động của họ không hề thấy có sự liên quan đặc biệt nào với chu kỳ kinh nguyệt.
Tác giả Lois N. Magner thì hoài nghi cho rằng, do số bác sĩ được đào tạo quá nhiều dẫn đến có những thầy thuốc hăng say dành thời gian cho việc tìm kiếm các “triệu chứng phụ nữ” mạn tính nhưng không nguy hiểm trong số các quý bà mảnh mai thuộc tầng lớp trên. Trên thực tế, người hầu, công nhân nhà máy, và những phụ nữ nghèo khác dường như chẳng cần đến một tuần lễ để nghỉ ngơi khi có kinh.
Lời phản hồi từ những bác sĩ nữ
Những tuyên bố và cả những chiến dịch ngăn cản phụ nữ đến trường của Clarke rõ ràng là thiếu căn cứ, nhưng chỉ đến khi phụ nữ có tiếng nói hơn trong ngành y thì những giả thuyết này mới được đưa ra xem xét một cách khoa học hơn.
Khi đó phụ nữ làm trong ngành y đều không được công nhận là bác sĩ dù họ cũng được đào tạo và làm được những công việc của bác sĩ và thầy thuốc. Năm 1849, Elizabeth Blackwell được trao bằng Bác sĩ Y khoa và chính thức trở thành bác sĩ nữ đầu tiên, hay đúng hơn là người phụ nữ tiên phong trong nghề y chính thống. Cuộc đời của Blackwell thường được biết đến như một cuộc chiến đấu lâu dài và đơn độc, nhưng truyền cảm hứng đến nhiều phụ nữ muốn theo đuổi ngành y.
Mary Putnam Jacobi là người phụ nữ đầu tiên được nhận vào trường y Paris. Bà là thầy thuốc, tác giả y học nổi tiếng và là một trong những người sáng lập ra Hiệp hội Y học của New York City. Jacobi tích cực đứng ra tranh đấu cho quyền được theo học ngành y của phụ nữ và đã đưa ra những bằng chứng phản bác trực tiếp nhất làm rõ các giả thuyết của Clarke. Quyển sách của bà Vấn đề nghỉ ngơi của phụ nữ khi có kinh được viết để trả lời câu hỏi “Liệu phụ nữ có cần nghỉ ngơi tinh thần và thể chất khi có kinh và với mức độ nào?” (đoạt giải Boylston của Đại học Harvard năm 1876) đã chứng minh rằng giáo dục và công việc chuyên môn không làm nguy hại cho sức khỏe phụ nữ.
Một thế kỷ sau khi Blackwell tuyên bố cuộc chiến giành quyền được học y khoa của phụ nữ, các phiên điều trần của Quốc hội Mỹ đưa ra bằng chứng đầy đủ rằng các trường y khoa của Mỹ đã phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Năm 1970, Liên đoàn Hoạt động vì Bình đẳng cho Nữ giới (WEAL) đệ đơn kiện tất cả trường y khoa tại Mỹ, cho rằng có sự lạm dụng trong việc nhập học và vi phạm hệ thống hạn mức. Phản ứng với vụ kiện của WEAL, Cơ quan Y tế Công cộng Mỹ tuyên bố rằng các trường y nào đã nhận kinh phí liên bang thì không được phân biệt đối xử với phụ nữ khi nhập học. Đến năm 1975, con số sinh viên y là nữ đã tăng gấp ba lần.
Đại diện của nhiều trường y sau này cũng đã nghiên cứu lại phát biểu của Clarke và cho rằng các sinh viên nữ của họ đều khỏe mạnh.
Tác giả Lois N. Magner nêu trong sách: “Thuốc chữa thực sự cho những sự khiếm khuyết của phụ nữ là nhiều học vấn hơn, chứ không phải bớt đi, nhất là giáo dục về sinh lý học". Khi các bác sĩ nữ được công nhận và lắng nghe, họ đã tạo ra những thành tựu độc đáo khi đi vào các lĩnh vực liên quan chặt chẽ với các phong trào cải cách xã hội vốn không được các bác sĩ nam giới quan tâm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-quan-diem-y-hoc-ky-la-ve-phu-nu-the-ky-19-post1367102.html