Những sách ảnh đáng chú ý trong năm 2020
'Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19', 'Hà Nội 1967-1975' là hai trong số những cuốn sách ảnh đáng chú ý trong năm.
Năm nay, bên cạnh khai thác chủ đề thời sự như Covid-19, các đơn vị làm sách còn chú trọng việc làm các sách ảnh về nước ta cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ
Sách do Đông A và NXB Dân trí liên kết phát hành, tập hợp 261 bức ảnh quý về nước ta cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của tác giả người Pháp Pierre Dieulefils.
Năm 1885, Pierre Dieulefils từ Pháp đến Đông Dương. Ông đã dành nhiều thời gian, công sức để chụp những bức ảnh phong cảnh, đời sống, sinh hoạt người Việt.
Năm 1909, ông cho xuất bản cuốn sách ảnh Indo-chine Pittoresque & Monumentale: Annam - Tonkin (Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ). Cuốn sách trưng bày tại cuộc đấu xảo quốc tế ở Bruxelles năm 1910 và được trao huy chương vàng. Năm 1910, ông tiếp tục cho ra mắt cuốn Cochinchine - Saïgon et ses environs (Nam Kỳ - Sài Gòn và vùng phụ cận).
Sách Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ là ấn phẩm gộp từ hai cuốn sách trên của Dieulefils. Sách cho thấy vẻ đẹp nước ta cách đây hơn 100 năm. Đó là những cảnh quan, công trình kiến trúc, di tích văn hóa - lịch sử, con người khắp miền đất nước.
Ký ức Đông Dương Việt Nam - Campuchia - Lào
Sách do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Việt Nam thực hiện, phát hành vào đầu tháng 7.
Kho lưu trữ ảnh của Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) có nhiều bức ảnh quý hiếm. Những hình ảnh này phản ánh tự nhiên và văn hóa, con người và thiên nhiên, lễ hội và truyền thống, thực hành Phật giáo… của Đông Dương. Trong số đó, nhiều bức ảnh quý hiếm phản ánh đời sống sinh hoạt của người Việt Nam hàng trăm năm trước.
Bên cạnh việc giới thiệu những tư liệu ảnh quý phản ánh tự nhiên, văn hóa, con người, thiên nhiên, di sản… của Đông Dương, sách còn là sợi dây nối liền ký ức thông qua nét đẹp của phụ nữ Việt Nam khi ngược dòng thời gian trở về đầu thế kỷ 20.
Hà Nội 1967-1975
Sách do Nhã Nam và NXB Thế giới liên kết phát hành vào giữa tháng 10. Cuốn sách bao gồm 130 bức ảnh được chọn ra từ hàng nghìn bức ảnh chụp Hà Nội trong giai đoạn 1967-1975 của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Đức Thomas Billhardt.
Hà Nội 1967-1975 đem đến cho người xem cảm nhận về một Hà Nội xưa với những giây phút đời thường, dung dị và đầy cảm xúc.
Qua ống kính của Thomas người xem trở về với Hà Nội của quá với những hầm trú bom chằng chịt trên hè phố, là những phố xá vắng bóng người, là những dáng người trong mưa, gương mặt trẻ thơ trong sáng, niềm vui, nỗi buồn của người dân Hà Nội suốt dọc dài cuộc chiến.
Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Sách do NXB Thông tấn phát hành, tập hợp hơn 400 bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á chụp trong những thời khắc đặc biệt, tại nhiều địa điểm trên cả nước như: Thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội), Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh)...
Các tác phẩm ảnh của Nguyễn Á ghi lại hình ảnh chân thật nhất về tinh thần Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Đồng thời, các tác phẩm ảnh nêu bật hình ảnh đội ngũ y sĩ, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện, khu cách ly, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên tuyến biên giới, phục vụ tại các khu cách ly, hay trên các chuyến bay đặc biệt chở những công dân Việt Nam từ những vùng dịch ở nước ngoài về nước...
Tranh tường Khmer Nam Bộ
Tập sách ảnh này do nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình thực hiện gần 10 năm. Sách do NXB. Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phát hành tháng 10.
Tranh tường Khmer Nam Bộ không chỉ nêu tổng quát lịch sử tranh tường, những đặc trưng cơ bản của tranh tường ở chùa tháp Khmer đồng bằng Sông Cửu Long, mà còn nói về kỹ thuật tạo tác và nội dung tranh.
Qua các bộ sưu tập ảnh chụp tranh tường Khmer Nam Bộ tập hợp trong sách, độc giả có thể tìm hiểu những kỳ tích của đức Phật lịch sử, những câu chuyện tiền thân của đức Phật, những Phật thoại, những thần thoại và truyện kể dân gian…
Gốm Cây Mai: Đề ngạn - Sài Gòn xưa
Tập sách ảnh Gốm Cây Mai: Đề ngạn - Sài Gòn xưa là cuốn sách đầu tiên của bộ sách gốm Nam Bộ, do NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành. Bộ sách này gồm 3 cuốn nói về gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn và gốm Lái Thiêu.
Gốm Cây Mai: Đề ngạn - Sài Gòn xưa là kết quả cộng tác giữa nhóm tác giả Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc và hai cộng sự là Lưu Kim Chung & Nguyễn Đức Huy.
Tập sách không chỉ tái hiện dòng gốm Cây Mai đã bị thất truyền không được sản xuất từ đầu thế kỷ 20, mà còn đưa người đọc khám phá tận tường dòng gốm này.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-sach-anh-dang-chu-y-trong-nam-2020-post1168507.html