Những quy định mới đối với công chức, viên chức
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CB-CC) và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Tú cho biết:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB-CC và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 khi áp dụng sẽ có nhiều tác động tích cực đến công tác quản lý, sử dụng CB-CC, viên chức cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng.
* Một trong những quy định mới đáng chú ý của Luật CB-CC và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 là không còn CB-CC là lãnh đạo đơn vị sự nghiệp. Cụ thể quy định này như thế nào và quy định mới này có ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đang là công chức chuyển sang viên chức hay không, thưa ông?
- Theo quy định mới, kể từ ngày 1-7-2020, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập không còn là công chức. Tuy nhiên, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp sẽ tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách và áp dụng các quy định của pháp luật CB-CC cho đến hết thời hạn bổ nhiệm giữ chức vụ đang đảm nhiệm.
Do đó, về cơ bản, trong thời gian giữ chức vụ không có sự thay đổi về chế độ, chính sách đối với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Khi hết thời gian giữ chức vụ, trường hợp người đứng đầu đơn vị sự nghiệp tiếp tục được bổ nhiệm lại thì hưởng chế độ, chính sách và áp dụng các quy định có liên quan theo pháp luật viên chức.
* Theo quy định mới sẽ có 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời, cụ thể là những trường hợp nào?
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB-CC và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 quy định vẫn giữ nguyên 2 loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: viên chức được tuyển dụng trước ngày 1-7-2020; CB-CC chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo quy định của luật mới, các trường hợp viên chức được tuyển dụng kể từ ngày 1-7-2020 trở về sau, không thuộc 3 trường hợp nêu trên phải ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn trong khoảng thời gian từ đủ 12- 60 tháng.
* Việc xem xét thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức theo quy định mới có những thay đổi gì, thưa ông?
- Một trong những điểm mới là thời hiệu xử lý kỷ luật. Theo Khoản 1, Điều 80 Luật CB-CC năm 2008 quy định, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB-CC năm 2019 quy định cụ thể từng trường hợp như sau: 2 năm với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng (hình thức kỷ luật khiển trách); 5 năm với hành vi vi phạm nghiêm trọng (các trường hợp còn lại). Tuy nhiên, không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm sau đây: CB-CC là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; xâm hại lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả và không hợp pháp.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Tú cho rằng, để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 đi vào cuộc sống cần có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc nghiên cứu, triển khai, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo luật được triển khai thực hiện đầy đủ, đúng quy định.
Về thời hạn xử lý kỷ luật, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB-CC năm 2019 bổ sung quy định về thời hạn xử lý kỷ luật là 90 ngày, trường hợp phức tạp thì kéo dài không quá 150 ngày (CB-CC, viên chức áp dụng như nhau). Trước đây, Luật CB-CC năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 quy định không quá 2 tháng và không quá 4 tháng đối với trường hợp phức tạp.
Việc tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với CB-CC, viên chức trong đó một số trường hợp không quy định thời hiệu xử lý kỷ luật tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình phát hiện, xử lý kỷ luật CB-CC, viên chức. Đặc biệt, việc quy định công chức nghỉ hưu, viên chức nghỉ hưu vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật sẽ giúp CB-CC, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, tránh tâm lý ỷ lại; đồng thời tạo cơ chế thuận lợi trong việc xử lý các sai phạm do CB-CC, viên chức gây ra trước khi nghỉ hưu.
* Theo ông, những quy định mới của luật sẽ có ý nghĩa, tác động ra sao đối với CB-CC, viên chức trên địa bàn tỉnh?
- Có thể nói, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CB-CC và Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ CB-CC, viên chức cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng. Theo đó, việc quy định không còn công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với loại hình, tính chất hoạt động của đơn vị sự nghiệp và biên chế số lượng người làm việc hằng năm được phân bổ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ngoài ra, việc quy định không tuyển dụng mới viên chức trọn đời sẽ góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ viên chức trong qua trình thực thi nhiệm vụ, tránh tâm lý ỷ lại; đồng thời tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình quản lý, sử dụng viên chức, đặc biệt là các cơ quan, đơn vị có thể chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp viên chức làm việc không hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu(thực hiện)