Những rủi ro phải đối mặt của lực lượng rà phá bom mìn Thủy quân lục chiến Mỹ
Quân đội Mỹ không thiếu những công việc nguy hiểm. Một trong những công việc nguy hiểm hơn cả là kỹ thuật viên xử lý vật liệu nổ, những người lính phục vụ trong các đội rà phá bom mìn. Đứng trước nguy cơ đe dọa đến tính mạng, trong khi những binh sĩ khác có thể sơ tán thì những kỹ thuật viên này lại nhào đến, và cái giá phải trả không nhỏ nếu vấp phải chỉ một sai sót nhỏ.
Đương đầu với thách thức
Các kỹ thuật viên xử lý vật liệu nổ của Thủy quân lục chiến Mỹ được đào tạo chuyên sâu kéo dài gần 1 năm, bao gồm rất nhiều kiến thức quan trọng để không chỉ tác nghiệp mà còn để tồn tại trong các tình huống ngặt nghèo. Ngay cả khi hoàn thành khóa đào tạo một cách xuất sắc, công việc của họ vẫn đầy rẫy thách thức. Đơn giản là đôi khi chất nổ rất phức tạp, hay bom ở vị trí khó quản lý như gần khu dân cư, bệnh viện, trường học. “Một vài lần tôi đã ở ngay trên quả mìn trước khi nhận ra điều đó” - Michael Gaydeski, chuyên gia kỹ thuật bậc 5 (bậc cao nhất) đã từng tham chiến ở Iraq và trải qua 23 năm rà phá bom mìn trong Thủy quân lục chiến nói.
Thượng sĩ Carlos Villarreal từng phục vụ Thủy quân lục chiến Mỹ trong hơn 18 năm cho biết: “Đã có lúc tôi đứng trước tình huống có thể sẽ chết. Tôi đã cố gắng hình dung ra tất cả những gì đã lựa chọn trong cuộc sống”. Một trong những khoảnh khắc đáng sợ nhất trong sự nghiệp của Villarreal là lần đầu tiên tham gia chiến đấu với tư cách kỹ thuật viên rà phá bom mìn. Khi trưởng nhóm của anh bị chết năm 2011 ở Afghanistan, Villarreal cảm thấy dao động bởi tính chất rủi ro quá lớn của công việc. “Anh ấy là một người mà chúng tôi rất ngưỡng mộ. Nhưng nếu giỏi như anh ấy mà vẫn có thể bị chết thì cơ hội để tôi tồn tại sẽ là bao nhiêu?” - Villarreal băn khoăn. Nhưng Villarreal đã gạt những suy nghĩ đó sang một bên và tiếp tục phát huy những kỹ năng được huấn luyện từ chính vị chỉ huy đã chết để sống sót trở về.
Dù may mắn sống sót, cả Gaydeski và Villarreal đều đã từng chứng kiến những đồng đội thiệt mạng hay những người khác phải chiến đấu với chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Khi làm việc, dù ai cũng có áo giáp (thường được gọi là áo bom) để bảo vệ bản thân trước những vụ nổ, nhưng chúng không khiến người mặc trở nên bất khả chiến bại. Ông Gaydeski nói: “Nếu nó là quả bom cỡ lớn thì tất cả các loại áo giáp trên thế giới cũng không thể cứu được anh”. Mặt khác, bộ đồ chống bom rất cồng kềnh, trong một số tình huống, nó làm hạn chế sự khéo léo của kỹ thuật viên và ảnh hưởng đến tầm nhìn của họ. Vì vậy, đôi khi kỹ thuật viên rà phá bom mìn chỉ mặc đồ bảo hộ hạn chế.
Tự mãn, chủ quan dễ dẫn đến sai lầm
Mỗi lính rà phá bom mìn của Thủy quân lục chiến Mỹ đều tiếp cận những áp lực của công việc một cách khác nhau. Villarreal nói rằng, những người lính thường “dựa vào nhau để vượt qua những khoảng thời gian căng thẳng”. Còn Gaydeski thì nói: “Đức tin cũng giúp đương đầu với những thách thức. Tôi tin vào Chúa. Nhưng đừng hiểu sai, tôi là một người khá cẩn thận và luôn truyền đạt kinh nghiệm cho các đồng đội của mình”. Khi có dự cảm không tốt, Gaydeski sẽ sử dụng robot hoặc một số phương tiện phá bom từ xa để giảm thiểu nguy cơ. Ngoài ra, mỗi người làm công việc này còn phải đề phòng sự tự mãn, vì chính sự tự mãn, chủ quan sẽ dẫn đến tổn thất, sai lầm.
