Những quyết định cẩu thả đang phá nát PSG
Ngay cả khi mùa giải mới chưa khởi tranh, PSG được dự đoán sớm đối mặt với rất nhiều thách thức. Tất cả vì đội bóng vẫn chưa tìm được văn hóa riêng dẫn lối đến chiến thắng.
Bây giờ là giữa tháng 6, tức chỉ còn hơn một tháng nữa PSG sẽ bước vào chuyến du đấu tiền mùa giải trên đất Nhật Bản. Vào lúc này, ghế huấn luyện viên của CLB vẫn chưa có chủ. Từ Jose Mourinho tới Julian Nagelsmann, tất cả được cho là từ chối đội bóng thủ đô Paris. Gần đây, truyền thông Pháp loan tin Luis Enrique tiến gần đến việc ngồi vào chiếc ghế nóng ở sân Parc des Princes.
PSG chưa có HLV mới, nhưng họ sớm ký hợp đồng với 4 tân binh trong kỳ chuyển nhượng hè 2023. Đó là Milan Skriniar, Manuel Ugarte, Marco Asensio, Kang-In Lee. Sắp tới, nhiều khả năng Cher Ndour cũng gia nhập đội bóng. Những quyết định của PSG tạo ra một sự khó hiểu cho người hâm mộ.
Một đội bóng hỗn loạn
PSG và Man City có cùng xuất phát điểm, hai đội bóng đều nhận được sự hậu thuẫn từ giới chủ Trung Đông giàu có. Điều này giúp họ nhảy vọt chất lượng đội hình, trở thành những CLB thống trị ở giải Ligue 1 và Premier League.
Thế nhưng, giữa PSG và Man City lại khác xa nhau về cấu trúc đội bóng. "The Citizens" phân chia công việc rõ ràng cho từng cá nhân. Ferran Soriano phụ trách điều hành thương mại, Txiki Begiristain được giao nhiệm vụ quản lý chuyên môn bóng đá, Pep Guardiola sắm vai người vận hành chiến thuật, phát triển, huấn luyện cầu thủ. Tất cả đều có chung ý tưởng, biến Man City thành đội bóng chơi với bản sắc riêng.
PSG thì ngược lại. Nội bộ đội bóng có sự mâu thuẫn giữa giới chủ và các giám đốc. Điều này xảy ra vào hè 2022 khi dàn lãnh đạo cấp cao của PSG muốn bổ nhiệm Zinedine Zidane dẫn dắt CLB, còn Giám đốc Thể thao Luis Campos lại chọn Christophe Galtier. Trong ván bài này, ông Campos giành chiến thắng. Galtier được đưa về sân Parc des Princes nhưng phải sớm khăn gói rời đi chỉ sau một năm ngắn ngủi.
Ở kỳ chuyển nhượng hè 2023, PSG chia tay hàng loạt cầu thủ - trong đó có Lionel Messi, Sergio Ramos - và đón về Skriniar, Ugarte, Asensio, Kang-In Lee,... Song, GĐTT Campos bàn bạc với ai để rồi đưa ra quyết định ký hợp đồng với họ? Cần nhớ rằng Galtier bị sa thải hồi tháng trước. Gần đây, Nagelsmann cũng từ chối tiếp quản công việc ở PSG. Một đòn giáng mạnh cho tham vọng của nhà vô địch Ligue 1.
Ngay cả khi truyền thông Pháp đưa tin Luis Enrique là ứng viên nặng ký cho vị trí HLV của PSG, thì mặt khác Luis Campos vẫn đang tính đến phương án B, đó là đặt niềm tin nơi Sergio Conceicao. Không cần phải có IQ của thiên tài để thấy rằng giới chủ PSG và GĐTT Campos không nhìn về một hướng, hệ quả khiến đội bóng thất bại trong việc có được sự ổn định. Cơn hỗn loạn này vẫn chưa có được hồi kết.
Đặt trường hợp Luis Enrique hay Sergio Conceicao ngồi vào ghế HLV của PSG, liệu họ đã có kế hoạch sử dụng Skriniar, Ugarte, Asensio, Kang-In Lee,...? Câu trả lời nhiều khả năng là không.
Những gì gã khổng lồ thủ đô Paris làm trên thị trường chuyển nhượng dường như chỉ để phục vụ cho mục đích của GĐTT Campos. Theo đó, HLV mới bắt buộc phải tự lên kế hoạch và tùy cơ ứng biến với những quân bài hiện có.
Mundo Deportivo dùng chữ "cẩu thả" để miêu tả cho cách những người đứng đầu đội bóng vận hành mọi thứ ở đây. Thay vì nỗ lực giúp đội bóng xây dựng nét văn hóa riêng, hình thành bản sắc cũng như có triết lý rõ ràng, PSG tự biến CLB thành gánh xiếc với những quyết định chóng vánh đầy cảm tính. Họ tin vào giấc mơ có phần điên rồ rằng "chỉ cần tập hợp những cầu thủ hay nhất thế giới thì có thể thống trị châu Âu".
