Những sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị cảm lạnh

Thời tiết chuyển mùa, các bệnh lý về đường hô hấp cũng gia tăng ở trẻ em, nhất là bệnh cảm lạnh. Vì vậy, việc chăm sóc đúng cách khi bị cảm lạnh là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ

Cảm lạnh thông thường là bệnh phổ biến ở trẻ em. Trẻ em dễ bị mắc bệnh hơn và triệu chứng thường kéo dài hơn người lớn. Có nhiều nguyên nhân gây cảm lạnh ở trẻ, trong đó thường gặp là virus, đây là 1 nhóm các triệu chứng gây ra bởi 1 số các loại virus khác nhau. Có trên 100 chủng khác nhau của Rhinovirus, là loại thường gây ra cảm lạnh nhất. Một số loại virus khác gây bệnh như: Enterovirus ( Echovirus và Coxsackievirus) và Coronavirus. Vì có rất nhiều loại virus gây cảm lạnh thông thường, nên trẻ có thể bị nhiều lần trong năm.

Cảm lạnh thông thường có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm và cảm lạnh được truyền từ người này sang người khác, bằng tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc với virus trong môi trường, dễ lây nhất trong 2 - 4 ngày đầu.

Các ghi nhận cho thấy trẻ em dưới 6 tuổi trung bình từ 6 - 8 đợt cảm lạnh trong năm, có thể bị 1 lần/tháng. Khi mắc cảm lạnh với triệu chứng kéo dài trung bình 14 ngày. Những trẻ đi nhà trẻ dường như bị cảm lạnh nhiều hơn trẻ chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ đi học tiểu học chúng lại bị cảm lạnh ít hơn, có lẽ vì đã có hệ miễn dịch tốt hơn.

Cảm lạnh thông thường là bệnh phổ biến ở trẻ em. Ảnh minh họa.

Cảm lạnh thông thường là bệnh phổ biến ở trẻ em. Ảnh minh họa.

Biểu hiện trẻ khi bị cảm lạnh

Thông thường biểu hiện trẻ bị cảm lạnh xuất hiện sau 1 - 2 ngày phơi nhiễm. Ở trẻ em, ngạt mũi là biểu hiện nổi bật. Ở 3 ngày đầu biểu hiện phổ biết là trẻ cũng có thể sổ mũi nước trong, vàng hoặc xanh; sốt (nhiệt độ cao hơn 38 độ C) .

Các biểu hiện khác bao gồm: Trẻ đau họng, ho, quấy, khó ngủ, và giảm sự thèm ăn. Niêm mạc mũi có thể đỏ và sưng, hạch bạch huyết ở cổ có thể hơi to.

Các biểu hiện cảm lạnh thường nghiêm trọng nhất trong 10 ngày đầu. Tuy nhiên, một số trẻ có biểu hiện chảy mũi, ngạt mũi và ho trên kéo dài trên 10 ngày.

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị cảm lạnh

Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ thường có tâm lý chung là rất lo lắng và tìm đủ mọi cách với hy vọng trẻ sẽ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, một số sai lầm trong việc chăm sóc khiến tình trạng bệnh có thể trở nên nguy hiểm. Những việc làm không đúng bao gồm:

- Kiêng khem quá mức

Khi trẻ ho không cho ăn tôm, cua hay những loại động vật có vỏ cứng, vì nghĩ rằng trẻ sẽ bị kích thích và ho nhiều hơn, thậm chí kiêng cả thịt bò, thịt gà. Điều này hoàn toàn không chính xác, vì chỉ những trường hợp trẻ thật sự bị dị ứng mới cần phải kiêng ăn. Cha mẹ nên cho con ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo cho trẻ uống đủ nước.

- Không cho uống sữa vì sợ trẻ dễ bị nôn

Khi trẻ ốm và ho, cha mẹ không cho trẻ uống sữa vì cho rằng điều này khiến trẻ bị nôn ói. Tuy nhiên, khi sữa vào trong dạ dày sữa sẽ bị vón cục lại, nên sữa không phải là nguyên nhân khiến trẻ bị ho trào đờm và gây nôn mửa. Trong trường hợp này, cha mẹ nên chia các bữa ăn uống thành nhiều cữ nhỏ hơn, tránh trào ngược thức ăn gây khó chịu cho trẻ.

