Những sắc màu của giá trị nhân văn

Trong gian khó của cuộc chiến chống dịch năm qua, những người chiến sĩ áo trắng đã góp phần làm tỏa rạng bức tranh đầy ắp những sắc màu nhân văn.

Trong lá thư gửi lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Nhân dân càng hiểu, trân trọng, biết ơn sự hy sinh của tất cả các anh chị em trên tuyến đầu, nhất là đội ngũ cán bộ y tế. Những cống hiến đó đã tạo nên bức tranh đẹp lan tỏa sâu rộng trong cuộc chiến chống dịch với những sắc màu của giá trị nhân văn, đức hy sinh, sự sẻ chia và tình đoàn kết toàn dân tộc”. Thực sự, trong gian khó của cuộc chiến chống dịch năm qua, những người chiến sĩ áo trắng đã góp phần làm tỏa rạng bức tranh đầy ắp những sắc màu nhân văn ấy.

Chiến đấu, Chiến đấu và Hy vọng

Nếu hỏi chúng tôi hôm nay là thứ mấy ngày mấy thì quả thực không ai biết… Vì chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm về ngày tháng nữa. Lúc này, tất cả chỉ biết có: Chiến đấu, Chiến đấu và Hy vọng”.

“Nhiều đêm, cả đội y bác sĩ cùng lo khâm liệm người bệnh sau khi tử vong, để rồi khi nhìn sang nhau ai cũng khóc. Những cuộc điện thoại của người nhà bệnh nhân cứ dồn dập đến và hầu như họ đều chết lặng hoặc thảng thốt không dám tin khi nhận thông báo từ bác sĩ nên công việc cũng rất áp lực. Lúc đầu tôi và cộng sự của mình rất khó ngủ. Nếu triền miên như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Người nọ phải chỉ cho người kia cách giữ cân bằng tâm lý, chặn lại các mệt mỏi kéo dài”.

Đó là những lời tâm sự đầy ám ảnh của Tiến sĩ Đỗ Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện dã chiến 16 - TP. Hồ Chí Minh) và bác sĩ Nguyễn Thanh Huy, Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. Hồ Chí Minh trong thời điểm dịch bùng phát mạnh mẽ nhất tại các tỉnh phía Nam. Những câu từ ấy cũng thể hiện đầy đủ nhất của sự vất vả, hy sinh của đội ngũ y tế trong suốt cả năm 2021.

Năm 2021, ngành Y tế đối mặt với thử thách khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 chưa từng có trong lịch sử.

Với kinh nghiệm có được từ những thắng lợi đạt được trong công tác chống dịch trong năm 2020, lực lượng y tế đã triển khai một cách nhịp nhàng, chủ động từ việc dập tắt dịch ở Quảng Ninh, Hải Dương đến Bắc Giang, Bắc Ninh. Nhưng đến khi dịch bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và nhiều tỉnh phía Nam thì mọi việc đã trở nên khốc liệt. Ngành Y đứng trước thử thách lớn chưa từng có trong lịch sử.

Như chia sẻ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Ngành y tế đã trải qua thời gian hết sức khó khăn, thử thách; một lúc cùng làm nhiều nhiệm vụ để vừa phòng, chống dịch, vừa điều trị nhằm giảm thiểu tử vong, cứu mạng sống của bệnh nhân COVID-19. Đội ngũ nhân viên y tế sẵn sàng lên đường ngay khi có lời hiệu triệu để vào cùng các địa phương chống dịch. Có nhiều cặp vợ chồng công tác trong cùng ngành y đã cùng xung phong lên đường, có những bác sĩ nghỉ hưu đã vượt hàng ngàn cây số và có người trải qua cảm giác mất người thân nhưng không thể về chịu tang… Không chỉ thế, đội ngũ nhân viên y tế đã nỗ lực gấp hai, gấp ba lần so với bình thường. Không chỉ chịu áp lực bởi việc thiếu thốn trang thiết bị mà còn khó khăn khi số bệnh nhân có lúc tăng lên nhanh chóng, nhiều người trở nặng, nguy kịch….

Vô vàn những khó khăn, như chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cứ một đợt dịch trải qua, họ phải nghỉ thực hiện giãn cách 2 tuần rồi lại đến đợt dịch khác. Bởi thế nên cuộc sống cũng bị rối loạn rất nhiều. Đồng nghiệp của ông có nhiều người trải qua quá trình chống dịch quá vất vả đã bị stress nghiêm trọng, thậm chí phải điều trị tại bệnh viện vì bị stress quá mức. Thực tế, hàng nghìn người bao gồm y, bác sĩ, nhân viên y tế đã mắc COVID-19, có người vĩnh viễn ra đi...

