Những quân nhân 'mũ nồi xanh' quê Hà Tĩnh với sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở châu Phi

Những quân nhân 'mũ nồi xanh' quê Hà Tĩnh với sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở châu Phi

Mang theo những bước chân rắn rỏi, ánh mắt rạng rỡ, tự hào, những quân nhân quê Hà Tĩnh đội “mũ nồi xanh” không chỉ thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các điểm nóng ở châu Phi mà họ còn trở thành những “sứ giả văn hóa”, mang tình cảm, tinh thần Việt Nam thấm sâu lòng người xuyên biên giới...

Bộ quân phục truyền thống của lực lượng “mũ nồi xanh” cùng hai chữ “Việt Nam” in đậm nơi ngực trái là hành trang để Thiếu tá Trần Thái Sơn thực hiện sứ mệnh bảo vệ hòa bình.

Bộ quân phục truyền thống của lực lượng “mũ nồi xanh” cùng hai chữ “Việt Nam” in đậm nơi ngực trái là hành trang để Thiếu tá Trần Thái Sơn thực hiện sứ mệnh bảo vệ hòa bình.

Những ngày giữa tháng 8, Thiếu tá Trần Thái Sơn (SN 1985, quê ở xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) đang bận rộn với công việc theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động tác chiến của các đơn vị gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc tại Phân khu phía Đông - Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi).

Cách đất mẹ Việt Nam hàng chục ngàn km, bộ quân phục truyền thống của lực lượng “mũ nồi xanh”, cùng hai chữ “Việt Nam” in đậm nơi ngực trái là hành trang để Thiếu tá Trần Thái Sơn thực hiện sứ mệnh bảo vệ hòa bình, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh, chính trị ở quốc gia đang còn nhiều bất ổn.

Tháng 2/2023, Thiếu tá Trần Thái Sơn là 1 trong 8 đồng chí được Bộ Quốc phòng tổ chức trao quyết định của Chủ tịch nước giao nhiệm vụ lên đường đảm nhiệm các vị trí sỹ quan tham mưu tại Sở chỉ huy các phân khu của Phái bộ MINUSCA (Ảnh: NVCC).

Tháng 2/2023, Thiếu tá Trần Thái Sơn là 1 trong 8 đồng chí được Bộ Quốc phòng tổ chức trao quyết định của Chủ tịch nước giao nhiệm vụ lên đường đảm nhiệm các vị trí sỹ quan tham mưu tại Sở chỉ huy các phân khu của Phái bộ MINUSCA (Ảnh: NVCC).

Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, Thiếu tá Trần Thái Sơn đã tham gia các khóa huấn luyện tiền triển khai do Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức.

Trước khi lên đường làm nhiệm vụ, Thiếu tá Trần Thái Sơn đã tham gia các khóa huấn luyện tiền triển khai do Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức.

Thiếu tá Trần Thái Sơn chia sẻ, anh biết về lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập khi còn đang tham gia học tập tại Trường Quân sự đặc biệt SAINT-CYR (Cộng hòa Pháp) theo diện hợp tác quốc phòng. Sau 4 năm trở về nước công tác tại Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, đồng chí được điều động tăng cường về Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam để tham gia các khóa huấn luyện tiền triển khai.

Đến tháng 2/2023, Thiếu tá Sơn là 1 trong 8 đồng chí được Bộ Quốc phòng tổ chức trao quyết định của Chủ tịch nước giao nhiệm vụ lên đường đảm nhiệm các vị trí sỹ quan tham mưu tại Sở chỉ huy các phân khu của Phái bộ MINUSCA. Cá nhân anh được cử đi làm việc tại Sở chỉ huy phân khu phía Đông với vai trò là sỹ quan tham mưu tác chiến, hiện nay kiêm nhiệm Quyền trưởng ban phối hợp quân – dân sự.

Tại Sở chỉ huy phân khu phía Đông, Thiếu tá Trần Thái Sơn giữ vai trò là sỹ quan tham mưu tác chiến kiêm nhiệm Quyền trưởng ban phối hợp quân – dân sự.

Tại Sở chỉ huy phân khu phía Đông, Thiếu tá Trần Thái Sơn giữ vai trò là sỹ quan tham mưu tác chiến kiêm nhiệm Quyền trưởng ban phối hợp quân – dân sự.