Thủy quân lục chiến Mỹ thường tuyển lựa kỹ thuật viên rà phá bom mìn từ những người lính tình nguyện ở các binh chủng khác nhau. Gaydeski từng là lính bộ binh trong 4 năm, còn Villarreal là lính thông tin trước khi họ gia nhập lực lượng này. Công việc thu hút họ vì những lý do khác nhau. Villarreal quyết định trở thành kỹ thuật viên rà phá bom mìn khi thấy một đội phá bom đang làm nhiệm vụ lúc anh ta được triển khai tới Iraq. “Nhìn những người đó, sự chuyên nghiệp và lòng dũng cảm của họ khiến tôi muốn tham gia ngay. Tôi muốn là một trong những người tiến về phía nguy hiểm, khi mà hầu hết mọi người đang tránh xa” - Villarreal nói.
Khi một binh sỹ tình nguyện tham gia đội rà phá bom mìn của Thủy quân lục chiến, họ sẽ phải trải qua quá trình sàng lọc để xem có phù hợp hay không. Sau đó, họ được cử đến huấn luyện tại Căn cứ Không quân Eglin (Florida). Gaydeski kể, có lẽ phần khó nhất của khóa huấn luyện là một bài kiểm tra đòi hỏi các kỹ thuật viên tương lai phải sử dụng tất cả các kỹ năng mà họ học được trong chương trình. “Họ đưa cho bạn một tình huống như trong bệnh viện hoặc trường học. Bạn phải xử lý tình huống đó và tất nhiên không thể dễ dàng để mọi thứ nổ tung”. Bất kể đó là một kịch bản đào tạo hay tình huống thực tế, các kỹ thuật viên phải luôn nhớ rằng, việc làm của họ sẽ có hậu quả, nhưng phải giải quyết sao cho nỗi lo sợ không ảnh hưởng đến hành động.
Hiểu lầm trong mắt mọi người
Cả Gaydeski và Villarreal đều đang ở Căn cứ Thủy quân lục chiến Cherry Point (Bắc Carolina). Gaydeski là sĩ quan điều hành có nhiệm vụ ứng phó với chất nổ khẩn cấp, còn Villarreal là hạ sĩ quan tham mưu phụ trách phần xử lý vật liệu nổ.
Khi triển khai chiến đấu ở nước ngoài, các kỹ thuật viên này sẽ được biệt phái về các đơn vị khác nhau. Tại Mỹ, đôi khi họ còn hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật đối phó với các mối đe dọa tại địa phương, có trường hợp hoàn toàn khác với những gì họ đã thấy ở Iraq và Afghanistan. Đó là những loại chất nổ trôi dạt vào bãi biển sau một cơn bão. Đại dương chứa cả những viên đạn đại bác từ thời Nội chiến nước Mỹ và Chiến tranh cách mạng. Đó còn là những vật liệu nổ mà các cựu chiến binh Thế chiến II mang về nhà. “Cuộc gọi phổ biến mà chúng tôi hay nhận được ở Bắc Carolina là: Này các anh, tôi đang dọn dẹp nhà để xe của ông tôi và tìm thấy vài quả lựu đạn” - Gaydeski kể.
Theo Villarreal, khi anh tự giới thiệu về nghề nghiệp của mình, mọi người cứ nghĩ rằng anh phải là một người cuồng tìm kiếm cảm giác mạnh. “Một trong những quan niệm sai lầm là họ nghĩ chúng tôi nghiện cảm giác mạnh, chúng tôi điên rồ, chúng tôi thích làm cao bồi… Nhưng thực sự, chúng tôi khá hiền lành. Đối với tôi, mục tiêu là luôn cố gắng cứu mạng người khác. Tôi luôn có mặt trước tiên ở nơi nguy hiểm. Và tôi cho rằng, người muốn làm công việc này thuộc típ người hay quan tâm đến người khác” - Villarreal nói. Đồng quan điểm này, Gaydeski giải thích rằng, họ là những người chuyên nghiệp và đang tìm cách phục vụ đồng loại, giải trừ các mối nguy hiểm dù không biết điều gì có thể đã xảy ra.
Đội xử lý vật liệu nổ gồm những binh sỹ được đào tạo đặc biệt để ứng phó với việc xây dựng, triển khai, xử lý chất nổ như bom mìn, vũ khí hạt nhân, sinh học, hóa học… Họ đều có mặt trong 4 quân chủng Lục quân, Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến của quân đội Mỹ.