Những rào cản ngăn chặn khả năng kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm'
Việc Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức tương đối cao có lẽ là điều hợp lý, nhưng kịch bản nền kinh tế Mỹ 'hạ cánh mềm' dường như có phần lạc quan.
Theo Nhật báo kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) số ra mới đây, Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) Mỹ quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,50%, nhưng dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng 0,25 điểm phần trăm trong năm nay.
Phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại buổi họp báo sau cuộc họp tương đối cứng rắn. Tuy nhiên, không có gì là bất ngờ và tất cả đều nằm trong dự đoán. Mặc dù vậy giới chuyên gia cho rằng vẫn có hai sự thay đổi đáng chú ý:
Thứ nhất, dự báo biên độ giảm lãi suất đối với năm 2024 của phần lớn các nhà hoạch định chính sách đã thu hẹp từ 1 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm phần trăm, điều này càng cho thấy Fed có ý định để cho lãi suất “duy trì ở mức tương đối cao trong thời gian dài hơn”.
Thứ hai, dự báo kinh tế mới nhất cho thấy các nhà hoạch chính sách đã có lòng tin hơn đối với việc nền kinh tế Mỹ sẽ đạt được trạng thái “hạ cánh mềm”. Tiếp tục duy trì lãi suất ở mức tương đối cao có lẽ là điều hợp lý, nhưng kịch bản nền kinh tế “hạ cánh mềm” vẫn có vẻ hơi lạc quan.
Theo “biểu đồ Dot Plot” dự báo lãi suất mới nhất, hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều hạ dự báo biên độ giảm lãi suất năm 2024 từ mức 1 điểm phần trăm xuống còn 0,5 điểm phần trăm, hơn nữa giá trị dự báo lãi suất năm 2025 cũng như giá trị ước tính đối với “lãi suất trung tính” đều cao hơn nhiều so với mức thực tế trước khi xảy ra dịch bệnh.
Điều này cho thấy Fed vẫn giữ quan điểm thận trọng đối với tốc độ suy giảm của lạm phát, đồng nghĩa với kỷ nguyên lãi suất siêu thấp đã trở thành dĩ vãng. Do chiến dịch chống lạm phát của Fed đã bước vào “chặng đường cuối khó khăn”, nên việc duy trì lập trường kiên định “thà rằng thắt chặt, còn hơn nới lỏng” hiện nay có thể nói là cách tiếp cận vừa hợp lý vừa cần thiết, đảm bảo an toàn.
Một tín hiệu khác đáng chú ý chính là các nhà hoạch định chính sách của Fed có thêm niềm tin về việc nền kinh tế có thể đạt được hạ cánh mềm trong dự báo kinh tế mới nhất. Các nhà hoạch định chính sách nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm này từ mức 1% lên 2,1%, tỷ lệ thất nghiệp cuối năm giảm từ 4,1% xuống 3,8%.
Điều chỉnh dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 từ mức 1,1% lên 1,5%, dự báo tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,5% xuống còn 4,1%, tất cả đều chứng minh các nhà hoạch định chính sách không cho rằng nền kinh tế có nguy cơ cao rơi vào suy thoái trong năm 2024. Chủ tịch Powell cũng nhấn mạnh, mặc dù nền kinh tế có thể “hạ cánh mềm” không phải là quan điểm cơ bản của Fed, nhưng điều này vẫn có thể đạt được.
Tuy nhiên, muốn đạt được “hạ cánh mềm” thì cần phải có hai điều kiện. “Hạ cánh” là điều kiện tiên quyết, nghĩa là lạm phát đạt quanh mục tiêu 2%. “Mềm” là khi lạm phát đạt mục tiêu, nền kinh tế không rơi vào suy thoái, nhưng đây không phải là tình huống tất yếu khi nền kinh tế “hạ cánh”. Nếu để đạt được “hạ cánh”, dựa vào lãi suất cao để kiềm chế hoạt động kinh tế và đồng thời chống lạm phát thì sẽ khiến cho rủi ro suy thoái kinh tế tăng cao.