Do tính chất địa bàn quản lý rộng cùng với việc xung đột giữa các phe nhóm vũ trang tại Cộng hòa Trung Phi xảy ra ngày càng thường xuyên và gay gắt nên Phái bộ MINUSCA được Liên hợp quốc xem là một trong những “mặt trận” trọng điểm. Điều này đòi hỏi sỹ quan tham mưu tác chiến phân khu phải theo dõi, giám sát, kiểm soát tình hình hoạt động tác chiến của các đơn vị gìn giữ hòa bìnhliên tục 24/7 không kể ngày nghỉ, ngày lễ. Đồng thời tổng hợp các loại báo cáo tác chiến thường xuyên cũng như báo cáo sự vụ đột xuất xảy ra trong phạm vi địa bàn đảm nhiệm gửi về Sở chỉ huy Phái bộ tại Thủ đô Bangui.

Thiếu tá Trần Thái Sơn phối hợp đơn vị công binh Campuchia cải tạo trục đường chính cho người dân thị trấn Bria.

Thiếu tá Trần Thái Sơn phối hợp đơn vị công binh Campuchia cải tạo trục đường chính cho người dân thị trấn Bria.

Ngoài tiếng Anh, với khả năng sử dụng tiếng Pháp thành thạo nên anh được giao nhiệm vụ thay mặt lực lượng quân sự tham gia các cuộc họp phối hợp với lực lượng cảnh sát và dân sự trong địa bàn phân khu. Tham mưu cho chỉ huy các cấp nắm và xử lý tình hình, cũng như triển khai các hoạt động tác chiến có hiệu quả góp phần hoàn thành sứ mệnh bảo vệ dân thường và bảo vệ tiến trình hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi.

Thiếu tá Trần Thái Sơn tham gia họp cùng lực lượng gìn giữ hòa bình.

Thiếu tá Trần Thái Sơn tham gia họp cùng lực lượng gìn giữ hòa bình.

Nắng, gió châu Phi, sự thiếu thốn của đời sống sinh hoạt vật chất lẫn tinh thần cùng những nguy hiểm thường xuyên rình rập có thể làm Thiếu tá Trần Thái Sơn đen xạm, gầy đi nhiều so với trước lúc lên đường. Thế nhưng điều đó không hề làm giảm đi nhiệt huyết cống hiến và quyết tâm vượt lên khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong môi trường làm việc đa quốc gia, Thiếu tá Trần Thái Sơn thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đồng thời giữ gìn đoàn kết quốc tế. Trong ảnh: Thiếu tá Trần Thái Sơn (áo xanh, thứ 3 từ phải sang, hàng trên) trong những giây phút nghỉ ngơi, gắn kết cùng lực lượng gìn giữ hòa bình các nước.

Trong môi trường làm việc đa quốc gia, Thiếu tá Trần Thái Sơn thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đồng thời giữ gìn đoàn kết quốc tế. Trong ảnh: Thiếu tá Trần Thái Sơn (áo xanh, thứ 3 từ phải sang, hàng trên) trong những giây phút nghỉ ngơi, gắn kết cùng lực lượng gìn giữ hòa bình các nước.

Thiếu tá Trần Thái Sơn chia sẻ: “Là một sỹ quan tham mưu hoạt động độc lập trong trong môi trường làm việc đa quốc gia, khác biệt về văn hóa, lối sống, ngôn ngữ cũng như tính chất công việc phức tạp, đòi hỏi chúng tôi phải không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đồng thời giữ gìn đoàn kết quốc tế.

Phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, bản thân tôi luôn tự nhắc nhở phải quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ mà Liên hợp quốc cũng như Bộ Quốc phòng và Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam giao phó”.

