Những rung chấn đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008
Trong cuốn hồi ký, Ben S. Bernanke đã nhắc lại những rung chấn đầu tiên của của cơn bão tài chính ở nước Mỹ.
Ngày 15 tháng 8 năm 2007, tôi tranh thủ mấy phút giữa các cuộc điện đàm cập nhật thị trường để e-mail cho Seth, em trai tôi. Anna và tôi sẽ phải hủy kỳ nghỉ đã lên lịch với cậu ấy cùng các thành viên khác trong gia đình vào tuần tới tại biển Myrtle, Nam Carolina.
“Chắc em cũng đoán được lý do”, tôi viết.
Những chuyến đi biển luôn là truyền thống của gia đình. Tôi ghét phải bỏ lỡ nó. Giống như những chủ doanh nghiệp khác, cha mẹ tôi gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng gần như mỗi hè, họ vẫn sắp xếp một tuần để đưa tôi, Seth và em gái Sharon tới biển Myrtle. Đến khi trưởng thành, mấy anh em tôi cùng bố mẹ và các con cháu vẫn duy trì truyền thống này. Tôi đã chọn sẵn cuốn The New Bill James Historical Baseball Abstract (tạm dịch: Tóm lược lịch sử bóng chày của Bill James, bản mới) để đọc trong chuyến đi. Nhưng đáng tiếc là không phải cho năm nay.
“Em rất tiếc khi nghe tin đó. Chúc anh may mắn trong tình hình hiện nay nhé”, Seth đáp. “Tình hình hiện nay” là một cách nói giảm nói tránh. Sau nhiều tháng bất ổn, những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực nhà đất và cho vay thế chấp dưới chuẩn đang có xu hướng trở thành mối đe dọa tài chính nghiêm trọng hơn - tiềm ẩn nguy cơ chệch hướng, hay tệ hơn, như tạp chí Fortune tuyên bố chỉ một tháng trước, đó có thể là “đợt bùng nổ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay”.
Vào tuần trước, ngày 9 tháng 8, BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất nước Pháp, đã cấm các nhà đầu tư rút tiền từ ba trong số các quỹ đầu tư đang giữ chứng khoán MBS dưới chuẩn của Mỹ. BNP Paribas cho hay, đơn vị này không thể quyết định giá trị của các quỹ tín dụng vì “tình trạng thanh khoản bốc hơi hoàn toàn” trên thị trường đối với những chứng khoán đó. Nói cách khác, các nhà đầu tư mất niềm tin đối với chứng khoán MBS dưới chuẩn đến nỗi hầu hết người mua tiềm năng đều đã rút lui hoàn toàn khỏi thị trường.
Tiếp đó là làn sóng hoảng loạn bán tháo trên thị trường khắp thế giới. Các nhà đầu tư bắt đầu nhận ra rằng họ không hề biết chính xác ai mới là người sở hữu những loại chứng khoán liên quan tới vay thế chấp dưới chuẩn, cũng như có rất ít thông tin đáng tin cậy về những khoản vay bảo đảm cho các chứng khoán đó, và không thể lường trước thực thể tài chính nào tiếp theo sẽ từ chối khi họ muốn sử dụng tiền của mình trong thời gian tới. Sau thông báo của một ngân hàng tại Paris - Pháp, những thị trường chính của các thị trường tín dụng toàn cầu có vẻ dần đình trệ, tiềm ẩn những hệ quả kinh tế trầm trọng.
Một đòn giáng nữa xảy ra vào ngày 15 tháng 8, chính là ngày tôi gửi e-mail cho Seth, khi một nhà phân tích úp mở cho rằng định chế cho vay thế chấp lớn nhất nước Mỹ, Countrywide Financial, có thể sắp phá sản. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhanh chóng trượt dốc xuống mức thấp nhất trong vòng bốn tháng trở lại.