- Không dùng quạt sợ trẻ bị lạnh hoặc mở máy lạnh cả ngày

Khi trẻ cảm lạnh, ho, cha mẹ sợ trẻ bị nặng thêm nên không cho trẻ dùng quạt hoặc dùng điều hòa, có cha mẹ lại cho trẻ dùng điều hòa cả ngày để trẻ dễ chịu. Điều này không hẳn đúng, cha mẹ cần sử dụng máy lạnh, quạt như bình thường, nhất là khi trẻ ho trong thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường. Chỉ cần không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh quá 3 giờ, không bật nhiệt độ dưới 27 độ C. Nếu dùng quạt thì dùng ở chế độ tản gió đều khắp phòng và ở mức độ nhẹ nhất để tránh trẻ lạnh hơn.

Cảm lạnh là vấn đề thường gặp ở trẻ, khi trẻ có biểu hiện cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Ảnh minh họa.

Cảm lạnh là vấn đề thường gặp ở trẻ, khi trẻ có biểu hiện cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Ảnh minh họa.

- Lạm dụng thuốc

Khi trẻ cảm lạnh có các biểu hiện ho, sổ mũi, cha mẹ vội vàng mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống. Đây là sai lầm thường gặp, vì trên thực tế trẻ bị cảm lạnh thông thường thì không cần dùng kháng sinh, vì kháng sinh chỉ diệt được vi khuẩn. Dùng kháng sinh không đúng mục đích sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí còn khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, dị ứng thuốc...

Tương tự, thấy trẻ cảm lạnh hơi ấm ấm sốt, cha mẹ cho trẻ uống hạ sốt trong khi thuốc hạ sốt chỉ sử dụng khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên. Việc dùng thuốc hạ sốt như thuốc cảm là không cần thiết, điều này sẽ làm trẻ dễ toát mồ hôi và cảm lạnh hơn.

Mặt khác, việc lạm dụng thuốc ho, sổ mũi cũng vậy, khi trẻ cảm lạnh thường có biểu hiện ho, sổ mũi và việc sử dụng thuốc khi trẻ khó chịu, biếng ăn, khó ngủ... là rất hay gặp. Nhiều cha mẹ có thói quen tự mua thuốc hoặc tiện dùng thuốc của người lớn chia ước lượng, điều này dẫn đến nguy hại cho trẻ.

Việc sử dụng thuốc ho cho trẻ cũng cần sự tư vấn của thầy thuốc và nếu cần thì cha mẹ lưu ý lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, an toàn và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Tốt nhất không tùy tiện dùng thuốc mà cần sử dụng theo đúng khuyến cáo của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc làm bệnh nặng hơn.

Tóm lại: Cảm lạnh là vấn đề thường gặp ở trẻ, khi trẻ có biểu hiện bị cảm lạnh, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám. Trong quá trình chăm sóc tại nhà, khi thấy trẻ có các biểu hiện nặng hơn như: Ngủ li bì không thể lay gọi, đánh thức được; Trẻ không thể uống được nước, ăn vào nôn ra hết; Trẻ dưới 2 tháng tuổi bỏ bú hoặc trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C trong 2 - 3 ngày không giảm; Trẻ ho kéo dài không thuyên giảm sau 1 tuần, dù đã được điều trị thích hợp; Trẻ thở nhanh… thì cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

Để phòng ngừa cảm lạnh, cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần rửa tay để hạn chế bị nhiễm bệnh. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần, giữ khoảng cách với người khác, đặc biệt là người có các triệu chứng về hô hấp.

Ở thời điểm giao mùa cần giữ ấm cho trẻ một cách linh hoạt. Khi trời mưa gió cần mặc cho trẻ các trang phục phù hợp tránh để bị gió lùa, khi trời nắng nóng cần sử dụng các phương tiện giải nhiệt như quạt máy, máy lạnh phù hợp để cho trẻ dễ chịu, không gây hại sức khỏe.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần cung cấp cho trẻ đầy đủ các chất dinh dưỡng. Đặc biệt trong mùa này cần cho trẻ ăn các loại hoa quả bổ sung vitamin giúp tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.

Mời độc giả xem thêm video:

14 món ăn giúp trị cảm lạnh có thể bạn chưa biết?

BS Trần Anh Tuấn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-sai-lam-can-tranh-khi-cham-soc-tre-bi-cam-lanh-16923032510455617.htm