Những sải bước vì nụ cười, tình yêu biển đảo
Không chỉ sải bước chinh phục đỉnh cao ở đấu trường quốc gia, khu vực, Phạm Tiến Sản (SN 1991, Bắc Giang) còn tham gia chạy truyền cảm hứng rèn luyện sức khỏe và hướng đến những mảnh đời khó khăn, lan tỏa tình yêu biển đảo của Tổ quốc.
Chạy gây quỹ từ thiện
Năm 2020, Phạm Tiến Sản tham gia “Hành trình chạy bộ tiếp sức xuyên Việt” được coi là liều lĩnh bởi cậu đang ở giai đoạn dưỡng thương. Hành trình này xuất phát từ ý tưởng của Nông Văn Chuyền - chàng trai dân tộc Tày có tiếng trong làng chạy phong trào Việt Nam.
“Hành trình chạy bộ tiếp sức xuyên Việt” có 10 người chia thành 5 cặp, người khỏe kèm người yếu, chạy bộ liên tục suốt chiều dài đất nước trong thời gian nhanh nhất. Hành trình nhằm thúc đẩy bộ môn chạy và gây quỹ hoạt động thiện nguyện. Đúng 0h ngày 10/6 hành trình khởi hành từ Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) theo đường quốc lộ hướng về mũi Cà Mau. Các chân chạy thay nhau truyền tín bằng chiếc đồng hồ tính thời gian. Hành trình đã hoàn thành quãng đường 2.603km với tổng thời gian 251h11phút (tương đương 10 ngày 11 tiếng 11 phút), vượt kế hoạch dự kiến 1 ngày. Đặc biệt, hành trình đã gây quỹ được hơn 1 tỷ đồng cho Quỹ Từ thiện Operation Smile tại Việt Nam; 99 ca phẫu thuật được tổ chức thành công tại Thái Nguyên.
Sản cho biết, thử thách lớn nhất của hành trình là chạy trung bình 30km/ngày ở những cung giờ khác nhau, lúc thì đêm khuya, khi lại giữa trưa, chiều tối khiến nhịp sinh học liên tục thay đổi. "Sợ nhất chạy chặng miền Trung giữa trưa tháng 6, nắng nện xuống nền đường bê tông hắt lên như thiêu đốt. Tôi và những người khác phải thấm khăn ướt trùm lên đầu, đội mũ rộng vành và quấn khăn quanh cổ bảo vệ đường hô hấp”, Sản chia sẻ.
Những lúc Sản xuống sức, chân nặng hơn đeo chì, ý nghĩ về mục tiêu gây quỹ cho chương trình phẫu thuật nụ cười trẻ em khiến cậu thêm động lực tiếp tục tiến về phía trước. Đặc biệt, đồng hành với cậu và đồng đội trên đường chạy còn có rất nhiều người dân. Có những đoàn đi ô tô, xe máy chạy theo phục vụ nước uống, trao quà; có người cùng chạy hưởng ứng... “Tôi thấy hạnh phúc nhất là khi truyền được cảm hứng chạy bộ, rèn luyện sức khỏe cho nhiều người dân”, Sản nói.
Ngay sau hành trình xuyên Việt đầy ý nghĩa trên, Phạm Tiến Sản đăng ký tham gia giải Vô địch Quốc gia Marathon và Cự ly dài báo Tiền Phong 2020, tổ chức ở huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đây là giải đấu truyền thống có lịch sử hơn 60 năm, năm 2020 được nâng tầm thành giải Vô địch Quốc gia; đồng thời trở thành một sự kiện tôn vinh chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Sản cùng với các chân chạy chuyên nghiệp lẫn phong trào đã chạy trên cung đường rợp bóng cờ đỏ sao vàng giữa đại dương. Trên đường đua đẹp như mơ nhưng không kém phần khắc nghiệt này, cậu đoạt ngôi Á quân ở nội dung bán marathon 21km nam tuyển với thành tích 1 giờ 17 phút 39 giây (chậm hơn người về nhất Nguyễn Văn Lai 7 giây).