Trong khoảng thời gian đó, FED thường xuyên tiến hành đánh giá nguyên nhân và hậu quả của việc vỡ nợ thế chấp dưới chuẩn - và nói rộng hơn là sự suy giảm của thị trường bất động sản. Các chuyên gia của chúng tôi vẫn đều đặn cập nhật tin tức về thị trường cho vay thế chấp, doanh số bán nhà, giá cả và tình hình xây dựng của các dự án.
Chúng tôi xem dấu hiệu hạ nhiệt trong lĩnh vực từng được xem là “điểm nóng” đầu tư là điều tất yếu, thậm chí là cần thiết. Nhưng vào những tháng đầu tiên của năm 2007, năm thứ hai tôi giữ chức Chủ tịch FED, làn sóng hạ nhiệt này bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và không còn nhẹ nhàng như trước.
Như tôi đã trình bày với Ủy ban Kinh tế Hỗn hợp vào tháng 3 năm 2007, thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn “điều chỉnh đáng kể”. Các khoản thế chấp không trả đúng kỳ hạn đang dần tăng lên, đặc biệt là các khoản vay dưới chuẩn với lãi suất linh hoạt.
Tuy nhiên, điều đặc biệt đáng lo ngại là các khoản vay trả trễ hạn ngay từ đầu (trễ hạn xảy ra ngay sau khi khoản vay được xúc tiến) có xu thế gia tăng đột biến. Khi các nhà đầu tư giữ thái độ hoài nghi các khoản vay thế chấp, khách hàng mua nhà tiềm năng, đặc biệt là những người có hồ sơ tín dụng kém, sẽ ngày càng khó vay tiền. Nhưng nền kinh tế nhìn chung vẫn tiếp tục phát triển và tạo thêm nhiều việc làm mới. Trên thực tế, tăng trưởng kinh tế đã vượt quá kỳ vọng của chúng tôi trong quý II và quý III của năm 2007, sản lượng tăng mạnh với tốc độ gần 4% theo các báo cáo cùng kỳ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp.
Vậy điểm cốt yếu ở đây là gì? Tôi đã đưa ra kết luận tạm thời của mình trước các thành viên của Ủy ban như sau: “Trong tình hình hiện nay… rõ ràng, tác động của các vấn đề trong thị trường vay thế chấp dưới chuẩn đối với nền kinh tế trên diện rộng và các thị trường tài chính rất có thể đã được đẩy lùi”.
Đến khi gửi e-mail cho Seth vào trung tuần tháng 8, dĩ nhiên tôi nhận ra mình đã sai. Cụm từ “rất có thể đã được đẩy lùi” cứ mãi bám riết lấy tôi. Nhưng lúc đó, kết luận của tôi đã được chia sẻ rộng rãi trong nội bộ FED, và được hầu hết người tham gia thị trường cùng các nhà bình luận truyền thông biết tới.
Chúng tôi tin rằng sự chững lại của thị trường bất động sản và các vấn đề thế chấp dưới chuẩn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế chủ yếu thông qua hai kênh: một là thông qua thu hẹp việc làm trong ngành xây dựng và trong các ngành liên quan tới bất động sản như trang thiết bị nội thất; hai là thông qua cắt giảm tiêu dùng. (Giá nhà đất hạ khiến chủ nhà cảm thấy giá trị của căn nhà cũng giảm, qua đó làm giảm khả năng khai thác giá trị vốn sở hữu căn nhà của họ - dù bằng việc tái cấp vốn “bằng tiền mặt” hay thông qua các khoản vay thế chấp).
Về cơ bản, lối tư duy này hệt như những gì Steve Braun và tôi đã áp dụng hồi năm 2005 tại Hội đồng Cố vấn Kinh tế khi ước tính tác động của kịch bản bong bóng giá bất động sản đổ vỡ trong bản tường trình gửi đến Tổng thống Bush.
Bản tường trình của tôi và Steve đã sai vì không tính đến khả năng những tổn thất trong việc cho vay thế chấp dưới chuẩn gây bất ổn định cho cả hệ thống tài chính của Mỹ lẫn toàn cầu. Ngay cả khi đến đầu năm 2007, tình huống đó vẫn có vẻ quá xa vời.