Hơn một thập niên trôi qua kể từ ngày PSG được đổi chủ, họ liên tục thất bại ở Champions League. Theo số liệu chuyển nhượng trên chuyên trang Transfermarkt, từ mùa 2011/12 đến 2019/20, PSG chi ra 1,254 tỷ euro để mua sắm cầu thủ. Rất nhiều ngôi sao cập bến sân Parc des Princes, thậm chí đó là Neymar hay Lionel Messi. Sau tất cả, đội bóng Pháp vẫn chỉ là kẻ ngoài cuộc. Một cái tên không có văn hóa bóng đá.
Hè 2023, PSG tưởng chừng thay đổi chiến lược phát triển. Giới chủ không còn muốn ném tiền qua cửa sổ với những ngôi sao đã thành danh. Họ nói lời tạm biệt với Messi, Sergio Ramos. Song, quyết định sa thải HLV Galtier đẩy đội bóng vào vùng xoáy hỗn loạn. Một "hố đen" thật sự. Từ lúc này, PSG còn chưa biết ai sẽ ngồi ghế thuyền trưởng, đội bóng chơi với sơ đồ hay triết lý thế nào,...
Vì sao PSG phải xây dựng văn hóa bóng đá?
Một thập kỷ qua, thuật ngữ "văn hóa bóng đá" được giới chuyên môn đề cập đến rất nhiều. Trên thực tế, không có định nghĩa chính xác cho khái niệm "Văn hóa bóng đá", nó chỉ được tạm hiểu là CLB có cấu trúc vững mạnh, triết lý rõ ràng và mang bản sắc riêng. Một đội bóng liên tục đăng quang ở những sân chơi lớn cũng tạo ra "văn hóa chiến thắng", giúp họ xây dựng vị thế, khiến tất cả phải tôn trọng.
Trên ESPN, nhà báo Ryan O'Hanlon cho rằng Bayern Munich, Real Madrid, Liverpool và Manchester City là những CLB sở hữu "văn hóa bóng đá" vượt trội phần còn lại. Tất cả nhờ thành tích ấn tượng họ thu được ở Champions League trong một thập niên qua. Mùa 2022/23, Man City đăng quang sau nhiều năm chờ đợi.
Với Man City, họ xây dựng được bản sắc riêng từ khi Pep Guardiola dẫn dắt CLB. Real Madrid từ lâu sở hữu "DNA chiến thắng" ở Champions League. Mọi cầu thủ khi khoác áo "Los Blancos" đều biết rằng họ phải nỗ lực để giành lấy chiếc cúp tai voi danh giá, bằng không đó sẽ là thất bại mà thể giới đều nhìn thấy.
Liverpool chơi bóng theo phong cách " heavy-metal" được chỉ đạo bởi Jurgen Klopp, người luôn yêu cầu các cầu thủ phải chạy thật nhiều trên sân, đá phóng khoáng và đầy đam mê. Đó như bản nhạc Rock lúc nào cũng bùng cháy, làm kích thích người nghe, khiến họ phải luôn nhún nhảy theo điệu nhạc.
Tại Bayern, chỉ với chiến thắng thôi chưa đủ, họ còn phải ghi thật nhiều bàn, nghiền nát mọi đối thủ trên tất cả mặt trận. Dù cho đại diện nước Đức liên tục thay HLV những năm gần đây, nội bộ đội bóng vẫn xuất hiện nhiều lục đục, họ vẫn hình thành được bản sắc riêng. Đó là cấu trúc nền tảng CLB rất vững chắc.
Từ Real Madrid, Liverpool, Bayern tới Man City, tất cả đều có "văn hóa bóng đá" riêng. Còn PSG, điều duy nhất cầu thủ biết mình sẽ nhận được là rất nhiều tiền. Sau mỗi một hoặc hai mùa giải, ban lãnh đạo lại thay đổi HLV.
Ở sân Parc des Princes, sự kiên nhẫn là điều xa xỉ, điều này áp dụng cho người quản lý đội bóng, cầu thủ hay Giám đốc Thể thao. Theo thời gian, cách vận hành như vậy phá nát PSG.
Đầu tháng 6, Man City vô địch Champions League. Trái ngọt đến với đại diện thành Manchester sau hơn một thập niên giới chủ Trung Đông đổ tiền vào đầu tư CLB. Thành công của "The Citizens" được cho là cái tát khiến PSG choáng váng. Cả hai đội bóng đều có chung xuất phát điểm, nhưng chỉ một cái tên về đích.
Ở mùa 2022/23, Man City của Pep trình diễn thứ bóng đá được miêu tả "đến từ hành tinh khác". Trên chặng đường giành lấy chiếc cúp tai voi, họ nhấn chìm Bayern Munich, hủy diệt Real Madrid và thắng "xấu xí" trước Inter Milan đầy khó chịu. Những điều đó không được xây lên chỉ trong 1 hay 2 năm.
Tới nay, Pep đã dẫn dắt Man City được 7 mùa giải. Ông tạo ra được cỗ máy chiến thắng, với lối chơi theo đúng ý mình. Nhìn sang PSG, đã có HLV nào trụ được ở sân Parc des Princes lâu như Pep? Không một ai, dù cho đó là Thomas Tuchel, người từng đưa PSG vào chung kết Champions League nhưng rồi vẫn bị sa thải.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-quyet-dinh-cau-tha-dang-pha-nat-psg-post1441012.html