Trung úy Lê Vũ hào hứng với hành trình gìn giữ hòa bình

Trung úy Lê Vũ hào hứng với hành trình gìn giữ hòa bình

Với Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Vũ (SN 1995, quê xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh), được trải nghiệm trong màu áo gìn giữ hòa bình với vị trí nhân viên quân khí kiêm thống kê trang bị thuộc Phân đội Hậu cần - Bảo đảm, Đội Công Binh số 1, Phái bộ UNISFA đóng quân tại khu vực Abyei (khu vực nằm giữa biên giới Sudan và Nam Sudan) là “cơ hội đặc biệt không bao giờ quên trong suốt cuộc đời”. Vẻ rắn rỏi, nước da nâu sạm của một người lính đã dày dạn kinh nghiệm khiến nhiều người bất ngờ khi được biết anh mới chỉ mới 28 tuổi và hơn 1 năm thực hiện nhiệm vụ tại đây.

Đội Công binh số 1, Phái bộ UNISFA trong ngày lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Đội Công binh số 1, Phái bộ UNISFA trong ngày lên đường làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.

Nhớ về hành trình trở thành một người chiến sĩ “mũ nồi xanh”, Trung úy Lê Vũ cho rằng đó như một cơ duyên và là thành quả cho một quá trình nỗ lực học tập, công tác. Đầu năm 2021, anh được chỉ huy đơn vị cử tham gia các khóa học nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ để sẵn sàng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Bằng nỗ lực của cá nhân sau các bài kiểm tra đánh giá trình độ ngoại ngữ, năng lực chuyên môn và sức khỏe, anh trúng tuyển tham gia cùng Đội Công binh số 1 hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei.

Trung úy Lê Vũ được giao làm nhân viên quân khí kiêm thống kê trang bị thuộc Phân đội Hậu cần - Bảo đảm, Đội Công binh số 1, Phái bộ UNISFA đóng quân tại khu vực Abyei (khu vực nằm giữa biên giới Sudan và Nam Sudan).

Trung úy Lê Vũ được giao làm nhân viên quân khí kiêm thống kê trang bị thuộc Phân đội Hậu cần - Bảo đảm, Đội Công binh số 1, Phái bộ UNISFA đóng quân tại khu vực Abyei (khu vực nằm giữa biên giới Sudan và Nam Sudan).

Sau khi trải qua một quãng đường di chuyển rất dài để đặt chân tới địa bàn Abyei, Trung úy Lê Vũ cùng các đồng đội bắt tay vào sắp xếp đồ đạc, củng cố nơi ăn chốn ở, vệ sinh môi trường xung quanh… một cách chính quy và sạch sẽ.

Anh cũng đi khảo sát thực địa căn cứ mới chuẩn bị thống kê và tiếp nhận hàng hóa được vận chuyển qua đường biển đến Phái bộ. Sau một tuần, Trung úy Lê Vũ và 7 đồng chí của Phân đội Công binh số 1 được tín nhiệm chuyển sang căn cứ mới là doanh trại Highway làm nhiệm vụ thống kê hàng hóa Phái bộ vận chuyển đến và mở công cấp phát hàng hóa; trực tiếp mở niêm phong vũ khí, đạn dược biên chế kịp thời cho các phân đội thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn, an ninh...

Phương tiện di chuyển của lực lượng gìn giữ hòa bình tại châu Phi.

Phương tiện di chuyển của lực lượng gìn giữ hòa bình tại châu Phi.

Thời điểm này bản thân anh cũng có chút lo lắng vì trước mắt là sự hoang tàn của cơ sở vật chất, thời tiết quá khắc nghiệt khi xen lẫn cái nắng 40 độ là những cơn mưa dài. Trên các tuyến đường và công trình mà đơn vị thực hiện nhiệm vụ thường xuyên xảy ra nguy cơ mất an toàn do xung đột của các bộ tộc xung quanh, thú dữ tấn công, nạn cướp trấn lột… và các đợt di cư của những bộ tộc lớn dồn về thị trấn Abyei để sinh sống.

Có lúc bản thân người lính trẻ cũng không tin rằng mình đang thực hiện nhiệm vụ cách xa gia đình tới 10.000km.

Mỗi lúc có thời gian rảnh và kết nối được Internet, Trung úy Lê Vũ lại tranh thủ gọi điện cho vợ con. Đây cũng là động lực giúp anh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Mỗi lúc có thời gian rảnh và kết nối được Internet, Trung úy Lê Vũ lại tranh thủ gọi điện cho vợ con. Đây cũng là động lực giúp anh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

“Khi vợ sinh em bé thứ 2, lúc ấy tôi mới sang công tác được 6 tháng. Do thời gian ở đây chênh lệch hơn 5 tiếng đồng hồ so với Việt Nam và mạng Internet chập chờn nên tôi rất lo lắng, gọi điện thì mạng yếu không nói được gì.

