Những quy định nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2021

Phạt tới 3 triệu đồng nếu hành hạ vật nuôi; bỏ nội dung 'địa chỉ' trên thẻ BHYT mới; quy trình giám định pháp y đối với trẻ bị xâm hại tình dục…là các quy định nổi bật có hiệu lực trong tháng 4 này.

1. Phạt tới 3 triệu đồng nếu hành hạ vật nuôi

Chính phủ đã quy định mức phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo đối với vật nuôi.

Cụ thể, khoản 1 Điều 29 của Nghị định 14/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 chỉ rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

Từ 20/4, nếu hành hạ vật nuôi sẽ bị xử phạt tới 3 triệu đồng (ảnh minh họa)

Từ 20/4, nếu hành hạ vật nuôi sẽ bị xử phạt tới 3 triệu đồng (ảnh minh họa)

Riêng với cơ sở giết mổ tập trung, nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ cũng sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng.

2. Áp dụng mẫu thẻ BHYT mới từ ngày 01/4/2021

Theo Quyết định 1666/QĐ-BHXH ngày 03/12/2020, từ ngày 01/4/2021, bắt đầu áp dụng mẫu thẻ BHYT mới, với nhiều điểm mới như sau:

- Bỏ nội dung "địa chỉ" trên phôi thẻ

Phôi thẻ BHYT được áp dụng từ ngày 01/4/2021 sẽ bỏ nội dung về địa chỉ nơi cư trú của người có tên trên thẻ BHYT so với quy định tại Quyết định 1313/QĐ-BHXH ngày 02/12/2014.

Thông tin về địa chỉ (nơi cư trú hoặc nơi làm việc) sẽ được cập nhật trên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT và Cổng thông tin BHXH Việt Nam.

- Không còn ghi tên cha (mẹ) trên thẻ BHYT của trẻ dưới 6 tuổi

- Thẻ được ép plastic sau khi in.

- Phần mã số: chỉ in in 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia BHYT (mẫu hiện hành mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 04 ô).

- Thay đổi một số nội dung trên mặt sau của thẻ BHYT.

- Bổ sung một số thông tin vào mặt sau của thẻ.

3. Sửa Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông (sau đây gọi là Quy chế) ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 27/4/2021.

Theo đó, sửa đổi một số nội dung về điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 như sau:

- Đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Quy chế phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình GDTX thì không yêu cầu xếp loại loại li kiểu,

- Đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Quy chế phải có bằng tốt nghiệp THCS và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém;

Trường hợp không đủ điều kiện dự thị trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (năm) điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi ĐKDT), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định;

Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định.

4. Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị xâm hại tình dục

Quyết định 5609/QĐ-BYT ngày 31/12/2020 ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập.

Theo đó, ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp ý đối với:

+ Trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục.

+ Trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập.

Các bước khám giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục gồm:

(1) Tiếp nhận hồ sơ, phân công giám định:

- Tiếp nhận trưng cầu/yêu cầu, hồ sơ, đối tượng giám định

- Phân công cán bộ chuyên môn.

(2) Các bước khám giám định:

- Làm việc với cán bộ cơ quan trưng cầu

- Tiếp xúc người được giám định, gia đình, người giám hộ.

- Khám tổng quát

- Khám bộ phận sinh dục

- Khám hậu môn, trực tràng

- Khám miệng, hầu họng

- Khám các bộ phận khác trên cơ thể

- Khám chuyên khoa và các xét nghiệm cần thiết

- Nghiên cứu vật chứng hoặc thực nghiệm (nếu có)

- Bàn giao đối tượng giám định

- Tổng hợp, đánh giá kết quả.

(3) Hoàn thành trả kết quả giám định

- Hoàn Thành và ký kết luận giám định

- Trả kết quả giám định

- Lưu kết quả giám định.

Quy định có hiệu lực từ ngày 01/4/2021.

H.K

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-quy-dinh-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-4-2021-20210401080713057.htm