Xét từ tình hình kinh tế hiện nay và dự đoán của Fed, muốn đạt được “hạ cánh mềm”, nhiều nhất chỉ điều kiện “mềm” là khá đầy đủ, vẫn còn một chặng đường dài để lạm phát “hạ cánh”, hơn nữa quá trình tương đối mong manh.
Đầu tiên cần phải lưu ý rằng tỷ lệ lạm phát hiện nay vẫn cách mục tiêu 2% tương đối xa. Thứ hai, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ, chi tiêu tiêu dùng bùng nổ khiến cho giá các loại dịch vụ tăng cao, nên lạm phát khó giảm nhanh. Tiếp đó, giá dầu quốc tế đã liên tục tăng từ tháng Bảy năm nay, gần đây có thời điểm áp sát mức 95 USD/thùng, tăng gần 30% so với mức giá trong tháng Sáu.
Thị trường dầu thậm chí đang hướng đến mốc giá 100 USD/thùng. Hệ lụy là giá xăng, dầu diesel ở Mỹ cũng leo thang mạnh, không những thúc đẩy tỷ lệ lạm phát chung từ thấp lên cao, mà chắc chắn sẽ đẩy chi phí vận chuyển tăng lên. Điều này khiến cho lạm phát lõi cũng có thể tăng theo. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện tín hiệu chạm đáy sơ bộ, một khi triển vọng kinh etes Trung Quốc phục hồi thì toàn cầu sẽ mất đi một lực lượng kiềm chế lạm phát. Chính vì vậy, Fed có lý do để thận trọng với xu hướng lạm phát hơn.
Trên thực tế, không chỉ “hạ cánh” không dễ, mà ngay cả yếu tố “mềm” cũng có rủi ro. Trước hết, giá dầu tăng một mặt đẩy cao lạm phát tổng thể, nhưng đồng thời cũng hạn chế những hoạt động chi tiêu không cần thiết của người dân, điều này vừa giúp hạ thấp lạm phát lõi, nhưng cũng kiềm chế tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng tổng thể rất khó dự đoán.
Thứ hai, gần đây Nghiệp đoàn công nhân ô tô Mỹ (UAW) đã phát động cuộc đình công, mục đích yêu cầu tăng lương và đảm bảo giờ làm cho công nhân tại ba hãng sản xuất ô tô lớn nhất Mỹ. Cuộc đình công đang có xu hướng lan rộng, tối đa có thể làm cho sản lượng ô tô giảm 1/3 do thiếu hụt lao động. Tiếp đó, chi tiêu hiện nay của chính quyền liên bang Mỹ chỉ kéo dài đến ngày 30/9, nếu không đạt được thỏa thuận thì rất có thể Nhà Trắng có thể bị đóng cửa.
Nếu sự gây nhiễu của những sự kiện này đối với nền kinh tế Mỹ tiếp tục kéo dài thì chắc chắn sẽ kiềm chế chi tiêu tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng đến những nỗ lực trong cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 10/2023, hàng triệu người mắc nợ các khoản vay sinh viên sẽ buộc phải nối lại việc trả nợ, trong khi Fed tăng mạnh lãi suất, ngân hàng thắt chặt cho vay, các khoản dự trữ trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 của người tiêu dùng sắp cạn kiệt, tất cả đều đánh mạnh vào niềm tin của người tiêu dùng, từ đó khiến cho nền kinh tế đột ngột chuyển từ có hy vọng “hạ cánh mềm” sang “lao dốc”.
Việc Fed kiên trì chống lạm phát là hoàn toàn có lý do. Tuy nhiên, gia tăng niềm tin về khả năng đạt được “hạ cánh mềm” có thể là còn quá sớm. Ngay cả khi kinh tế Mỹ đạt được hạ cánh mềm trong ngắn hạn thì cũng có thể rất khó để duy trì trong tương lai./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhung-rao-can-ngan-chan-kha-nang-kinh-te-my-ha-canh-mem/307931.html