Nhưng khó khăn, mất mát không cản trở người thầy thuốc vượt gian khổ, cống hiến hết mình cho sứ mệnh thiêng liêng: bảo vệ sức khỏe người bệnh. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong thử thách khốc liệt nhất của đại dịch thì những phẩm chất tốt đẹp nhất của người thầy thuốc Việt Nam đã được bộc lộ. Sự kiên cường, nỗ lực chữa trị, dập dịch của đội ngũ chiến sĩ áo trắng đã mang lại những kết quả, dịch bệnh cơ bản được khống chế trên quy mô toàn quốc, đất nước có cơ hội bước vào thời kỳ bình thường mới.

Ghi nhận sự đóng góp ấy, trước Quốc hội và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: “Trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương lực lượng y tế - những chiến sĩ áo trắng, cùng với các lực lượng tuyến đầu trong suốt gần 2 năm vừa qua, đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4 đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại gian khổ, hy sinh, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đây là những nghĩa cử cao đẹp để lại những tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân và cử tri cả nước”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu cả nước đã nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao, ghi nhận và tri ân những hy sinh cao cả của lực lượng tuyến đầu, đặc biệt đội ngũ y tế. Đồng thời thấu hiểu, chia sẻ những mất mát của lực lượng tuyến đầu.

Vá lành những tổn thương để làm tròn sứ mệnh thiêng liêng

Cuộc chiến với đại dịch COVID-19 làm tỏa rạng hơn lúc nào hết hình ảnh những con người đang khoác trên mình tấm áo blouse trắng.

Nhưng nhớ lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lá thư gửi Hội nghị cán bộ ngành Y tế ngày 27/2/1955

“...cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y như từ mẫu”, nhìn lại những gì đã xảy đến với ngành Y trong năm 2021 vừa qua, mới thấy, ngành Y còn làm nhiều việc phải làm để thực sự là những “Lương y như từ mẫu”, trung trinh với nghề, với sứ mệnh cứu người.

Những việc phải làm ấy, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhấn mạnh: “Có những thứ mới xuất hiện trong lúc chúng ta chống dịch khi hệ thống y tế bị quá tải, nhưng cũng có những tồn tại, không chỉ trong ngành y tế, trong cả quản lý điều hành, xã hội nói chung. Chúng ta phải khẩn trương khắc phục bởi không thể để một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa rồi xảy ra nữa”. Trong những lỗ hổng đó thì sự thiếu đầu tư bài bản cho y tế cơ sở, công tác dự báo tình hình dịch COVID-19 chưa lường hết trước nguy cơ, vấn đề điều hành vẫn còn nhiều điểm cần chấn chỉnh như việc loạn giá xét nghiệm.

Đặc biệt, trong năm qua, ngành Y chứng kiến nhiều lãnh đạo, chuyên gia Y tế đầu ngành bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố điều tra. “Không còn gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người là tinh hoa của đất nước. Trong một xã hội mà nhiều người đang được coi là lực lượng chủ lực, những người được xã hội nể trọng, danh xưng cao quý là người thầy, thì đây là hiện tượng rất đáng lo ngại” - đại biểu đoàn Đồng Nai Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã phải thốt lên đầy đau xót.

Bàn về thực trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long từng trao đổi: “Những sai phạm đó xuất phát từ nhiều lý do, như về cơ chế, hướng dẫn, đặc biệt là do những vi phạm mang tính cá nhân. Mặc dù đã có các quy định về đấu thầu rất cụ thể nhưng vẫn có những vi phạm”.

Trong khi đó, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân Nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) lại cho rằng: “Nếu đổ cho nguyên nhân vì bố trí cán bộ lãnh đạo từ người làm chuyên môn thuần túy nên mới xảy ra sai phạm thì tôi cho rằng nếu có thì điều này cũng không căn bản. Tại sao người khác làm bình thường nhưng mình làm lại gây hậu quả. Còn câu chuyện người làm chuyên môn đi làm quản lý nếu có cũng không phải là nguyên nhân trực tiếp”.

Còn theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, bất cứ ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực, nhưng với ngành y tế, mục đích là phục vụ người bệnh, nên phải làm sao tạo điều kiện cho nhân viên y tế, các cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển y đức. “Không thể để cứ xảy ra chuyện ta lại sử dụng biện pháp hành chính, biện pháp hình sự. Tôi là người trong ngành y tế rất đau lòng và người dân sẽ phải trả giá cho việc đó”.

Những tiếc nuối, xót xa ấy, có lẽ không nên chỉ “nghe rồi để đó”. Hy vọng trong năm 2022 và những năm sắp tới, ngành Y tế trong thời gian ngắn phải sớm “vá” lại những tổn thương của mình, “khỏe mạnh” hơn nữa để còn gánh vác trọng trách lớn như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ rõ: “Trong thời gian tới, ngành Y tế phải đúc kết được kinh nghiệm trong thời gian phòng, chống dịch để sớm tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược tổng thể về kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong điều kiện thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả và linh hoạt”. Đó là sự mệnh thiêng liêng mà cả dân tộc đang đặt lên vai ngành Y tế.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-sac-mau-cua-gia-tri-nhan-van-post175025.html