Dù vậy bố mẹ hai bên nội ngoại luôn động viên tôi yên tâm, việc ở nhà đã có mọi người lo chu toàn. Sau khi mẹ tròn con vuông tôi mới liên lạc được với cả nhà, một cảm xúc vui sướng và hạnh phúc vỡ òa khi luôn có gia đình là điểm tựa cho tôi vượt lên tất cả để tiếp tục cống hiến, phấn đấu hơn nữa…”- Trung úy Lê Vũ chia sẻ.

Đại úy Trần Văn Quang tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình với cương vị Trưởng tổ Bảo vệ 3, Phân đội Bảo vệ, Đội Công binh số 1 (Phái bộ UNISFA).

Đại úy Trần Văn Quang tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình với cương vị Trưởng tổ Bảo vệ 3, Phân đội Bảo vệ, Đội Công binh số 1 (Phái bộ UNISFA).

Mạnh mẽ, bản lĩnh không kém những người đồng nghiệp, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Quang (SN 1984, quê phường Kỳ Long, TX Kỳ Anh) cũng tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình với cương vị Trưởng tổ Bảo vệ 3, Phân đội Bảo vệ, Đội Công binh số 1 (Phái bộ UNISFA).

Để nhận nhiệm vụ giữ gìn hòa bình quốc tế rất vinh quang nhưng cũng nhiều nguy hiểm này, Đại úy Trần Văn Quang đã phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt từ các chuyên gia nước ngoài. Từ những kiến thức, quy định của Liên hợp quốc về quyền con người, luật giao tranh, luật quốc tế, kỹ năng sinh tồn… Quan trọng nhất là phải tìm hiểu phong tục tập quán của người địa phương, văn hóa của đồng nghiệp để có cách hành xử khéo léo, vừa hoàn thành được nhiệm vụ vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng đội.

Hơn 12 tháng sống và làm việc ở khu vực Abyei, Đại úy Trần Văn Quang đã có rất nhiều kỉ niệm khi biết được một số phong tục tập quán của người dân địa phương, được tận mắt chứng kiến những khó khăn của họ.

Đại úy Quang tâm sự: “Có lẽ kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi là khi khu vực Abyei gặp ngập lụt, người dân phải đào ngang con đường huyết mạch để thoát nước. Lúc này bản thân tôi trực tiếp bảo vệ đơn vị công binh giúp đỡ người dân khơi thông hệ thống kênh mương, đặt cống thoát nước. Khi cống được đặt xuống, những tiếng hò reo “Việt Nam của người dân” khắp cả một vùng khiến chúng tôi cảm thấy xúc động, tự hào khi tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam trên đất nước bạn”.

Thiếu tá Trần Thái Sơn cùng các lực lượng họp bàn kế hoạch hỗ trợ nước sạch cho người dân địa phương.

Thiếu tá Trần Thái Sơn cùng các lực lượng họp bàn kế hoạch hỗ trợ nước sạch cho người dân địa phương.

Sau 5 tháng công tác, thể hiện được năng lực, cộng với việc phát huy lợi thế sử dụng tiếng Pháp thành thạo hơn các đồng nghiệp khác tại Phái bộ MINUSCA, Thiếu tá Trần Thái Sơn đã nhanh chóng tạo được nhiều ấn tượng đẹp.

Sử dụng chính ngôn ngữ của người dân bản địa nơi đây là tiếng Sango và tiếng Pháp để giao tiếp khiến người dân bất ngờ và thiện cảm với Thiếu tá Sơn. Điều đó giúp anh tự tin hơn, đôi chân của anh cũng vững vàng hơn, đi sâu hơn vào các bản làng, từng gia đình để hiểu về những khó khăn của họ cũng như giới thiệu về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam.

Người dân địa phương đều có ấn tượng và thiện cảm với Thiếu tá Trần Thái Sơn.

