Những quốc gia ăn Tết theo lịch trăng
Tết Nguyên đán là một ngày lễ phổ biến ở nhiều nước châu Á, đánh dấu sự bắt đầu của năm mới theo âm lịch. Mặc dù phong tục mỗi nơi mỗi khác, nhưng tất cả các nghi lễ, phong tục đón Tết âm lịch đều hướng tới mong cầu một năm mới nhiều điều tốt đẹp, may mắn, hạnh phúc và bình an.
Không chỉ ở Việt Nam, các quốc gia Đông Nam Á như: Maylaysia, Singapore, Philippines, Indonesia… cũng đón Tết Âm lịch. Ngoài ra, Tết Nguyên đán cũng là một ngày lễ quan trọng tại các nước châu Á khác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Ấn Độ, Bhutan,…
Đón Tết âm ở các quốc gia Đông Nam Á
Dù cùng đón Tết âm lịch nhưng Tết ở các nước trong khu vực Đông Nam Á được đánh giá tương đối đa dạng và khác biệt bởi đặc điểm đa dân tộc, đa tôn giáo và đa văn hóa. Theo nhiều quan điểm, ý nghĩa của Tết có thể gắn liền với thời khắc giao thoa năm cũ sang năm mới như tại Singapore và Việt Nam; hay là khoảng thời gian chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa như Lào, Campuchia, Myanmar. Còn tại Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines, Đông Timor, dịp Tết gắn liền với một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển tôn giáo chính của quốc gia.
Trước hết, quốc gia cùng ăn Tết Nguyên đán giống như ở Việt Nam phải nhắc tới “quốc đảo sư tử” Singapore. Là một quốc gia đa sắc tộc mà phần lớn là người gốc Hoa, Tết ở Singapore nhộn nhịp với hàng loạt lễ hội mang đậm phong cách phương Tây xen lẫn nét văn hóa truyền thống của người Trung Quốc. Trong những ngày này diễn ra các cuộc thăm viếng, chúc Tết và đi chùa cầu may. Ngoài ra là các hoạt động vui chơi như múa lân, múa rồng; hoạt động lễ hội lớn như Lễ hội hoa đăng, Lễ hội River Hongbao.
Trong đó, sôi động và tập trung đông người tham gia nhất chính là Lễ hội đường phố Chingay (theo tiếng Hoa có nghĩa là “nghệ thuật trang phục và hóa trang”), thường bắt đầu diễn ra từ ngày Thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina và kết thúc vào ngày Rằm tháng Giêng. Hoạt động độc đáo này thu hút rất đông du khách và người dân địa phương cùng tham gia diễu hành trên đường phố, góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa các sắc tộc trong nước và với các cộng đồng dân tộc trên toàn thế giới.
Mặt khác, Tết đón năm mới của người Lào có tên là Bunpimay, còn gọi là Tết “Buộc chỉ cổ tay”, hay Lễ hội “Hốt Nậm”, với ý nghĩa là “Té nước, cầu mong nước về, cho cuộc sống sinh sôi, đâm chồi, nảy lộc”. Trong ngày Tết nước Lào thường có tục biếu vải, biếu khăn cho người già; đến chùa cầu nguyện vào ban ngày; tập trung ở chùa để vui chơi, biểu diễn âm nhạc truyền thống (morlam) và múa lam vông. Người dân Lào cũng thường sử dụng hoa trong ngày Tết để cầu may, ví như hoa muồng được cài trên xe, trang trí trong nhà còn hoa Champa được kết thành chùm hay cài trên tóc để cầu mong phước lành.
Một món ăn “linh hồn” của Tết cổ truyền Lào chính là món “lạp” (trong ngôn ngữ nước này có nghĩa là “lộc”). Lạp thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui.
Dù Tết Âm lịch không phải là một lễ hội tôn giáo ở Indonesia song vào dịp Tết Âm lịch, những người Indonesia gốc Hoa vẫn có các hoạt động đón mừng Tết tại chùa, nhà thờ và đền. Đầu năm, người dân chúc nhau “Selamat Hari Raya”, tức là “chúc cho một lễ hội vui vẻ”, và câu nói này cũng được dùng trong tất cả những dịp lễ hội lớn. Dịp Tết, còn có nhiều hoạt động nghệ thuật như hát, nhảy, múa. Đặc biệt là truyền thống rước kiệu quanh thị trấn, để rồi cuối Tết, họ kéo ra sông và dìm kiệu xuống nước, xem đó như điều cầu xin thần Nước phù hộ cho mưa thuận gió hòa.
