Tại sao máy bay không người lái (UAV) quân sự của Trung Quốc lại có giá rẻ đến vậy? Nhưng câu “tiền nào của ấy” đúng trên mọi góc độ. Hiện một số quốc gia khai thác UAV vũ trang CH-4B của Trung Quốc, đang “dở khóc, dở cười”.
Không quân Iraq là minh chứng điển hình, họ đã mua 10 chiếc UAV CH-4B, nhưng chỉ còn một chiếc còn hoạt động được. Lý do là chất lượng UAV của Trung Quốc quá kém và dịch vụ bảo trì cũng tương xứng với loại vũ khí “giả rẻ”.
UAV CH-4B gần giống với loại UAV MQ-1 Predator do Mỹ sản xuất; một điều rất dễ đánh lừa khách hàng đó là, mặc dù là vũ khí “công nghệ cao” giá rẻ, nhưng UAV của Trung Quốc bao giờ cũng đầy đủ “option (chức năng)”, của một UAV tiên tiến nhất.
UAV CH-4B của Trung Quốc cũng được điều khiển từ xa thông qua vệ tinh và có thể mang theo nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác; vì vậy, trong một thời gian ngắn, đã phổ biến tại các quốc gia đồng minh của Mỹ tại khu vực Trung Đông, và đây là những khách hàng “ruột” của vũ khí Mỹ.
Nhưng đúng là “của rẻ là của ôi”, các quốc gia trót mua UAV Trung Quốc hiện đang “dở khóc, dở cười”; ngoài số UAV của Iraq “10 chiếc hỏng 9”, thì Không quân Jordan vào tháng 6/2019 đã tìm cách “sang tên nhanh”, 6 chiếc CH-4B của họ.
Không quân Jordan đã mua UAV CH-4B trang bị tên lửa vào khoảng năm 2016, sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối yêu cầu của Jordan, khi đề nghị mua UAV MQ-1; nhưng phải đến tháng 5/2018, không quân Jordan mới công khai sự có mặt của UAV CH-4B.
Lý do Không quân Jordan loại biên nhanh UAV CH-4B chỉ chưa đầy ba năm sau khi mua; theo lý do được tiết lộ, những chiếc CH-4B tỏ ra kém trong chiến đấu, không giống những gì mà nhà sản xuất quảng bá.
Xuống cấp nhanh, tầm hoạt động kém, hệ thống điều khiển dễ bị gây nhiễu; thậm chí CH-4B có thể tấn công nhầm vào chính quân mình, việc này đã được minh chứng qua việc UAV CH-4B của Ả Rập Saudi phóng tên lửa nhầm vào đám tang tại Yemen.
Nhưng một lý do nữa cũng có thể khiến Jordan nhanh chóng tống “cục nợ” CH-4B, đó là Mỹ đã nới lỏng quy định bán UAV Predator vũ trang cho khu vực Trung Đông nhằm hạn chế Trung Quốc “phủ sóng” vũ khí giá rẻ “công nghệ cao”, tại khu vực chiến lược này.
Hãng tin của Mỹ chuyên đưa tin về khu vực Trung Đông Al-Monitor cho biết: “Được tiếp thị tốt bởi cả chính quyền và doanh nghiệp Trung Quốc, nên UAV CH-4B đã nhanh chóng phủ kín Trung Đông; nhưng sự thành công của UAV Trung Quốc, lý do một phần cũng do chính quyền Mỹ, áp đặt điều kiện bán UAV vũ trang cho các đồng minh của họ trong khu vực”.
“Ai Cập, Ả Rập Xê-út, UAE và Iraq đều đã mua phiên bản vũ trang CH-4B và loại này đã được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động chiến đấu ở Yemen và chống lại lực lượng của nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Iraq”, Al-Monitor bình luận.
Tuy nhiên Jordan không bao giờ từ bỏ việc cố gắng mua UAV vũ trang của Mỹ. Vận may đã mỉm cười với Jordan, khi Tổng thống Mỹ Trump “cởi mở” hơn, trong việc bán UAV vũ trang cho khách hàng tại Trung Đông, không chỉ vì lợi ích quân sự, mà còn là một cách cạnh tranh thương mại với Trung Quốc.
Trong thời gian qua, những vũ khí giá rẻ mang nhãn hiệu “Made in China”, đang dần trở nên phổ biến tại các chiến trường Trung Đông. Các đồng minh truyền thống của Mỹ, đang quay sang Bắc Kinh, để mua các công nghệ mà Mỹ hạn chế xuất khẩu.
Lầu Năm Góc ngày càng lo ngại về hoạt động bán vũ khí ngày càng tăng của Trung Quốc, khiến nước này có thêm sức ảnh hưởng, để đảm bảo chỗ đứng kinh tế và quân sự, cũng như làm “xói mòn” mối quan hệ, với các đồng minh của Mỹ tại khu vực chiến lược Trung Đông.
Các nhà sản xuất UAV của Trung Quốc đang “thừa thắng xông lên”, dựa trên những kinh nghiệm bán UAV CH-4B cho khách hàng Trung Đông, Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, đã phát triển UAV CH-5 lớn hơn và mạnh hơn.
UAV vũ trang của Trung Quốc, mặc dù có chi phí thấp hơn các loại UAV của phương Tây và đặc biệt là Trung Quốc bán vũ khí, ít khi gắn kèm điều kiện chính trị, số lượng không hạn chế. Nhưng giá thành thường đi liền với chất lượng, vì vậy, nhiều nước ở trong cảnh “dở khóc, dở cười” với vũ khí “công nghệ cao” của Trung Quốc. Nguồn ảnh: Pinterest.
Tiến Minh