Những rào cản của mục tiêu 90-90-90 phòng chống HIV tại Hà Nội

Đến nay, kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-90 trong phòng chống HIV tại Hà Nội còn thấp, chỉ đạt 75,6% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm của mình được quản lý. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 đạt 90%. Thời gian còn lại không nhiều, trong khi vẫn còn những rào cản…

Chiều 12-11, tại Hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội đã thông tin về kết quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn TP trong 10 tháng; những hoạt động trong Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn.

Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, xác định công tác xét nghiệm phát hiện ca nhiễm HIV là nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu 90-90-90 nên năm 2019 ngành y tế Hà Nội đã mở rộng cơ sở xét nghiệm khẳng định tại các BV TP và trung tâm y tế quận, huyện, thị xã. Đến ngày 30-9-2019 đã có 11 cơ sở y tế được cấp chứng nhận đủ điều kiện xét nghiệm HIV, gồm 6 BV TP và 5 trung tâm y tế quận, huyện.

Từ hình thức xét nghiệm tự nguyện (khách hàng tự đến phòng tư vấn xét nghiệm), năm 2019 Hà Nội đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác như xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm. Ngoài ra, còn triển khai các biện pháp tiếp cận online đối với các đối tượng nguy cơ cao qua các trang mạng xã hội.

 Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội thông tin tại Hội nghị. Ảnh: T.A

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội thông tin tại Hội nghị. Ảnh: T.A

Đến ngày 30-9-2019 đã xét nghiệm cho 334.637 trường hợp, phát hiện 1.994 trường hợp dương tính, so với cùng kỳ năm 2018 có 733 trường hợp, phát hiện 443 ca nhiễm mới.

Trong công tác điều trị ARV, đến ngày 31-10-2019, Hà Nội duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị 14.209 bệnh nhân, trong đó có 18 phòng khám ngoại trú của Hà Nội điều trị 9.822 bệnh nhân đạt 70,1% chỉ tiêu kế hoạch; 1.410 bệnh nhân mới điều trị trong 10 tháng đầu năm 2019 đạt 26,3% chỉ tiêu; 97% người bệnh được xét nghiệm tải lượng có kết quả tải lượng vi-rút dưới 1.000cp/ml máu.

Tại 18 cơ sở điều trị HIV/AIDS của Hà Nội đang có 7.899 (chiếm 80,4% người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV có thẻ BHYT; 1.874 bệnh nhân tại 5 cơ sở điều trị đã nhận thuốc ARV nguồn BHYT.

Trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, có 92.564 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện mới 31 trường hợp; đã có 30/31 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV kịp thời để phòng lây nhiễm cho con; 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV còn sống được điều trị dự phòng bằng thuốc ARV; 45,9% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm chấn đoán HIV sớm, kết quả không trường hợp nào dương tính…

Mặc dù đạt được những kết quả trên nhưng so với chỉ tiêu đặt ra khi thực hiện mục tiêu 90-90-90 trong năm 2019 vẫn chưa đạt. Cụ thể, với mục tiêu phát hiện trường hợp nhiễm HIV tuy có tăng 438 ca so với cùng kỳ năm 2018 nhưng chỉ đạt 27,1% chỉ tiêu năm 2019; mục tiêu về số bệnh nhân được điều trị ARV mới đạt 26,3% với 1.410 người nhiễm. Tổng số người nhiễm HIV đang được điều trị đạt 79,3% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2019… Đến nay, mới có 75,6% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng của mình được quản lý.

Ông Hoàng Đức Hạnh chia sẻ, nguyên nhân khiến những kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-90 chưa cao do tình trạng kỳ thị với HIV vẫn còn-đây là rào cản chính khiến người có nguy cơ và người nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV. Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông tại một số cơ sở chưa được duy trì thường xuyên, tập trung chủ yếu trong các đợt chiến dịch.

Hiện, toàn TP có 17 cơ sở điều trị Methadone mới bao phủ được 15/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP khiến việc một số bệnh nhân phải di chuyển khoảng cách khá xa để đến được cơ sở điều trị uống thuốc hàng ngày. Tình trạng bệnh nhân sử dụng thêm các chất gây nghiện tổng hợp như Methamphetamine (hàng đá), Ketamine, estacy (thuốc lắc)… ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Việc tiếp cận đối tượng nguy cơ cao như mại dâm, quan hệ đồng giới để can thiệp ngày càng khó khăn, các phương pháp tiếp cận truyền thống (gặp gỡ trực tiếp) đã ít hiệu quả do sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội. Nhân lực phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến cơ sở thiếu và hạn chế về nghiệp vụ so với yêu cầu nhiệm vụ, cán bộ chủ yếu là kiêm nghiệm nhiều công việc.

Từ năm 2019, xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV đang từ miễn phí chuyển sang hình thức thanh toán BHYT đã được triển khai, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm duy trì, ổn định điều trị cho bệnh nhân.

Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian tới, ngành y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế); khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, giảm tác động của HIV với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Để đạt được mục tiêu này, ngành y tế giao chỉ tiêu cụ thể cho từng quận, huyện, thị xã; tăng cường truyền thông về lợi ích xét nghiệm HIV, hiệu quả điều trị ARV. Bình thường hóa với HIV/AIDS, giảm kỳ thị với người nhiễm HIV.

Cùng đó, tiếp tục mở rộng xét nghiệm HIV tìm kiếm ca bệnh nhiễm HIV, bao gồm xét nghiệm tại cộng đồng, tại BV, trong các cơ sở khép kín; tổ chức xét nghiệm phát hiện HIV theo các hình thức cố định và lưu động; xét nghiệm HIV không do nhân viên y tế thực hiện, tự xét nghiệm… tại các xã, phường, thị trấn và ở các thôn, làng, khu phố; mở rộng độ bao phủ khám chữa bệnh và cấp phát thuốc ARV qua BHYT.

Thịnh An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nhung-rao-can-cua-muc-tieu-90-90-90-phong-chong-hiv-tai-ha-noi-169850.html