Những quy định nào đang bó chặt chủ trương tự chủ đại học của Trung ương?
Chậm sửa đổi Luật Đấu thầu 2013 đã tạo ra mâu thuẫn với quy định của Luật 34/2018/QH14, trái chủ trương tự chủ đơn vị sự nghiệp công, cản trở tự chủ đại học.
Tăng cường tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đưa ra nhiều quan điểm chỉ đạo và mục tiêu; trong đó đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, cấp bách.
Nhiều giải pháp được đưa ra trong đó có đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công. Cụ thể phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường và thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp các dịch vụ.
Các dịch vụ công không sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thì xác định giá theo cơ chế thị trường; đơn vị được quyết định các khoản thu, mức thu bảo đảm, bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy để thu hút nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Thêm vào đó phải đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư, chi thường xuyên, thực hiện quản lý, kế toán theo mô hình doanh nghiệp. Các đơn vị đã bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyền quyết định số lượng người làm việc, tiền lương theo kết quả hoạt động, được nhà nước hỗ trợ về thuế, phí để tăng cường năng lực tài chính và khả năng tự cân đối.
Đối với các đơn vị sự nghiệp đủ điều kiện thì thực hiện chuyển đổi hoạt động sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các viện nghiên cứu, các trường đại học thì cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thành lập doanh nghiệp đa sở hữu nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng, triển khai, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Để nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, cần thực hiện nhiều giải pháp trong đó áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như mô hình quản trị doanh nghiệp.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Nghị quyết 19/NQ-TW cũng chỉ ra phải sửa đổi, bổ sung pháp luật về công chức, viên chức, đội ngũ nhà giáo và pháp luật có liên quan. Đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với việc quản lý đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Có thể nói, đường hướng, chủ trương của Đảng là rất đúng đắn, tạo hành lang pháp lý để rộng đường cho các đơn vị sự nghiệp công phát triển, trong hoàn cảnh các đơn vị này bị kìm hãm, bị bó hẹp, hạn chế trong khuôn khổ nhiều quy định của pháp luật không còn phù hợp với thực tế.
Trên tinh thần đó, ngày 24/01/2018 Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW yêu cầu các bộ, ngành liên quan điều chỉnh nhiều quy định của pháp luật hiện hành cho phù hợp với chủ trương, đường hướng, mục tiêu và các giải pháp mà Nghị quyết này đã đưa ra.
Cụ thể có thể kể đến yêu cầu Bộ Nội vụ xây dựng các Nghị định sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, về công chức, về chính sách tinh giản biên chế, về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, đặc biệt là trình cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài Chính sửa đổi, bổ sung Nghị định 16/2016/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát lại các quy định về thuế nhằm khuyến khích tự chủ tài chính và có tích lũy cho đầu tư.
Để nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập thì các bộ quản lý ngành, lĩnh vực cần hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực mình quản lý áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Về cơ chế tài chính, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp và giao quyền chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng phân định rõ việc quản lý nhà nước với quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng và đề xuất điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, 2019 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm tiếp theo, trong đó lưu ý các luật, pháp lệnh cần được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện thể chế về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và hệ thống tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện theo Chương trình hành động của Chính phủ, một số Bộ, Ban, Ngành đã rà soát sửa đổi các quy định, trình Quốc hội sửa đổi bổ sung và đã thông qua như: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 có hiệu lực từ 01/07/2019; Luật Đầu tư công 2019 có hiệu lực từ 01/01/2020; Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ 01/07/2020; và mới đây nhất là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 có hiệu lực từ 01/07/2020.
Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi theo hướng trao quyền tự chủ cao hơn về cho cơ sở giáo dục đại học bao gồm quyền tự chủ trong học thuật, quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự, và quyền tự chủ trong tài chính và tài sản. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Vấn đề này được quy định rõ trong việc sửa đổi Điều 32 như sau:
- Quyền tự chủ trong học thuật, trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, chính sách chất lượng, mở ngành, tuyển sinh, đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật.
- Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với giảng viên, viên chức và người lao động khác, quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật.
