Những rào chắn vô tâm, vô tình
Người phụ nữ khuyết tật ngồi trên xe lăn ở vỉa hè, bất lực không thể đi qua các rào chắn bằng sắt đã được ghim chặt xuống đất...
Người bạn vong niên gửi cho tôi 1 clip và vài hình ảnh thể hiện tình cảnh những người khuyết tật rất khó khăn khi di chuyển trên vỉa hè do các rào chắn, ở 2 thành phố: Hà Nội và TPHCM. Bạn nói, nhìn các hình ảnh và xem clip ấy, xúc động cay mắt. "Tại sao chúng ta lại có thể vô tình, vô tâm với những người khuyết tật như vậy? Và chẳng lẽ chúng ta chỉ có thể xúc động, mà không thể làm được điều gì khác hơn hay sao?", người bạn đưa ý kiến.
Clip được quay tại đường Nguyễn Huệ, Q.1, TPHCM. Nguồn: T.N.Q
Trong clip được quay trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, ngay ngã 3 Nguyễn Huệ - Nguyễn Thiệp, một bạn khuyết tật ngồi trên xe lăn muốn đi vào đoạn giữa dành riêng cho người đi bộ nhưng đường đã bị chắn bằng "hành lang" bê tông. Một nhóm bạn trẻ đã hỗ trợ bằng cách đẩy viên bê tông rào chắn đường, để người khuyết tật có thể "tản bộ" giống như mọi người. Một clip rất đời thường, lấy đi nước mắt của những ai được tiếp cận.
Ở tấm hình khác, người phụ nữ ngồi trên xe lăn với ánh nhìn bất lực trước các thanh chắn bằng sắt trên vỉa hè Hà Nội, trên phố Tôn Đức Thắng, khu vực gần Quốc Tử Giám. Trước mặt và phía bên tay trái của chị, đã bị rào chắn hết. Một tình cảnh tương tự kiểu "thập diện mai phục", rất thương xót.
Trong một cuộc trò chuyện, nhà văn Trần Trà My - thường tự nhận là cô gái "6 chân" bởi di chứng sốt bại liệt khiến My phải di chuyển với sự hỗ trợ của chiếc xe lăn đẩy, cho biết nhiều lần đối mặt với các tình cảnh oái oăm.
"Mấy tháng trước, nghe tin Coop Mart mở thêm chi nhánh tại đường Phan Văn Hớn, Q.12, tôi cũng đến trải nghiệm. Khi vừa xuống taxi, tôi đã quan sát và thấy có đường dành cho xe lăn. Vậy nhưng niềm vui tắt ngấm vì đoạn đường này đã bị người ta lấy nguyên một cây sắt hàn, chắn lại. Tôi phải đẩy cái khung xe của mình vòng ra nhờ tài xế taxi hỗ trợ tôi lên vài bậc cầu thang. Vừa lên tới cửa siêu thị, tôi đã gọi một bạn nhân viên ra hỏi lý do vì sao phải rào con đường dành cho xe lăn lại thì bạn đã trả lời rằng: "Phải làm vậy để khách hàng không đẩy xe hàng ra và đi luôn". Tôi vội hỏi lại: "Thế những người như chị thì sao em?" Và bạn nhân viên quả quyết họ sẽ hỗ trợ tôi hết mình. Ấy vậy mà khi mua hàng xong, tôi không hề thấy bất kỳ nhân viên nào chạy ra giúp tôi đẩy xe hàng xuống bậc cầu thang cả", Trà My kể chuyện.
Cũng theo chia sẻ của Trà My, trong một lần được trường Quốc học Pháp mời qua Paris tại hội thảo chuyên đề nghiên cứu về phụ nữ Việt Nam của GS Bùi Trân Phượng, tới phần phát biểu của Trần Trà My thì ông giám đốc trong trường không để cô phải lên sân khấu, thậm chí cũng không để ai hỗ trợ Trà My xuống dưới bậc sân khấu giảng đường cả. Toàn bộ khán giả, ban tổ chức chương trình và cả chị phiên dịch đều tiến tới hàng ghế Trà My ngồi, hỗ trợ phần chia sẻ của cô.
"Một tuần ở Paris, điều tôi thích nhất là được đi bộ ở vỉa hè, được băng qua đường, trong khi tất cả các phương tiện giao thông đều phải dừng lại ưu tiên, được hỗ trợ đi xe bus một cách chuyên nghiệp. Chứ ở Việt Nam, tôi chỉ dám đi tuyến xe bus từ Hà Nội về Ecopark, vì ở đó tài xế sẽ hỗ trợ người khuyết tật hoặc người già yếu mà thôi", Trần Trà My chia sẻ.
Theo thống kê năm 2023, Việt Nam có tới hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm đến 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên. Người khuyết tật có những hạn chế về mặt vận động, thuộc nhóm người yếu thế cần sự hỗ trợ của xã hội trên nhiều phương diện. Do vậy, các nhà hoạch định xã hội cần phải tính tới sự an toàn và thuận lợi hơn cho nhóm người này. Xin đừng để khi có tai nạn thương tâm xảy ra mới thay đổi, thì sẽ là quá muộn.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-rao-chan-vo-tam-vo-tinh-20231219125604896.htm