“Tham gia giải Tiền Phong Marathon 2020 là kỉ niệm đặc biệt. Tôi đã rất phấn khích và xúc động khi chạy dưới hàng cờ Tổ quốc trên đảo Lý Sơn, nơi có đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải - những người đầu tiên đi ra cắm mốc khẳng định chủ quyền và thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Giải chạy góp phần khẳng định chủ quyền, lan tỏa tình yêu biển đảo Tổ quốc đến với nhiều người hơn. Tấm huy chương mà tôi nhận được càng thêm ý nghĩa, giá trị”, Sản chia sẻ.
Mục tiêu tham dự SEA Games ở Việt Nam
Phạm Tiến Sản là con thứ ba trong gia đình thuần nông ở xã Ngọc Thiện (huyện Tân Yên, Bắc Giang). Từ nhỏ cậu đã được khuyến khích chạy bộ buổi sáng để rèn luyện sức khỏe. “Cứ 5 giờ sáng bố tôi gọi dậy chạy quanh làng, khiến chó sủa ầm ĩ. Những sớm mùa đông trời tối om, tôi sợ ma vừa chạy vừa cầm đèn pin. Chạy về cảm thấy sảng khoái, đi học dễ tiếp thu hơn nên dần thấy thích”, Sản chia sẻ.
Năm 2003 không khí SEA Games 22 (được tổ chức tại Việt Nam) đã gieo vào đầu Sản - cậu bé học lớp 7 ước mơ sải bước đua tài trên đường chạy khu vực. “Năm đó, thấy một gia đình khá giả trong xã tổ chức đi xem SEA Games ở sân Mỹ Đình với băng rôn, cờ trống rộn ràng, tôi đã muốn được tham gia và quyết tâm tập luyện. Đều đặn mỗi sáng tôi chạy 4 - 5km, rồi 6km và bắt đầu từ giải cấp huyện. Tôi lúc đầu toàn chạy bằng dép, sau được bà mua cho đôi giày ba ta để tập luyện, thi đấu”, Sản nhớ lại.
Đầu năm 2012, cậu được gọi vào đội tuyển điền kinh quốc gia. Cậu cho biết, thời gian đầu bố mẹ không ủng hộ việc vào đội tuyển quốc gia “vì trung tâm huấn luyện xa nhà, không ai quản được lại hư”, phải bảo lưu việc học ở Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. “Tôi phải thuyết phục bố mẹ để theo đuổi niềm yêu thích được chạy, được thực hiện mơ ước vào tuyển quốc gia và đến với đấu trường khu vực. Một năm sau tôi đã thực hiện được ước mơ khi tranh tài ở SEA Games 26 và giành được Huy chương Bạc ở cự li 3.000m vượt chướng ngại vật”, Sản nói.
“Tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á, tôi thường bị chấn thương, phải uống thuốc giảm đau, có lúc tưởng không thi đấu được nữa. Nếu bị chấn thương ở cổ chân, nội dung thi đấu là vượt chướng ngại vật sẽ nguy hiểm hơn khi tiếp đất. Nhưng khi thi đấu thì không nghĩ gì đến đau nữa", Sản nói và cho biết mục tiêu của cậu năm tới là có suất tham dự SEA Games ở Việt Nam.
Năm 2008, lần đầu tiên tham dự giải Điền kinh trẻ toàn quốc, Phạm Tiến Sản hiện giành HCB nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Tiếp đó, cậu đoạt HCB nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật giải Điền kinh trẻ Đông Nam Á 2009; HCV 3.000m vượt chướng ngại vật giải Điền kinh trẻ toàn quốc 2010... Đến nay cậu đã ba lần đoạt HCB ở các kì SEA Games.
Sản hiện là Chủ nhiệm CLB Chạy bộ đường dài trực thuộc Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bắc Giang. Năm 2019, CLB đã giúp đỡ nhiều học sinh nghèo; làm điểm vui chơi cho thanh niên, thiếu nhi...