Người dân địa phương đều có ấn tượng và thiện cảm với Thiếu tá Trần Thái Sơn.

Thiếu tá Trần Thái Sơn bộc bạch: “Mang trên mình bộ quân phục có lá cờ đỏ sao vàng, mỗi khi gặp người dân địa phương họ đều bắt tay thân thiện, nụ cười rạng rỡ chào mình bằng hai tiếng “Việt Nam” thân thương và trìu mến khiến trong tôi dấy lên niềm tự hào dân tộc mãnh liệt”.

Khát khao hòa bình đang được những người lính “mũ nồi xanh” Việt Nam gieo mầm. Ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Phái bộ giao thì Đội Công binh số 1 tại thị trấn Abyei còn thực hiện hiệu quả các hoạt động nhân đạo như giúp địa phương chống ngập, lụt; tham gia khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân; xây dựng lớp học, phòng máy tính cho trường học; khoan giếng nước sạch và nhiều hoạt động nhân đạo có ý nghĩa khác…

Trung úy Lê Vũ tích cực tăng gia sản xuất, hướng dẫn người dân địa phương trồng rau sạch...

Trung úy Lê Vũ tích cực tăng gia sản xuất, hướng dẫn người dân địa phương trồng rau sạch...

Mỗi ngày, Trung úy Lê Vũ, Đại úy Trần Văn Quang cùng các thành viên trong đơn vị tham gia tích cực vào công tác tăng gia sản xuất, hướng dẫn người dân địa phương trồng rau sạch, phủ lên mảnh đất nắng gió bằng những mầm xanh tươi tốt… Bắt đầu từ những hành động nhỏ bé đó đã lan tỏa hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đến người dân địa phương. Giờ đây, “Xin chào Việt Nam” bằng tiếng Việt đã trở thành câu chào phổ biến của nhân viên giữ gìn hòa bình Phái bộ UNISFA và người dân địa phương khi gặp lực lượng giữ gìn hòa bình Việt Nam.

Những người lính mũ nồi xanh không ngừng gắn kết, mang bản sắc Việt Nam đến với người dân địa phương và bạn bè quốc tế.

Những người lính mũ nồi xanh không ngừng gắn kết, mang bản sắc Việt Nam đến với người dân địa phương và bạn bè quốc tế.

Trung úy Lê Vũ bày tỏ: “Là một người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao dù ở trong nước hay thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Ở trong điều kiện hoàn cảnh nào, tôi vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc, góp phần bé nhỏ của mình cho sự nghiệp hòa bình thế giới, tô thắm thêm phẩm chất truyền thống quân đội và con người Việt Nam”.

Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Phái bộ UNISFA luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Phái bộ UNISFA luôn đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau hoàn thành nhiệm vụ.

Đại tá Mạc Đức Trọng (Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Chỉ huy trưởng Lực lượng Việt Nam tại Phái bộ UNISFA, Đội trưởng Đội Công binh số 1) đánh giá: “Trong 184 đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có 8 đồng chí là con, em quê hương Hà Tĩnh anh hùng, giàu truyền thống văn hóa, cách mạng. Đây là các đồng chí tiêu biểu có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn, tay nghề cao; được đào tạo bài bản ở các trường quân đội, đã tham gia nhiều khóa huấn luyện tiền triển khai do Cục Giữ gìn hòa bình Việt Nam tổ chức.

Khi đến địa bàn Phái bộ UNISFA, các đồng chí luôn thể hiện được bản lĩnh, nhân cách tốt, sống chan hòa, yêu thương, đoàn kết với các đồng chí, đồng đội trong đơn vị, hăng hái đi đầu với những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ… Từ đó đã góp phần giúp Đội Công binh số 1 Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Liên hợp quốc, Chỉ huy phái bộ và đồng nghiệp bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, kỷ luật, tinh thần đoàn kết quốc tế, đặc biệt luôn được người dân địa phương yêu mến, trân trọng”.

Nội dung: Ngân Giang

Ảnh: PV, NVCC

Thiết Kế: Công Ngọc - Bảo khánh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/luc-luong-vu-trang/nhung-quan-nhan-mu-noi-xanh-que-ha-tinh-voi-su-menh-gin-giu-hoa-binh-o-chau-phi/253180.htm