Giống như các quốc gia đón Tết Nguyên đán khác, tại Malaysia – quốc gia cũng có rất nhiều người gốc Hoa cư trú, đây cũng là dịp để người dân có dịp đoàn tụ, quây quần bên nhau. Cũng như ở Indonesia, đất nước Malaysia lấy ngày đầu năm của lịch Hồi giáo làm ngày lễ, Tết. Trong dịp năm mới, khi gặp gỡ nhau, người Malaysia có tục lệ chạm nhẹ bàn tay mình vào lòng bàn tay người đối diện, sau đó nắm tay lại rồi áp sát vào tim trong khoảng thời gian ngắn. Người nào lớn tuổi hơn thì chào hỏi trước. Bên cạnh đó còn có các hoạt động như múa lân, sư tử diễn ra tại khu phố người Hoa.
Philippines có thể được xem là quốc gia có truyền thống đón Tết Âm lịch muộn nhất trong lịch sử văn hóa châu Á khi đến năm 2012, Chính phủ Philippines mới chính thức công nhận Tết Âm lịch là một trong những ngày lễ lớn trong năm. Trong những ngày Tết, người dân Philippines thường đi chùa, nhà thờ, cầu cho một năm may mắn, an lành, thịnh vượng. Hoạt động đón mừng năm mới của người dân Philippines luôn có các màn múa lân, múa rồng. Ẩm thực trong ngày Tết của người Philippines là món bánh gạo ngọt (Tikoy).
Các quốc gia khác đón Tết âm lịch như thế nào?
Tết cổ truyền ở Trung Quốc là ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ ngày 8/12 âm lịch, mọi người dân Trung Quốc trên khắp thế giới đổ về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình, sự kiện này vẫn thường được biết đến là “xuân vận”. Những lễ hội vui Tết Nguyên đán thường kéo dài đến hết ngày 15/1 âm lịch.
Vào dịp năm mới, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà cửa bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ, phong bao lì xì đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Bởi vậy, Tết Nguyên đán của người Trung Quốc thường tràn ngập sắc đỏ.
Bên cạnh đó, mỗi năm, trong lịch của người Trung Quốc tương ứng với một con vật nên trong năm của con vật nào thì người ta thường tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm. Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại ngon, cùng với đường và gừng tươi. Ý nghĩa của món bánh này là cầu mong các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn gắn bó với nhau bền vững, có một năm mới may mắn, thịnh vượng.
Tại Hồng Kông (Trung Quốc), Tết cổ truyền thường pha trộn giữa truyền thống phương Đông với nét văn hóa phóng khoáng, mới mẻ của phương Tây. Dịp Tết có nhiều hoạt động lễ hội như: Hội chợ hoa đón mừng năm mới, biểu diễn nghệ thuật, diễu hành tại cảng Tsim Sha Tsui, bắn pháo hoa tại cảng Victoria,..
Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), Tết Nguyên đán cũng được xem là ngày lễ lớn nhất trong năm, là ngày mọi người trong gia đình tụ họp bên nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui, thành công, thất bại trong năm qua. Việc sum họp ngày Tết với người dân Đài Loan quan trọng đến nỗi nếu có một thành viên trong gia đình về trễ hoặc không về được họ vẫn để dành một chỗ ngồi cho những người này.
Cũng giống như người Việt Nam, ngày đầu tiên của năm mới có ý nghĩa đặc biệt với người dân Đài Loan và trong ngày này cũng có nhiều điều kiêng kỵ để mong cả năm được suôn sẻ. Trong phong tục đón Tết của người Đài Loan, người dân cũng thường mặc trang phục truyền thống hay quần áo mới vào ngày mùng 1 Tết. Người Đài Loan có tập tục ăn canh viên trong ngày Tết để thể hiện sự viên mãn, đầy đủ. Bên cạnh đó, trong dịp Tết cổ truyền ở Đài Loan cũng diễn ra nhiều hoạt động vui chơi giải trí để chào đón năm mới như thả hoa đăng, rước đèn…
Bên cạnh đó, Hàn Quốc là một trong những nước ăn Tết Nguyên đán, với tên gọi là “Seollal”. Dịp Tết, người dân thường mặc trang phục truyền thống hanbok, cúng bái tổ tiên, quây quần sum họp bên gia đình, nhận tiền mừng tuổi, tham gia các trò chơi dân gian như yunnori (trò chơi cờ), gongginolie (tương tự ô ăn quan), neolttwigi (nhảy bập bênh). Người Hàn Quốc ăn Tết nhất định phải có “tteok kuk” (canh bánh gạo), với ý nghĩa giúp rũ bỏ những điều không may, làm trong sạch cơ thể và tâm hồn dịp đầu năm mới.
Bên cạnh đó, Tết Losar là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đất nước Bhutan và cũng được tổ chức rất long trọng theo âm lịch. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình ở Bhutan đều tất bật dọn dẹp nhà cửa, bày biện các mâm cơm, mâm trái cây và dâng lên bàn thờ để cúng tổ tiên. Những mâm cơm thịnh soạn nhiều thực phẩm và hoa quả có ý nghĩa tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no trong năm cũ.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nhung-quoc-gia-an-tet-theo-lich-trang-post464674.html