- Quyền tự chủ trong tài chính và tài sản bao gồm ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về nguồn thu, quản lý và sử dụng nguồn tài chính, tài sản; thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Riêng đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 cho phép hội đồng trường, hội đồng đại học tự quyết định việc sử dụng nguồn tài chính là nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước cấp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý theo quy định của quy chế chi tiêu nội bộ của mình.
Luật Viên chức đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ chế độ “biên chế suốt đời” đối với viên chức. Loại hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” sẽ không còn được áp dụng đối với các trường hợp tuyển dụng mới viên chức từ ngày 01/07/2020. Đây được xem như một sự thể chế hóa chủ trương về Quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn lực trong Nghị quyết số 19/NQ-TW của Ban chấp hành trung ương Đảng.
Luật Đầu tư công được thay đổi theo hướng Chính phủ sẽ quy định phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các cơ quan, đơn vị.
Mặc dù vậy, hiện tại vẫn còn nhiều quy định cũ; chồng chéo, “cản trở” quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập như:
- Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công vẫn chưa được ban hành; trong đó quan trọng nhất là xác định lại nguồn vốn đầu tư của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là nguồn vốn gì? (vốn do ngân sách để lại, vốn có nguồn gốc ngân sách hay vốn khác). Đặc biệt, nguồn khấu hao từ tài sản hình thành từ vốn vay được trích lập vào quỹ phát triển sự nghiệp thì được tính vào nguồn vốn nào?.
- Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học cũng chưa ban hành (mặc dù Luật đã có hiệu lực thi hành); trong đó chưa biết việc các trường công tự chủ hoàn toàn về chi đầu tư và chi thường xuyên áp dụng mô hình quản trị như doanh nghiệp sẽ được làm rõ như thế nào?
- Việc Nhà nước hỗ trợ về thuế, phí, cũng như giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy theo chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 19 thì đến nay Luật, Nghị định về thuế, phí vẫn chưa được sửa đổi; ví dụ: thuế thu nhập (đặc biệt để khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ phát triển hoạt động nghiệp cứu thì đối với nguồn thu có được từ hoạt động nghiên cứu có được miễn, giảm thuế thu nhập hay không?), thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ, Nghị định 16/2016/NĐ-CP,…
- Đối với việc thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các trường đại học thì đến nay Luật Doanh nghiệp vẫn chưa được sửa đổi.
- Những đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn về chi đầu tư, chi thường xuyên được thực hiện quản lý, kế toán, hạch toán như doanh nghiệp, nhưng đến nay Luật, nghị định hướng dẫn về kế toán vẫn còn áp dụng theo các quy định cũ.
- Thực tế, Luật Giáo dục đại học đã trao quyền cho Hội đồng trường, Hội đồng đại học của cơ sở giáo dục đại học tự quyết định việc sử dụng nguồn tài chính là nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước trong khi đó thực tế lại bị ràng buộc bởi quy định tiến hành đấu thầu tại Luật Đấu thầu 2013 (đã cũ và chưa sửa) như dự án sử dụng vốn nhà nước thông thường.
Trong bối cảnh quy trình thực hiện đấu thầu còn nhiêu khê, ràng buộc quá nhiều điều kiện khiến cho quá trình thực hiện của các cơ sở giáo dục đại học bị chậm trễ, đình trệ, không phát huy được thế mạnh tự chủ; và nhất là trong nhiều trường hợp, cơ quan chủ quản còn vin vào các quy định này để gây khó dễ cho các cơ sở giáo dục đại học vốn đang được tự chủ; thì rõ ràng việc chậm sửa đổi Luật Đấu thầu 2013 không những đã tạo ra mâu thuẫn với quy định của Luật Giáo dục đại học 2018, trái với chủ trương về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; mà còn cản bước tiến tự chủ cho các trường theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thiết nghĩ, các Bộ, Ban, Ngành có liên quan cần nhanh chóng hơn nữa trong việc rà soát, xây dựng và trình Quốc hội điều chỉnh các quy định pháp luật khác có liên quan cho phù hợp với chủ trương lớn của Đảng (Nghị quyết số 19/NQ-TW) và Nhà nước (Nghị quyết số 08/NQ-CP) về đổi mới tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là mục tiêu mở rộng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, trường đại học công lập nói riêng.